You dont have javascript enabled! Please enable it! Tâm lý học tư pháp - Đáp Án Trắc Nghiệm Môn EL16 - EHOU

Tâm lý học tư pháp – Đáp Án Trắc Nghiệm Môn EL16 – EHOU

Tâm lý học tư pháp-EL16-EHOU

Nội dung chương trình Tâm lý học tư pháp-EL16-EHOU nhằm cung cấp cho sinh viên những hiểu biết về nắm được hệ thống các khái niệm cơ bản của khoa học tâm lý tư pháp và các phương pháp nghiên cứu của tâm lý học tư pháp. Hiểu nội dung cơ bản và cách vận dụng các phương pháp tác động tâm lý trong hoạt động tư pháp. Hiểu được tâm lý của các chủ thể tham gia hoạt động tố tụng (bị can, bị cáo, người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự…)

Mẹo Nhỏ Nên Đọc Qua

1. Để tìm kết quả nhanh thì nên sử dụng Máy Tính thay vì Điện Thoại.

2. Sau khi Sao chép (Copy) câu hỏi thì bấm “Ctrl + F” và Dán (Paste) câu hỏi vào ô tìm kiếm sẽ thấy câu cả lời. (Copy nguyên câu không ra thì thử vài từ để kiếm)

3. Trường hợp không tìm thấy câu hỏi. Lúc này vui lòng kéo xuống dưới cùng để đặt câu hỏi mục bình luận. Sẽ được trả lời sau ít phút.

4. Xem danh sách đáp án Trắc nghiệm EHOU

5. THAM GIA KHẢO SÁT VỀ CÂU HỎI (Khảo sát giúp chúng tôi biết sự trải nghiệm của Bạn, Bạn có thể đóng ý kiến giúp Chúng tôi tăng trải nghiệm của bạn. Đặc biệt chúng tôi chọn ra 1 người may mắn mỗi tuần để trao Mã Kích Hoạt LawPro 30 Miễn Phí)

6. Tham gia group Facebook Sinh Viên Luật để được hỗ trợ giải bài tập và Nhận Mã Kích hoạt tài khoản Pro Miễn Phí

7. Nếu đăng nhập mà không thấy đáp án thì làm như sau: Giữ Phím Ctrl sau đó bấm phím F5 trên bàn phím “Ctrl + F5” để trình duyệt xóa cache lúc chưa đăng nhập và tải lại nội dung.

BÀI 1: ĐỐI TƯỢNG, NHIỆM VỤ VÀ PHƯƠNG PHÁP CỦA TÂM LÍ HỌC TƯ PHÁP

I. ĐỐI TƯỢNG, NHIỆM VỤ NGHIÊN CỨU CỦA TÂM LÍ HỌC TƯ PHÁP

Đối tượng nghiên cứu của tâm lý học tư pháp:

Tâm lý học tư pháp nghiên cứu những khía cạnh tâm lý của hành vi phạm pháp nói chung, hành vi phạm tội nói riêng.

Những khía cạnh tâm lý đó gồm:

Những đặc điểm tâm lý tiêu cực hình thành ở cá nhân, là nguyên nhân của hành vi phạm tội.

Tâm lý, nhân cách con người được hình thành phát triển dưới ảnh hưởng trực tiếp của điều kiện, hoàn cảnh sống, của giáo dục, hoạt động, giao tiếp… Các tác động có thể ảnh hưởng đến quá trình phát triển tâm lý, nhân cách của con người theo hai hướng:

  1. Làm hình thành, phát triển những phẩm chất phù hợp với các yêu cầu, đòi hỏi của xã hội.
  2. Làm hình thành, phát triển những đặc điểm tâm lý tiêu cực, không đáp ứng được các yêu cầu và đòi hỏi của xã hội.

Các yếu tố cấu thành nên hành vi phạm tội. Xét về mặt cấu trúc, hành vi phạm tội cũng có các thành phần của một hành vi. Tuy nhiên, tính chất của các thành phần cấu trúc này trong hành vi phạm tội lại có sự khác biệt lớn so với những hành vi đúng pháp luật. Tâm lý học tư pháp làm sáng tỏ các thành phần cấu trúc của hành vi phạm tội, giúp cho việc đánh giá bản chất của hành vi phạm tội như: xác định lỗi của người phạm tội, tính nguy hiểm của hành vi đó…

Hậu quả tâm lý của hành vi phạm tội. Việc thực hiện hành vi phạm tội luôn để lại những hậu qủa nhất định trong tâm lý của người phạm tội. Những thay đổi trong tâm lý người phạm tội như: sự căng thẳng về nhận thức, xúc cảm…là đối tượng nghiên cứu của tâm lý học tư pháp.

Chuyển biến tâm lý của người phạm tội trong các giai đoạn: điều tra, xét xử, thi hành án. Tất cả các giai đoạn của hoạt động tư pháp đều nhằm đạt được mục đích chung của hoạt động tư pháp. Song, mỗi giai đoạn điều tra, xét xử và cải tạo lại thực hiện những mục tiêu riêng, được tiến hành trong những điều kiện rất khác biệt. Tham gia vào từng giai đoạn tố tụng khác nhau, người phạm tội sẽ chịu tác động của điều kiện và mục đích khác nhau của hoạt động mà có những diễn biến tâm lý khác biệt. Tất cả những diễn biến tâm lý của người phạm tội với các tư cách là người bị tình nghi, bị can, bị cáo, phạm nhân… là đối tượng nghiên cứu của tâm lý học tư pháp.

Khía cạnh tâm lý của quá trình tái hoà nhập cộng đồng của người mãn hạn tù. Sau khi chấp hành hình phạt và trở về với đời sống xã hội, đối với người mãn hạn tù thì đây là một giai đoạn hết sức khó khăn với nhiều thử thách. Tâm lý của cá nhân có nhiều diễn biến phức tạp, và là đối tượng nghiên cứu của tâm lý học tư pháp.

Tâm lý học tư pháp nghiên cứu các khía cạnh tâm lý của hoạt động tư pháp

Các khía cạnh tâm lý đó gồm:

Cấu trúc tâm lý của các dạng hoạt động tư pháp. Tâm lý học tư pháp nghiên cứu và làm sáng tỏ các thành phần cấu trúc, các chức năng tâm lý trong cấu trúc của hoạt động điều tra, xét xử, thi hành án.

Đặc điểm tâm lý của các dạng hoạt động tư pháp cụ thể. Để thực hiện nhiệm vụ của các giai đoạn điều tra, xét xử hay thi hành án, người cán bộ tư pháp cần phải tiến hành các dạng hoạt động cụ thể. Chẳng hạn, để điều tra vụ án, điều tra viên phải tiến hành các hoạt động như: xét hỏi bị can, lấy lời khai của người làm chứng, người bị hại, hoạt động đối chất… tâm lý học tư pháp nghiên cứu và làm sáng tỏ khía cạnh tâm lý của các hoạt động này.

Các phẩm chất tâm lý cần thiết cho người cán bộ hoạt động trong lĩnh vực tư pháp. Việc làm sáng tỏ bản chất của hoạt động tư pháp cho thấy, để hoạt động có hiệu quả trong lĩnh vực này, người cán bộ tư pháp cần phải có được những phẩm chất nghề nghiệp đặc biệt. Tâm lý học tư pháp nghiên cứu và chỉ ra những phẩm chất tâm lý cần thiết đó.

Tâm lý học tư pháp nghiên cứu các đặc điểm tâm lý của các chủ thể tham gia hoạt động tư pháp

Hiệu quả của hoạt động tư pháp phụ thuộc nhiều vào hành vi xử sự của các chủ thể tham gia. Tuy nhiên, hoạt động tư pháp là một hoạt động đặc biệt, vì thế, nó có thể dẫn tới những diễn biến tâm lý rất đặc trưng. Tâm lý học tư pháp nghiên cứu và làm sáng tỏ đặc điểm tâm lý của các chủ thể : bị can, bị cáo, người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn, bị đơn dân sự… khi họ tham gia vào các dạng hoạt động tư pháp khác nhau

Tâm lý học tư pháp nghiên cứu và soạn thảo ra các phương pháp tâm lý sử dụng trong hoạt động tư pháp

Là ngành khoa học ứng dụng, tâm lý học tư pháp còn soạn thảo ra các phương pháp tác động tâm lý để sử dụng trong hoạt động tư pháp, giúp cho người cán bộ tư pháp có thể tác động đến tâm lý của các đối tượng cần thiết.

Nhiệm vụ của tâm lý học tư pháp

Nhiệm vụ chung

Nhiệm vụ chung của tâm lý học tư pháp là những vấn đề có tính bao trùm, xuyên suốt các giai đoạn của hoạt động tố tụng. Chúng bao gồm:

  • Nghiên cứu những điều kiện, những đặc điểm tâm lý chung của hoạt động tư pháp. ở đây, mối quan tâm hàng đầu là làm rõ cấu trúc tâm lý của hoạt động tư pháp, nghĩa là chỉ ra những yếu tố, những thành phần cấu thành hoạt động tư pháp, đặc điểm của các thành phần đó và mối quan hệ giữa chúng.
  • Nghiên cứu nhân cách. Tâm lý học tư pháp không chỉ nghiên cứu nhân cách người phạm tội, mà còn nghiên cứu nhân cách người tiến hành tố tụng, làm rõ quá trình hình thành, phát triển các phẩm chất tâm lý cần thiết trong quá trình hoạt động nghề nghiệp của họ, chỉ ra nguyên nhân, điều kiện của sự biến thái nhân cách ở một bộ phận cán bộ, nhân viên ngành tư pháp.
  • Làm rõ quy luật hình thành, phát triển những đặc điểm tâm lý tiêu cực ở người phạm tội, mối liên hệ giữa chúng với lối sống và hành vi của họ.
  • Xây dựng quy trình và đưa ra những nguyên tắc, những yêu cầu của việc sử dụng các phương pháp tác động tâm lý trong hoạt động tư pháp.

Nhiệm vụ cụ thể

  • Nhiệm vụ cụ thể của tâm lý học tư pháp là những vấn đề cụ thể nảy sinh ở từng giai đoạn, từng biện pháp tố tụng cụ thể. Thực chất, đây là sự cụ thể hoá của các nhiệm vụ chung ở từng giai đoạn tố tụng. Ví dụ: làm rõ cấu trúc tâm lý của giai đoạn điều tra, hoặc làm rõ đặc điểm tâm lý của quá trình tranh luận tại phiên tòa

II. Ý NGHĨA THỰC TIỄN CỦA TÂM LÍ HỌC TƯ PHÁP

Tâm lý học tư pháp có ý nghĩa to lớn đối với hoạt động tư pháp, đối với quá trình tố tụng.

  1. Thứ nhất – Tâm lý học tư pháp giúp cơ quan tiến hành tố tụng xác định sự thật khách quan của vụ án một cách nhanh chóng, chính xác, đưa ra bản án và các quyết định đúng đắn để giải quyết vụ án.
    • Việc nghiên cứu, làm rõ đặc điểm tâm lý của người phạm tội, những quy luật tâm lý biểu hiện trong hoạt động phạm tội giúp các cơ quan có thẩm quyền nhanh chóng khám phá vụ án. Hiện nay, ở nhiều nước trên thế giới đã có những trung tâm phân tích và xây dựng chân dung tâm lý người phạm tội, nghĩa là xác định những nét đặc trưng về lứa tuổi, giới tính, dân tộc, tính cách, thói quen, xu hướng… của người phạm tội trên cơ sở của các thông tin đã có. Hoạt động của các trung tâm này đã thu được những kết quả khả quan. Nhiều kẻ phạm tội nguy hiểm bị phát hiện và bị bắt giữ, nhiều vụ án phức tạp được khám phá. Ngoài ra, những phương pháp, những thủ thuật tâm lý được soạn thảo ra trong tâm lý học tư pháp là phương tiện để cơ quan tiến hành tố tụng đấu tranh, với những đối tượng phạm tội ranh mãnh, ngoan cố nhất. Tất cả những điều này cho thấy rằng, những tri thức, hiểu biết về các quy luật của đời sống tâm lý con người là không thể thiếu đối với những người làm việc trong lĩnh vực đấu tranh phòng, chống tội phạm.
  2. Thứ hai – Tâm lý học tư pháp giúp nâng cao hiệu quả của hoạt động giáo dục, cảm hoá người phạm tội
    • Việc nghiên cứu làm rõ đặc điểm tâm lý, nhân cách của bị can, bị cáo, của phạm nhân trong thời gian chấp hành án phạt tù tại trại giam, ảnh hưởng của điều kiện, hoàn cảnh sống ở trại giam đối với phạm nhân cho phép người tiến hành tố tụng, giám thị và quản giáo trại giam xây dựng chương trình, những biện pháp tác động phù hợp, đảm bảo cho việc hiện thực hoá mục đích của hoạt động giáo dục trong giai đoạn điều tra, xét xử và đặc biệt là trong giai đoạn thi hành án.
  3. Thứ ba – Tâm lý học tư pháp góp phần vào công tác phòng ngừa tội phạm.
    • Trên cơ sở nghiên cứu, làm rõ nguyên nhân, điều kiện phạm tội, tâm lý học tư pháp giúp các cơ quan có thẩm quyền đưa ra được những chủ trương, những biện pháp đúng đắn và có hiệu quả trong việc phòng ngừa tội phạm, loại bỏ những yếu tố là nguyên nhân phát sinh tội phạm trong lối sống của cá nhân và cộng đồng
  4. Thứ tư – Tâm lý học tư pháp còn có ý nghĩa đối với công tác tuyển dụng, đào tạo cán bộ cho ngành tư pháp, công tác tổ chức hoạt động tư pháp
    • Để một hoạt động diễn ra có kết quả cao thì trước hết chủ thể tiến hành phải có đủ những phẩm chất mà hoạt động đó đòi hỏi. Mặt khác, công tác tổ chức hoạt động cũng phải phù hợp với các đặc điểm cơ bản của nó. Vì vậy, việc nghiên cứu điều kiện và đặc điểm của hoạt động tư pháp vừa giúp đưa ra những tiêu chuẩn trong công tác tuyển dụng cán bộ ngành tư pháp, xác định phương hướng và chương trình đào tạo, bồi dưỡng họ, vừa là cơ sở để tổ chức hoạt động một cách hợp lý.
    • Ngoài các ý nghĩa thực tiễn nói trên, những vấn đề mà tâm lý học tư pháp nghiên cứu còn làm phong phú thêm những tri thức, hiểu biết về đời sống tâm lý con người

III. CÁC NGUYÊN TẮC VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU CỦA TÂM LÍ HỌC TƯ PHÁP

Các nguyên tắc sử dụng phương pháp nghiên cứu

Nguyên tắc mục đích: Nguyên tắc này đòi hỏi khi sử dụng các phương pháp nghiên cứu tâm lý, ta phải xác định rõ mục đích sử dụng. Mỗi một phương pháp nghiên cứu đều chỉ đáp ứng một hoặc một số mục đích nhất định trong việc thu thập thông tin. Việc xác định rõ mục đích sử dụng sẽ gíup cho ta có thể lựa chọn các biện pháp nghiên cứu phù hợp

Nguyên tắc quyết định luận xã hội: Theo nguyên tắc này thì mọi hiện tượng tâm lý không tự nhiên sinh ra mà đều có nguyên nhân làm hình thành hoặc làm thay đổi. Các nguyên nhân này chủ yếu là từ điều kiện xã hội. Do đó, khi phân tích một hiên tượng tâm lý, bạn cần phải phân tích cả điều kiện, hoàn cảnh sống của họ và những yếu tố xã hội tác động đến họ

Nguyên tắc khách quan: Nguyên tắc này đòi hỏi khi thu thập thông tin về tâm lý một đối tượng nào đó, ta phải đảm bảo được tính chân thực và phản ánh đúng bản chất của hiện tượng tâm lý mà ta quan tâm. Đảm bảo nguyên tắc này, khi thu thập thông tin về đối tượng, ta phải đảm bảo sử dụng các phương pháp có độ tin cậy cao; phải đảm bảo phản ánh đúng các đặc điểm của đối tượng; việc phân tích, đánh giá tâm lý đối tượng không được suy diễn tuỳ tiện, chủ quan mà phải dựa trên cơ sở những thông tin mà ta đã thu thập được.

Nguyên tắc về sự thống nhất giữa tâm lý nhân cách và hoạt động: Có thể nói, tâm lý nhân cách và hoạt động có mối quan hệ chặt chẽ, đó là mối quan hệ nội dung và hình thức, thể hiện như sau:

  • Hoạt động là điều kiện để hình thành và phát triển tâm lý cá nhân. Thông qua các hoạt động học tập, lao động, giải trí…mỗi cá nhân lĩnh hội tri thức, kỹ năng kỹ xảo, hệ thống chuẩn mực, rèn luyện các phẩm chất tâm lý cần thiết, từ đó mà tâm lý cá nhân đựơc hình thành.
  • Trong hoạt động, mỗi nhân cách bộc lộ giá trị nhân cách của mình. Có nghĩa là, ta cần đánh giá tâm lý của người khác thông qua hành động của anh ta. Chỉ có thông qua hành động, tâm lý của con người mới được bộc lộ một cách chân thực nhất.

Nguyên tắc phát triển: Khi ta muốn đánh giá tâm lý của một đối tượng nào đó, cần phải xem xét nó trong sự vận động và phát triển. Nguyên tắc này cũng đòi hỏi, khi đánh giá về một ai đó, ta không nên đánh giá họ qua một tình huống mà phải đánh giá họ qua một quá trình lâu dài.

Nguyên tắc tiếp cận nhân cách: Khi đánh giá một con người, ta cần phải tiếp cận họ một cách toàn diện, tìm hiểu tất cả các thuộc tính trong nhân cách của họ, mối quan hệ tác động qua lại của chúng. Mặt khác, cần phải phân tích được ảnh hưởng của yếu tố sinh học và yếu tố xã hội đối với sự hình thành và phát triển nhân cách của họ. Có như vậy, ta mới có được kết luận chính xác về tâm lý của đối tượng mà ta quan tâm.

Các phương pháp nghiên cứu cụ thể

Phương pháp quan sát

Quan sát là sự tri giác có chủ định các biểu hiện bề ngoài của con người như hành động, cử chỉ, ánh mắt, nét mặt, cách nói năng, cách ăn mặc…nhằm nhận xét, phán đoán các đặc điểm tâm lý của họ.

Trong hoạt động tư pháp, xuất phát từ sự mâu thuẫn của chủ thể tham gia tố tụng với người cán bộ tiến hành tố tụng, phương pháp quan sát có một số đặc điểm đặc thù sau:

  • Chủ thể tiến hành quan sát cũng có thể trở thành đối tượng bị quan sát. Có nghĩa là, khi ta tiếp xúc với một đối tượng để thu thập thông tin, thì họ (đặc biệt là bị can, bị cáo) cũng rất muốn biết ta đang nghĩ gì, muốn gì ở họ. Vì vậy, họ cũng tiến hành quan sát ta để có được những thông tin cần thiết về chủ thể đang quan sát mình.
  • Việc sử dụng phương pháp quan sát có thể gặp những trở ngại nhất định, vì đối tượng của quan sát có thể có những động tác giả để che đậy nội tâm của mình. Đây là đặc điểm đặc thù của hoạt động tư pháp. Đối với người phạm tội hoặc những người có thái độ không thành khẩn thì khi tiếp xúc với người cán bộ tư pháp, họ luôn có ý thức che dấu những diễn biến nội tâm của mình. Họ có thể dùng những động tác giả bên ngoài để đánh lạc hướng chủ thể quan sát. Chẳng hạn, một bị cáo tại phiên tòa có thể khóc nức nở và thể hiện sự hối hận một cách rất “nghệ thuật” mặc dù thật tâm anh ta không hề hối cải.
  • Điều kiện của hoạt động tư pháp có thể gây những tác động lớn đối với tâm lý của các chủ thể tham gia. Vì vậy, tâm lý của họ thường bộc lộ dưới rất nhiều sắc thái khác nhau. Chẳng hạn, cũng là thái độ khai báo của người làm chứng, khi khai báo tại cơ quan điều tra, họ có thể tích cực và chủ động. Nhưng tại phiên tòa, sự chú ý của nhiều người có thể gây cho người làm chứng tâm lý e ngại, làm cho họ trở nên thụ động hơn khi khai báo.

Phương pháp thực nghiệm

Thực nghiệm là phương pháp mà chủ thể chủ động tạo ra tình huống nhằm làm xuất hiện ở đối tượng những hiện tượng tâm lý cần quan tâm, tiến hành đo đạc, định lượng chúng một cách khách quan.

Tình huống được tạo ra trong phương pháp thực nghiệm có vai trò quan trọng. Chúng là điều kiện để hình thành những hiện tượng tâm lý mà chúng ta cần quan tâm. Thực chất các tình huống này là những vấn đề, những “bài toán” mà nhà nghiên cứu đặt ra cho các đối tượng và căn cứ vào cách giải quyết của họ để xác định đặc điểm của đối tượng nghiên cứu.

Người ta phân biệt nhiều loại thực nghiệm khác nhau:

  • Thực nghiệm tự nhiên là thực nghiệm dựa vào những điều kiện hoàn cảnh trong cuộc sống và hoạt động của đối tượng. Trong hoạt động tố tụng các thực nghiệm điều tra chủ yếu thuộc loại này. Ví dụ: thực nghiệm diễn lại hành động, việc làm nhằm kiểm tra lời khai của bị can, người bị tạm giữ, người làm chứng …
  • Thực nghiệm giáo dục là loại thực nghiệm nhằm phát triển, rèn luyện hoặc uốn nắn những phẩm chất tâm lý nào đó ở đối tượng. Loại thực nghiệm này được dùng trong quá trình giam giữ cải tạo phạm nhân.
  • Thực nghiệm trong phòng thí nghiệm là những thực nghiệm nhằm nghiên cứu những đặc điểm tâm lý nhất định, được tiến hành trong những phòng được bố trí đặc biệt với những máy móc, thiết bị tinh vi.

Để kết quả rút ra từ phương pháp thực nghiệm có đủ độ tin cậy, cần tiến hành thực nghiệm nhiều lần và phối hợp với các phương pháp khác.

Phương pháp đàm thoại (trò chuyện)

Đàm thoại là phương pháp tìm hiểu tâm lý, nhân cách con người thông qua các quan hệ giao tiếp bằng ngôn ngữ. Nói cách khác, thông qua cách nói năng, ngôn ngữ của một người, bạn có thể đánh giá về tâm lý của họ như: thái độ, tình cảm, quan điểm, nhu cầu, hứng thú, tâm trạng… của họ.

Phương pháp đàm thoại đòi hỏi ở chủ thể nghiên cứu khả năng giao tiếp tốt và tính linh hoạt cao. Vấn đề cơ bản trong phương pháp đàm thoại là người đối thoại phải cởi mở, bộc lộ bản thân. Để đạt được điều đó, người nghiên cứu cần có phương pháp tiếp cận phù hợp, tạo ấn tượng tốt, đặc biệt là ấn tượng ban đầu, phải biết thiết lập, duy trì bầu không khí thích hợp trong suốt quá trình trò chuyện. Cho nên, chủ đề câu chuyện không thể xác định một cách máy móc, cứng nhắc mà cần được thay đổi một cách linh hoạt cho phù hợp với tình huống thực tế. Trong trường hợp thuận lợi có thể đưa câu chuyện lên mức độ tranh luận làm người đối thoại bộc lộ hơn nữa về bản thân.

Phương pháp phân tích sản phẩm hoạt động

Tâm lý con người được biểu hiện trong hoạt động, được “chất chứa” vào các sản phẩm hoạt động, trở thành những hiện tượng tâm lý tiềm tàng, tích đọng trong đó.

Vì vậy, dựa vào việc phân tích kết quả, sản phẩm hoạt động có thể rút ra những kết luận về tâm lý nhân cách của người đã làm ra sản phẩm đó. Chẳng hạn, chúng tôi có thể thông qua bài thi của một học viên mà phán đoán một số nét về tâm lý của họ như: thái độ đối với môn học, hiểu biết xã hội, khả năng tư duy…

Trong hoạt động tố tụng, khi phân tích đánh giá những dấu vết phát hiện được trên hiện trường, công cụ phạm tội, hậu quả mà hành vi phạm tội gây ra… ta có thể xác định được động cơ, mục đích, diễn biến hành vi, ý chí, thói quen, trạng thái tâm lý của cá nhân đã thực hiện hành vi phạm tội. ở một số nước trên thế giới, các chuyên gia tội phạm đã căn cứ vào cách thức thực hiện hành vi phạm tội, các dấu vết của hành vi…mà xây dựng chân dung tâm lý của đối tượng phạm tội. Đó là họ đã sử dụng phương pháp phân tích sản phẩm của hoạt động.

Phương pháp phân tích nhóm (tập thể)

Trong hoạt động, cá nhân phải vì lợi ích của nhóm và của các thành viên khác. Mặt khác, thông qua các quan hệ giao tiếp trong nhóm, cá nhân tiếp thu được những kinh nghiệm nhất định. Vì vậy nhóm để lại dấu ấn trong tâm lý, ý thức của mỗi thành viên,
ảnh hưởng đến hành vi của họ. Dựa vào việc phân tích các đặc điểm về tổ chức và hoạt động của nhóm, quan hệ trong nhóm, đặc điểm của các thành viên khác có thể rút ra những kết luận về tâm lý, nhân cách của cá nhân mà ta quan tâm.

Trong đời sống, đôi khi ta tìm hiểu bạn bè của người mà ta quan tâm để đánh về tính cách, thái độ, tình cảm, ý thức… của họ. Đó là ta đã sử dụng phương pháp phân tích nhóm.

Trong hoạt động tố tụng hình sự, để làm rõ đặc điểm tâm lý, nhân thân của bị can, bị cáo, nguyên nhân, điều kiện phạm tội của họ, người tiến hành tố tụng thường tìm hiểu về điều kiện gia đình, những tập thể, cơ quan nơi họ làm việc, bạn bè, các nhóm giao
tiếp… mà họ đã hoặc đang là thành viên.

IV. CÁC PHƯƠNG PHÁP TÁC ĐỘNG TÂM LÍ TRONG HOẠT ĐỘNG TƯ PHÁP

Mục đích sử dụng

Tác động tâm lý là những cách thức, những biện pháp được sử dụng để làm ảnh hưởng, làm thay đổi các đặc điểm tâm lý nhân cách con người nhằm đạt những mục đích nhất định.

Trong hoạt động tư pháp, tác động tâm lý được hiểu là một hệ thống những tác động có mục đích, có tổ chức, có kế hoạch của chủ thể tiến hành tố tụng tới các chủ thể khác trong hoạt động tố tụng nhằm làm chuyển biến, thay đổi những đặc điểm tâm lý nào đó ở họ, đáp ứng được yêu cầu của hoạt động tư pháp.

Việc sử dụng các phương pháp tác động tâm lý nhằm các mục đích sau:

  1. Làm thay đổi tâm lý của đối tượng bị tác động nhằm thu thập những thông tin cần thiết, làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án. Với mục đích này, các phương pháp tác động tâm lý có thể được dùng để tác động đến nhận thức của đối tượng. Chẳng hạn, khi một người làm chứng không thể mô tả lại chính xác một tình tiết nào đó, điều tra viên sẽ tác động đến tư duy và trí nhớ của anh ta, giúp anh ta nhớ lại được chính xác sự việc. Trong nhiều trường hợp, để làm sáng tỏ được sự thật của vụ án thì cần phải làm thay đổi thái độ của người khai báo. Bạn có thể sử dụng các phương pháp tác động tâm lý để đạt được điều này. Chẳng hạn, khi đương sự cố tình nại ra những tình tiết để làm thay đổi sự thật thì thẩm phán sử dụng phương pháp tác động tâm lý phù hợp tới người này, làm cho anh ta có thái độ đúng đắn trong việc cung cấp chứng cứ.
  2. Nhằm giáo dục cải tạo và cảm hoá người phạm tội. Với mục đích này, các phương pháp tác động tâm lý được sử dụng để tác động đồng thời dến nhận thức, tình cảm, ý chí của người phạm tội, làm hình thành ở họ thái độ phê phán đối với hành vi đã thực hiện, từ đó mà giáo dục, cải tạo lại tâm lý của họ.
  3. Làm tăng tính tích cực của các chủ thể tham gia hoạt động tố tụng, từ đó giáo dục ý thức pháp luật cho các công dân. Các chủ thể tham gia hoạt động tố tụng đóng một vai trò quan trọng đối với hoạt động tư pháp. ý thức và thái độ của họ có ảnh hưởng nhất định đến sự hợp tác của họ với cơ quan tiến hành tố tụng. Việc sử dụng phương pháp tác động tâm lý đến các chủ thể này sẽ làm hình thành ở họ thái độ đúng đắn đối với hoạt động, làm cho họ tích cực cộng tác với các cơ quan tiến hành tố tụng.

Các phương pháp tác động tâm lý

Phương pháp truyền đạt thông tin

Nội dung của phương pháp truyền đạt thông tin là sử dụng những thông tin có ý nghĩa với đối tượng làm phương tiện tác động đến tâm lý của họ để đạt những mục đích nhất định. Các thông tin này, sau khi được tiếp nhận, sẽ đi sâu vào các quá trình trí tuệ, làm thay đổi nhận thức, làm xuất hiện những xúc cảm và dẫn đến những thay đổi trong thái độ và hành vi của người tiếp nhận thông tin. Chẳng hạn, một đối tượng đã không chịu khai nhận hành vi bắn chết người mà nại ra rằng, trong lúc giằng co giữa anh ta với nạn nhân thì súng bị cướp cò và nổ vào người nạn nhân. Điều tra viên liền đọc cho anh ta nghe kết luận của bản giám định pháp y về vết đạn trên người nạn nhân. Những thông tin đó khiến anh ta thấy không thể chối cãi được và cúi đầu nhận tội.

Trong hoạt động tố tụng, những thông tin được dùng để truyền đạt đến đối tượng phải có tính khách quan. Quá trình truyền đạt thông tin phải đảm bảo tính độc lập của họ trong việc tiếp nhận, phân tích, đánh giá thông tin và đi đến những quyết định cụ thể. Hình thức của phương pháp truyền đạt thông tin rất đa dạng. Có thể dùng lời nói, có thể dùng tài liệu, ảnh, băng hình, băng ghi âm hoặc những đồ vật cụ thể (con dao, cái búa, hòn đá…).

Hình thức truyền đạt thông tin cũng có thể là trực tiếp hoặc gián tiếp. Trong hoạt động điều tra, có những trường hợp cơ quan điều tra đưa tin qua người thứ ba, qua dư luận hoặc qua các phương tiện thông tin đại chúng (báo, đài, tivi…) đánh động đối tượng phạm tội đang lẩn trốn, làm họ hoang mang, dao động và từ đó quyết định đầu thú.

Phương pháp thuyết phục

Nội dung của phương pháp thuyết phục là đưa ra những sự kiện, những tình huống cụ thể, phân tích, giải thích giúp đối tượng thấy rõ đúng, sai, lợi, hại, tốt, xấu… nhằm thay đổi thái độ, quan điểm, lập trường của họ, hoặc xây dựng quan điểm mới.

Ví dụ: Khi tham gia tranh luận, để bào chữa cho bị cáo có hành vi giết người trong tình trạng thần kinh bị bị kích động mạnh, luật sư có thể đưa ra đề nghị về mức án theo hướng giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo và phân tích tác dụng của việc giảm nhẹ mức hình phạt đó đối với việc giáo dục bị cáo, từ đó mà tác động tới Hội đồng xét xử.

Phương pháp giao tiếp tâm lý có điều khiển

Giao tiếp là sự tiếp xúc giữa con người với con người nhằm thực hiện những mục đích nhất định. Đặc biệt, giao tiếp trong hoạt động tư pháp luôn diễn ra sự tác động qua lại giữa các chủ thể, biểu hiện ở những thay đổi về xúc cảm và hành vi, ở sự đồng tình, hậu thuẫn hay mâu thuẫn, chống đối của chủ thể này đối với chủ thể khác. Chính vì vậy trong hoạt động tố tụng, giao tiếp còn được sử dụng như một phương pháp tác động tâm lý. Trong trường hợp này, các quan hệ giao tiếp với đối tượng tác động được chủ thể tác động thiết lập, điều khiển nhằm hướng và tăng cường sự tác động lên tâm lý của họ để đạt mục đích mong muốn. Ví dụ: khi lấy tiến hành đối chất giữa hai đương sự trong vụ án dân sự, thẩm phán thiết lập giao tiếp giữa họ, điều khiển và sử dụng các giao tiếp đó để giải quyết mâu thuẫn trong các thông tin do họ đưa ra.

Như vậy, giao tiếp có điều khiển là phương pháp mà chủ thể tác động thiết lập, điều khiển và sử dụng giao tiếp của các đối tượng để tác động đến tâm lý của họ nhằm đạt được các mục đích.

Phương pháp mệnh lệnh

Mệnh lệnh là phương pháp cưỡng chế tâm lý, đòi hỏi đối tượng tác động phải thực hiện, hoặc chấm dứt ngay một hành động nào đó, không phụ thuộc vào ý muốn của họ. Chẳng hạn, khi khám xét một địa điểm nào đó, điều tra viên sử dụng phương pháp mệnh lệnh, bắt buộc đối tượng có liên quan phải thực hiện những hành vi nhất định, phục vụ cho việc khám xét. Trong trường hợp này, đối tượng phải có nghĩa vụ chấp hành ý chí của điều tra viên.

Để phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm có hiệu quả, việc sử dụng phương pháp mệnh lệnh trong hoạt động tố tụng hình sự là cần thiết. Tuy nhiên, do tính cưỡng chế cao nên đối tượng bị tác động sẽ không có sự tự do về mặt ý chí. Việc sử dụng phương pháp này cần thận trọng để tránh vi phạm quyền công dân. Trong hoạt động tố tụng hình sự, phương pháp này chủ yếu được sử dụng ở giai đoạn thi hành án nhằm giáo dục phạm nhân, đưa họ vào nề nếp của trại giam, tạo cho họ những thói quen, những khuôn mẫu hành vi mới phù hợp với yêu cầu của xã hội.

Phương pháp đặt và thay đổi vấn đề tư duy

Nội dung của phương pháp đặt và thay đổi vấn đề tư duy là đưa những vấn đề cụ thể dưới dạng câu hỏi để kích thích, định hướng và phát triển hoặc thay đổi quá trình tư duy ở đối tượng tác động, từ đó ảnh hưởng đến tâm lý và hành vi của họ.

Ví dụ: khi lấy lời khai của đương sự, thẩm phán đặt ra những câu hỏi có liên quan đến sự việc. Tiếp nhận các câu hỏi này, đương sự tư duy và nhớ lại những tình tiết cần thiết.

Quá trình tư duy nảy sinh dưới tác động của tình huống có vấn đề. Con người tư duy theo hướng nào, sử dụng những thông tin gì để giải quyết vấn đề đặt ra, phụ thuộc vào nội dung và cách biểu đạt vấn đề. Vì vậy trong xét hỏi, việc cân nhắc, xác định phương hướng, chiến thuật xét hỏi có ý nghĩa lớn. Toàn bộ các tình tiết của vụ án là một chuỗi mắt xích bí mật có độ bền vững khác nhau. Chọn mắt xích nào và bằng cách nào để đột phá vào chuỗi bí mật đó là một vấn đề không đơn giản, và nhiều khi người cán bộ xét hỏi phải mất nhiều thời gian và công sức mới xác định được. Nghệ thuật của người cán bộ xét hỏi được thể hiện chính ở chỗ: biết đặt ra những câu hỏi buộc người bị xét hỏi khi trả lời phải sử dụng những thông tin khách quan mà người cán bộ xét hỏi quan tâm.

Phương pháp ám thị gián tiếp

Phương pháp ám thị là phương pháp dùng lời nói, hành vi, cử chỉ làm cho đối tượng tiếp nhận thông tin một cách thiếu sự kiểm soát và phê phán. Có nhiều hình thức ám thị:

Khi nội dung ám thị được truyền thẳng đến đối tượng gọi là ám thị trực tiếp. Ví dụ: một đối tượng đã lừa đảo bằng cách, nhìn chằm chằm vào một người phụ nữ gặp trên đường, sau đó bảo rằng, da mặt của chị ta xấu quá, có biểu hiện của bệnh nặng và cần phải chữa ngay bằng một loại thuốc biệt dược quí hiếm. Quá hoảng hốt, chị phụ nữ tiếp nhận những thông tin này một cách thiếu sự đánh giá, phê phán và tưởng rằng mình bị bệnh thật.

Khi nội dung ám thị được che dấu, nguỵ trang bằng các thông tin khác, thì gọi là ám thị gián tiếp. Trong hoạt động điều tra vụ án, hình thức này thường được sử dụng. Điều tra viên thường dùng những thông tin không liên quan đến vụ án, có ý nghĩa với đối tượng và họ không ngờ tới để tác động. Khi tiếp nhận những thông tin này, ở đối tượng sẽ hình thành những suy nghĩ mà điều tra viên muốn “ám thị”. Nói cách khác, điều tra viên gián tiếp thông qua những thông tin có ý nghĩa để ám thị những nội dung cần thiết.

Trên đây là một số phương pháp tác động tâm lý thường được sử dụng trong hoạt động tư pháp. Tuỳ thuộc vào từng trường hợp cụ thể và mục đích của người sử dụng mà các phương pháp này được sử dụng một cách riêng rẽ hoặc kết hợp. Tuy nhiên, sự kết hợp nhiều phương pháp với nhau thường cho kết quả tốt hơn đáng tin cậy hơn

BÀI 2: PHÂN TÍCH TÂM LÍ HÀNH VI PHẠM TỘI

I .NGUYÊN NHÂN TÂM LÝ XÃ HỘI CỦA HÀNH VI PHẠM TỘI:

1.1. Khái niệm nguyên nhân tâm lý của hành vi phạm tội

Nguyên nhân tâm lý xã hội của hành vi phạm tội là tập hợp các đặc điểm tâm lý tiêu cực, hình thành và phát triển do hậu qủa của những điều kiện xã hội không thuận lợi trong quá trình xã hội hoá cá nhân. Các đặc điểm tâm lý tiêu cực này trong sự tác động qua lại với những điều kiện, hoàn cảnh cụ thể là nguyên nhân đưa con người đến chỗ phạm tội.

Qua định nghĩa trên, có thể thấy, nguyên nhân tâm lý xã hội của hành vi phạm tội bao gồm 2 nhóm:

Nhóm nguyên nhân thứ nhất: là những đặc điểm tâm lý tiêu cực hình thành ở cá nhân do nhưng điều kiện xã hội không thuận lợi. Trong trường hợp quá trình xã hội hoá thành công, sản phẩm của nó là những con người có tri thức, có văn hoá, gắn bó với cộng đồng, biết tôn trọng các chuẩn mực và kỷ cương xã hội, tích cực hoạt động vì sự tiến bộ xã hội, góp phần làm cho xã hội ổn định và phát triển. Song, do nhiều nguyên nhân khác nhau, ở nơi này hay nơi khác, vào thời điểm này hay thời điểm khác vẫn tồn tại những điều kiện xã hội không thuận lợi, ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình hình thành và phát triển tâm lý, nhân cách, làm xuất hiện ở con người những lệch lạc, những thói quen không đáp ứng được yêu cầu và đòi hỏi của xã hội. Chúng chính là nguyên nhân bên trong của hành vi phạm tội.

Nhóm nguyên nhân thứ hai: điều kiện và hoàn cảnh cụ thể của tội phạm. Những lệch lạc trong tâm lý nhân cách sẽ không dẫn tới hành vi phạm tội của cá nhân, nếu không có sự thúc đẩy, tác động của những điều kiện, hoàn cảnh sống. Một người có lối sống sa hoa, lười lao động sẽ không thực hiện hành vi trộm cắp, nếu anh ta luôn luôn được thoả mãn, no đủ nhu cầu vật chất (nhu cầu về tiền). Chỉ khi nhu cầu về tiền không được đáp ứng, nó sẽ trở thành động lực thúc đẩy anh ta phải hành động. Động lực này kết hợp với những lệch lạc sẵn có ở cá nhân, sẽ làm cho cá nhân lựa chọn phương thức hành động trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật để thoả mãn nhu cầu: đó là thực hiện hành vi vi phạm pháp.

1.2. Các nguyên nhân làm hình thành đặc điểm tâm lý tiêu cực trong tâm lý nhân cách

Quá trình thực hiện vai trò xã hội

Trong quá trình thực hiện vai trò xã hội, có thể có những nguyên nhân dẫn đến những lệch lạc trong tâm lý của cá nhân.

Có thể kể đến các nguyên nhân cơ bản sau:

  • Cá nhân không có đủ các phẩm chất tâm – sinh lý mà vai trò xã hội của họ đòi hỏi. Ví dụ: một người làm cán bộ kinh doanh, nhưng anh ta lại không có đủ tính quyết đoán, sự nhạy bén, năng động cần phải có. Từ đó, hình thành ở anh ta những đặc điểm tâm lý tiêu cực như: chán nản, chây lười, thụ động trong công việc.
  • Cá nhân có thái độ tiêu cực đối với vai trò xã hội của bản thân. Chẳng hạn, một người làm nghề y, nhưng anh ta lại không có được thái độ y đức cần thiết. Hệ quả là anh ta đã lợi dụng nghề nghiệp để lừa đảo, hoặc có thái độ vô trách nhiệm đối với người bệnh… đó chính là những biểu hiện lệch lạc trong tâm lý cá nhân.

Những nguyên nhân nêu trên làm cho cá nhân không thể thực hiện tốt vai trò xã hội của mình, ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý cá nhân. Ở cá nhân có thể hình thành thái độ vô trách nhiệm với công việc, lạm dụng quyền hạn của mình vì lợi ích của cá nhân, làm giảm tính tích cực và tính sáng tạo của họ trong công việc, nảy sinh tính vô kỷ luật và thiếu ý thức trách nhiệm… Đồng thời, những thuộc tính tâm lý trong cấu trúc nhân cách như nhu cầu, thế giới quan, tính cách… cũng thay đổi theo chiều hướng lệch lạc. Từ đây xuất hiện khoảng cách, nảy sinh bất đồng, mâu thuẫn giữa cá nhân với tập thể và xã hội.

Quá trình tiếp thu kinh nghiệm xã hội

Trong quá trình tiếp thu kinh nghiệm xã hội những nguyên nhân sau có thể làm hình thành ở cá nhân sự lệch lạc trong tâm lý:

  • Cá nhân không tích cực, không tự giác tiếp thu kinh nghiệm xã hội. Chính sự thiêú hụt kiến thức sẽ dẫn đến những lệch lạc trong nhận thức, thái độ và hình thành những đặc điểm tâm lý tiêu cực ở cá nhân.
  • Trong các kinh nghiệm mà cá nhân tiếp thu có những khiếm khuyết, lệch lạc nhất định.
  • Cá nhân chỉ quan tâm tiếp thu những kinh nghiệm mà nhờ đó có thể thoả mãn nhu cầu của bản thân. Điều này làm cho hệ thống kinh nghiệm của cá nhân phiến diện và cá nhân không có được sự phát triển nhân cách toàn diện, thậm chí có thể nảy sinh những tình cảm ích kỷ, thái độ vô cảm với người khác….

Tất cả những nguyên nhân trên sẽ dẫn tới những lệch lạc trong sự phát triển nhân cách, làm nảy sinh những đặc điểm tâm lý tiêu cực, làm thay đổi những cấu trúc của nhân cách theo chiều hướng chống đối lại các chuẩn mực của xã hội.

Hệ thống giao tiếp

Trong quá trình giao tiếp của cá nhân có thể nảy sinh những nguyên nhân, những điều kiện ảnh hưởng tiêu cực đến sự hình thành và phát triển tâm lý cá nhân. Có thể kể đến các nguyên nhân chủ yếu sau:

  • Các quan hệ giao tiếp cơ bản trong đời sống và hoạt động của cá nhân không thực hiện được đầy đủ chức năng của mình.
  • Khi các quan hệ giao tiếp cơ bản (những giao tiếp thường xuyên diễn ra trong đời sống hằng ngày của cá nhân) không thực hiện đầy đủ các chức năng này thì sự phát triển tâm lý của cá nhân dễ xuất hiện những lệch lạc. + Cá nhân tham gia vào các quan hệ giao tiếp ở những nhóm không chuẩn mực, có hoạt động không lành mạnh, có mục đích chống đối xã hội. Ví dụ: một số trẻ em do bị bạn bè xấu rủ rê, lôi kéo trở nên hư hỏng và đi vào con đường phạm tội.
  • Những nguyên nhân nói trên trong hệ thống giao tiếp sẽ làm hình thành ở cá nhân những lệch lạc trong chuẩn mực đạo đức đức và hành vi, làm hình thành những quan điểm sống và định hướng giá trị tiêu cực, đối kháng với xã hội, xói mòn các quan hệ giao tiếp lành mạnh sẵn có, làm sâu sắc thêm các đặc điểm tâm lý tiêu cực ở các nhân….

Quá trình kiểm tra xã hội

Trong quá trình kiểm tra xã hội có thể tồn tại những nguyên nhân nhất định làm mức độ kiểm tra bị giảm xuống. Các nguyên nhân này có thể là khách quan hoặc chủ quan.

Nguyên nhân khách quan là những yếu tố, những sự kiện xảy ra trong đời sống của xã hội, ngoài ý muốn chủ quan của cá nhân như: thiên tai, hoả hoạn, chiến tranh… làm cho nhà nước và xã hội không thể duy trì chế độ kiểm tra ở mức độ bình thường.

Nguyên nhân chủ quan tồn tại trong nhận thức, đánh giá của cá nhân. Chẳng hạn, cá nhân cho rằng trong các quy định và biện pháp của chế độ kiểm tra hiện hành có những điểm yếu, những kẽ hở và cá nhân đã lợi dụng chúng để nới lỏng hành vi, xử sự của mình.

Trong mọi trường hợp, khi sự kiểm tra xã hội bị suy yếu sẽ có thể làm giảm khả năng tự ý thức của cá nhân, giảm vai trò định hướng và điều chỉnh của tập thể, đưa cá nhân đến chỗ coi thường các chuẩn mực xã hội.

Quá trình thích nghi xã hội

Trong các môi trường xã hội (vi mô và vĩ mô) luôn diễn ra những thay đổi nhất định. Vì vậy, để tồn tại và phát triển, cá nhân cũng phải thay đổi nhận thức, thái độ, quan điểm, lập trường, thói quen, xúc cảm, tình cảm… của mình cho phù hợp. Đó là sự thích nghi của cá nhân với môi trường xã hội.
Sự thích nghi xã hội phụ thuộc vào nhiều yếu tố:

  • Mức độ biến đổi của môi trường xã hội (nhanh hay chậm, rộng hay hẹp…)
  • Đặc điểm tâm lý của cá nhân (khí chất, tính cách, xu hướng, thói quen, năng lực, tình cảm…)
  • Nhận thức và thái độ của cá nhân đối với sự thay đổi của môi trường xã hội.

Trong trường hợp cá nhân không thích nghi được với sự thay đổi của môi trường xã hội thì sẽ làm xuất hiện ở họ những đặc điểm tâm lý tiêu cực như: Sự mâu thuẫn, bất đồng với xã hội, làm giảm ý thức pháp luật của các nhân…

Tóm lại, trong quá trình xã hội hoá con người có thể tồn tại những nguyên nhân nhất định, đó là những điều kiện xã hội không thuận lợi. Chúng ảnh hưởng xấu đến tâm lý con người, làm nảy sinh và phát triển các đặc điểm tâm lý tiêu cực, các thói quen không phù hợp với yêu cầu của xã hội, làm tăng khoảng cách và mâu thuẫn giữa con người với xã hội, từ đó dẫn đến xu hướng chống đối xã hội và những chuẩn mực của xã hội, đó chính là những nguyên nhân

II. CẤU TRÚC TÂM LÍ CỦA HÀNH VI PHẠM TỘI

Nhu cầu

Khi nghiên cứu hệ thống nhu cầu ở người chưa thành niên phạm tội, các nhà tâm lý học Nga G.G.Bôcarieva và L.I.Bôrovich đã phát hiện những nét đặc trưng sau:

+ Tính nghèo nàn, hạn hẹp của hệ thống nhu cầu.

Sự đòi hỏi quá cao của các nhu cầu thuộc cấp độ thấp (các nhu cầu sinh lý, các nhu cầu vật chất)

+ Tính suy đồi và thiếu lành mạnh.


Cần phải thấy rằng, mặc dù nhu cầu là nguyên nhân sâu xa bên trong của hành vi, kể cả hành vi phạm tội, song không tồn tại nhu cầu phạm tội. Một người bị coi là phạm tội không phải vì người đó cần phải thoả mãn một nhu cầu nào đó của mình, mà là bởi vì họ đã lựa chọn phương thức thoả mãn nó bằng việc thực hiện một hành vi nguy hiểm cho xã hội, trong khi họ có đủ điều kiện (khách quan và chủ quan) để quyết định một hành vi khác phù hợp với các chuẩn mực xã hội. Như vậy, sự lựa chọn phương thức hành động được quy định không phải bởi nhu cầu, mà bởi các đặc điểm nhân cách của con người.

Động cơ phạm tội

Động cơ phạm tội (động cơ của hành vi phạm tội) là các yếu tố tâm lý bên trong thúc đẩy người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội. Đó có thể là những xúc cảm, tình cảm, mong muốn, những hình ảnh tâm lý … Ví dụ: Tình cảm hằn thù cá nhân có thể đưa đến hành vi giết người, cố ý gây thương tích….

Động cơ phạm tội là nguyên nhân bên trong trực tiếp đưa con người đến quyết định thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội. Động cơ phạm tội biểu hiện mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi và của nhân cách người phạm tội. Trong những trường hợp phạm tội với lỗi cố ý luôn tồn tại động cơ phạm tội, còn trong trường hợp phạm tội với lỗi vô ý thì chỉ tồn tại động cơ ứng xử, nó không đóng vai trò là động lực thúc đẩy việc thực hiện tội phạm.

Động cơ và hành vi do nó thúc đẩy có thể không cùng tính chất với nhau. Một động cơ tốt cũng có thể dẫn đến việc phạm tội. Ví dụ: Một phụ nữ do thương yêu, lo lắng cho con mình nên đã hãm hại con riêng của chồng để con mình được hưởng toàn bộ tài sản thừa kế. Chính vì vậy trong Bộ luật hình sự nước ta, động cơ phạm tội có thể là dấu hiệu định khung trong các cấu thành tội phạm, hoặc có thể được xem là tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự khi quyết định hình phạt. Ví dụ: Động cơ phòng vệ được xem là tình tiết giảm nhẹ (điều 46 khoản 1 điểm c – Bộ luật hình sự), động cơ đê hèn – là tình tiết tăng nặng (Điều 48 khoản 1 điểm đ)

Mục đích phạm tội

Mục đích phạm tội (mục đích của hành vi phạm tội ) là kết quả mà người phạm tội mong muốn đạt được bằng việc thực hiện hành vi phạm tội. Nói cách khác, nó là kết quả được người phạm tội vẽ lên trong đầu óc mình trước khi thực hiện hành vi phạm tội.

Trong hoạt động phạm tội không phải hành vi phạm tội nào cũng có mục đích phạm tội. ở những trường hợp phạm tội với lỗi cố ý trực tiếp “người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra” (Điều 9 khoản 1, Bộ luật hình sự), nói cách khác, người phạm tội đã cân nhắc xác định rõ mục đích trước khi thực hiện hành vi đó, vì vậy luôn tồn tại mục đích phạm tội. Nó thể hiện khuynh hướng, ý chí của người phạm tội.

Mục đích phạm tội biểu hiện mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội. Những hành vi phạm tội giống nhau về mặt khách quan nhưng khác nhau về mục đích, thì mức độ nguy hiểm cho xã hội cũng khác nhau.

Quyết định thực hiện hành vi phạm tội

Quyết định thực hiện hành vi phạm tội là sự lựa chọn cuối cùng của người phạm tội về mục đích, phương án, phương tiện phạm tội, thể hiện ý chí và lý trí của người phạm tội, thái độ của họ đối với hành vi phạm tội và hậu quả của nó.

Quyết định thực hiện hành vi phạm tội có thể được đưa ra trong chốc lát dưới tác động trực tiếp của tình huống, hoặc xuất phát từ những khuôn mẫu hành động đã có trong quá khứ, hoặc là kết quả của một quá trình đấu tranh tư tưởng lâu dài, khó khăn. Quyết định thực hiện hành vi phạm tội có thể là quyết định có cơ sở, hợp lý, tối ưu hoặc là quyết định nông nổi, manh động, thiếu cơ sở. Điều này phụ thuộc vào nhận thức và các đặc điểm tâm lý khác của người phạm tội. Tuy nhiên, nếu xét từ góc độ của các chuẩn mực xã hội, thì chúng luôn là quyết định sai lầm, đáng lên án và người phạm tội thường là người có những lệch lạc về nhân cách, người thiển cận, vì cái trước mắt mà bỏ qua cái lâu dài.

Điều kiện, hoàn cảnh phạm tội

Mỗi hành vi phạm tội luôn được thực hiện trong một tình huống nhất định với những điều kiện, hoàn cảnh cụ thể về không gian, thời gian và những sự kiện có liên quan xảy ra trong tình huống đó. Chúng là mặt khách quan của tội phạm. Khi phân tích tâm lý hành vi phạm tội, bạn không thể bỏ qua yếu tố này. Chính sự tác động qua lại giữa điều kiện, hoàn cảnh của tình huống bên ngoài với đặc điểm nhân cách bên trong đã đưa đến phản ứng trả lời của con người, đó là những hành vi, kể cả hành vi phạm tội. Chính những tác động từ bên ngoài môi trường sống lên cá nhân đã làm cho nhu cầu chưa được thoả mãn ở họ trở thành động cơ thúc đẩy họ hành động. Cũng chính điều kiện và hoàn cảnh bên ngoài sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ quá trình hình thành và thực hiện hành vi phạm tội. Khi xác định mục đích, lập kế hoạch, lựa chọn công cụ, phương tiện phạm tội, khi đưa ra quyết định thực hiện, con người không những cân nhắc, đánh giá năng lực của bản thân, mà còn phân tích tình huống, dự đoán hậu quả của hành vi. Sự nhận thức đánh giá tình huống không đúng có thể đưa con người đến với những hành vi lệch chuẩn, hành vi phạm pháp và phạm tội.

Tóm lại, hành vi phạm tội là kết quả của sự tác động qua lại giữa các đặc điểm tâm lý, nhân cách bên trong con người với điều kiện, hoàn cảnh bên ngoài. Vai trò của điều kiện, hoàn cảnh bên ngoài thể hiện ở chỗ: chúng là những yếu tố hoặc kích thích hoặc cản trở con người thực hiện hành vi phạm tội. Sự thay đổi của điều kiện, hoàn cảnh bên ngoài có thể làm thay đổi ý đồ của người phạm tội và làm xuất hiện ý đồ mới.

III. HẬU QUẢ TÂM LÍ CỦA HÀNH VI PHẠM TỘI

Trạng thái tâm lý

Sau khi thực hiện tội phạm, trạng thái tâm lý của người phạm tội thường có xu hướng trở nên căng thẳng và phức tạp. Điều này xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể kể đến một số nguyên nhân thường gặp như sau:

Sự xuất hiện của những xúc cảm căng thẳng, những ấn tượng, ám ảnh ở người phạm tội.

Trong quá trình thực hiện tội phạm, cá nhân không chỉ hành động mà còn tri giác diễn biến và hậu quả của nó. Trong nhiều trường hợp, những hình ảnh về diễn biến và hậu quả của hành vi thường xuyên xuất hiện lại trong đầu óc người phạm tội, ám ảnh họ và gây ra những cảm xúc nặng nề, như: ghê rợn, sợ hãi, những căng thẳng không thể chịu đựng…

Người phạm tội nhận thức được ý nghĩa và hậu quả của hành vi phạm tội, họ có thể có những ăn năn, hối hận.

Thông thường chỉ sau khi thực hiện hành vi, con người mới thấy hết được ý nghĩa và hậu quả của việc làm của mình đối với xã hội và đối với bản thân. Điều này làm cho người phạm tội cảm thấy lỗi lầm, hối hận, lương tâm dằn vặt, tự trách bản thân…

Người phạm tội lo lắng cho sự an toàn của bản thân, lo sợ bị phát hiện và trừng trị.

Việc thực hiện hành vi phạm tội đưa người phạm tội đến chỗ đối đầu với xã hội, với pháp luật và họ bị đe doạ phải chịu một hình phạt nghiêm khắc. ý thức được điều này, người phạm tội luôn lo sợ bị phát hiện và bị trừng trị, lo sợ đánh mất địa vị và tiền đồ của mình…

Sự hoạt động tích cực của tư duy để tìm cách đối phó với cơ quan điều tra, hòng che dấu hành vi phạm tội.

Khi thấy hành vi của mình vẫn chưa bị lôi ra ánh sáng, người phạm tội hy vọng rằng họ có thể lẩn tránh được sự phát hiện và trừng trị của pháp luật. Họ tìm mọi cách để đối phó với các cơ quan bảo vệ pháp luật và che dấu tội lỗi của mình. Họ cố nhớ lại quá trình chuẩn bị và thực hiện tội phạm để phát hiện, phân tích, đánh giá những sơ suất của bản thân trong quá trình đó; tìm cách lý giải các tình huống nếu bị hỏi tới; phán đoán, nhận định về hoạt động của cơ quan điều tra… điều này làm cho tư duy của người phạm tội trở nên căng thẳng.

Hành vi

Xuất phát từ sự căng thẳng tâm lý, hành vi của người phạm tội thường có những biểu hiện sau:

Hành vi của người phạm tội trở nên thụ động, họ dễ bị kích động, không làm chủ được bản thân.

Sự căng thẳng tâm lý, diễn biến phức tạp của các quá trình cảm xúc và trí tuệ làm giảm khả năng định hướng, điều khiển và kiểm soát hành vi, thái độ của người phạm tội. Dù người phạm tội tìm cách che dấu nội tâm của mình, cố tỏ ra bình thường, nhưng trong hành vi, cử chỉ của họ vẫn có thể dễ dàng phát hiện những biểu hiện thiếu tự nhiên, lúng túng. Tâm lý căng thẳng, mất cân bằng làm tăng tính phản ứng, người phạm tội trở nên dễ bị kích động, dễ phản ứng và phản ứng không tương xứng với tình huống. Phong cách giao tiếp của người phạm tội cũng thay đổi. Nếu trước đây họ là người thích giao tiếp, cởi mở, dễ gần, thì nay ngược lại, họ thận trọng, đề phòng, khép kín, ít nói và hạn chế giao tiếp đến mức tối thiểu. Cũng có trường hợp người phạm tội tỏ ra hăng hái, tích cực tham gia vào nhiều công việc khác nhau ở cơ quan, tập thể nơi họ công tác, song tính tích cực này thường thái quá, chỉ mang tính hình thức, không thật và dễ bị ngắt quãng.

Do luôn bị ám ảnh bởi trạng thái tâm lý căng thẳng và bất lực trong việc loại bỏ nó, người phạm tội tìm có thể tìm đến những hình thức như sử dụng các chất kích thích (rượu, ma tuý…) hoặc tìm các cảm giác mạnh ở các trò tiêu khiển.

Người phạm tội có xu thế muốn tìm hiểu, thăm dò các thông tin về quá trình điều tra.

Sau khi thực hiện tội phạm, do lo sợ bị phát hiện và bị trừng trị, do muốn xác định những biện pháp đối phó với các cơ quan bảo vệ pháp luật, người phạm tội đặc biệt quan tâm đến những thông tin về quá trình điều tra vụ án. Tuy nhiên, những thông tin này được cơ quan điều tra giữ bí mật và người phạm tội không có được đầy đủ các thông tin cần thiết, không xác định được một cách rõ ràng tình thế của mình. Điều này gây nhiều khó khăn cho họ trong việc quyết định những hành động tiếp theo, những biện pháp đối phó. Vì vậy sau khi phạm tội, một số người lập tức rời bỏ địa bàn (cư trú, gây án) tìm nơi kín đáo và an toàn để lẩn trốn, đồng thời nghe ngóng động tĩnh. Trong giao tiếp, người phạm tội có thể tìm cách đề cập đến vụ án nhằm thu thập thông tin từ người đối thoại. Cũng có trường hợp người phạm tội mạo hiểm trở lại hiện trường gây án nhằm nhớ lại một cách đầy đủ diễn biến của vụ án, xác định những dấu vết để lại trên hiện trường, từ đó phán đoán về hoạt động của cơ quan điều tra.

Người phạm tội có sự mâu thuẫn trong xu hướng hành vi.

Những hậu quả tâm lý đã phân tích trên đây làm hình thành ở người phạm tội các xu hướng hành vi trái ngược nhau. Một mặt, họ muốn ra đầu thú vì họ biết rằng, hành vi của mình không sớm thì muộn sẽ bị phát hiện và trừng trị. Mặt khác, họ lại muốn lẩn tránh vì họ vẫn có hy vọng mong manh rằng, hành vi của mình sẽ không bị phát giác. Các xu thế mâu thuẫn này làm hình thành ở người phạm tội sự “giao động tâm lý” sau khi họ thực hiện tội phạm.

Như vậy, sau khi phạm tội, trong tâm lý người phạm tội diễn ra những thay đổi trên nhiều mặt: nhận thức, xúc cảm, ý chí, hành vi… Mức độ biểu hiện của những thay đổi này trong từng trường hợp cụ thể phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như: đặc điểm và tính chất cuả hành vi phạm tội, tiền án, tiền sự, các đặc điểm tâm lý … của người phạm tội.

BÀI 3: CHỨC NĂNG TÂM LÍ CỦA HOẠT ĐỘNG TƯ PHÁP

I. KHÁI NIỆM, ĐẶC ĐIỂM VÀ CẤU TRÚC TÂM LÍ CỦA HOẠT ĐỘNG TƯ PHÁP

Cấu trúc tâm lý của hoạt động tư pháp là tổng hoà các mục đích của hoạt động tư pháp, được thực hiện bằng các hoạt động tâm lý nhất định. Các hoạt động này được lặp đi lặp lại trong tất cả các giai đoạn tố tụng và có quan hệ chặt chẽ, tác động lẫn nhau nhằm đạt được các mục đích của hoạt động tư pháp.

Định nghĩa trên cho thấy, cấu trúc tâm lý của hoạt động tư pháp gồm hai phần:

Phần thứ nhất: Tổng hoà các mục đích của hoạt động tư pháp, được thể hiện trong mỗi hoạt động tư pháp cụ thể, gồm:

  1. Mục đích của hoạt động điều tra gồm: thu thập thông tin để làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án, giáo dục ý thức pháp luật cho các công dân, cải tạo cảm hoá người phạm tội.
  2. Mục đích của hoạt động xét xử gồm: kiểm tra lại tính khách quan của các chứng cứ đã thu thập được, ra quyết định và bản án chính xác về vụ án; giáo dục ý thức tôn trọng pháp luật ở các công dân, tiếp tục cải tạo cảm hoá người phạm tội.
  3. Mục đích của hoạt động đoạn cải tạo: Triệt tiêu, uốn nắn những đặc điểm tâm lý tiêu cực, những lệch lạc trong nhân cách người phạm tội, đồng thời làm hình thành ở họ những phẩm chất tâm lý phù hợp với yêu cầu của xã hội.

Các mục đích trên thể hiện nội dung và tính chất của mỗi hoạt động tư pháp cụ thể. Tổng hoà các mục đích trên là mục đích của hoạt động tư pháp.

Phần thứ hai: là các hoạt động tâm lý được sử dụng để thực hiện hoạt động, gồm: hoạt động nhận thức; hoạt động thiết kế; hoạt động giáo dục; hoạt động tổ chức; hoạt động giao tiếp; hoạt động chứng nhận.

II. HOẠT ĐỘNG NHẬN THỨC TRONG HOẠT ĐỘNG TƯ PHÁP

Đặc điểm của hoạt động nhận thức trong hoạt động tư pháp

Hoạt động nhận thức trong hoạt động tư pháp được hướng vào những mục đích đặc biệt, đó là:

  • Thu thập các thông tin cần thiết có liên quan đến vụ án đã xảy ra
  • Nghiên cứu, phân tích, tổng hợp, đánh giá các thông tin đó để làm sáng tỏ vụ án: làm sáng tỏ động cơ, mục đích, diễn biến, hậu quả của tội phạm, qua đó xác định được mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội.
  • Hiểu được các diễn biến tâm lý và các đặc điểm về nhân cách của người phạm tội và những người tham gia tố tụng khác.
  • Xác định thời hạn, cũng như các biện pháp giáo dục, cải tạo, cảm hoá phù hợp đối với người phạm tội.

Hoạt động nhận thức trong hoạt động tư pháp mang tính gián tiếp cao.

Hoạt động nhận thức trong hoạt động tư pháp chỉ được tiến hành khi một hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc có dấu hiệu phạm tội đã được thực hiện. Như vậy, hoạt động nhận thức trong hoạt động tư pháp hướng tới nhận thức một sự việc đã xảy ra trong quá khứ dựa trên những thông tin thu thập được. Toàn bộ diễn biến của hành vi phạm tội được nhận thức một cách gián tiếp. Thông qua việc thu thập, đánh giá, phân tích các chứng cứ đã thu thập được (như lời khai, vật chứng…) người cán bộ tư pháp hình dung lại toàn bộ diễn biến của vụ án đã xảy ra.

Khi tiến hành hoạt động nhận thức, người cán bộ tư pháp phải thu thập và xử lý một khối lượng thông tin lớn từ nhiều nguồn khác nhau. Trong đó có cả những thông tin thông cần thiết cho hoạt động. Do đó, cần phải có quá trình chọn lọc và loại bỏ các thông tin thừa. Đây là quá trình rất phức tạp, đòi hỏi ở người cán bộ tư pháp tư duy sắc bén, nhạy cảm, trí tưởng tượng phong phú và trí nhớ tốt.

Quá trình nhận thức trong hoạt động tư pháp mang màu sắc xúc cảm cao. Hoạt động nhận thức gây những căng thẳng nhất định về tâm lý cho người cán bộ tư pháp. Trạng thái xúc cảm này có thể làm tăng tính tích cực của hoạt động nhận thức, cũng có thể dẫn tới những ức chế, khó khăn nhất định.

Việc tiến hành nhận thức bị hạn chế về mặt thời gian. Pháp luật qui định cụ thể thời hạn đối với quá trình điều tra và xét xử vụ án.

III. HOẠT ĐỘNG THIẾT KẾ TRONG HOẠT ĐỘNG TƯ PHÁP

Định nghĩa

Thiết kế là tổng hợp các thao tác của tư duy và tưởng tượng nhằm dự đoán, lập kế hoạch hành động và cho ra các quyết định để đạt được các mục đích của hoạt động tư pháp.

Hoạt động thiết kế được tiến hành bằng các hình thức: dự đoán, lập kế hoạch, ra quyết định.

Dự đoán

Dự đoán là hoạt động tư duy đặc biệt nhằm nhìn thấy trước diễn biến và kết quả của các quá trình trong hoạt động tư pháp.

Lập kế hoạch

Lập kế hoạch là việc vạch ra các phương hướng, các bước hành động cụ thể, xác định các phương tiện, biện pháp, các điều kiện cần thiết để đạt được các hành động đã dự định.

Ra quyết định:

Hoạt động ra quyết định là việc hình thành một quyết định hoặc một bản án cụ thể trên cơ sở xem xét, so sánh, đối chiếu các chứng cứ đã được xác định về vụ án với các điều luật cụ thể

Hoạt động ra quyết định có những đặc điểm sau:

  • Khi ra quyết định, người cán bộ tư pháp là người đại diện cho Nhà nước và Pháp luật. Họ không thể hiện ý chí của cá nhân mà thể hiện ý chí của Nhà nước và Pháp luật. Đặc điểm này thể hiện tính đặc thù của công tác bảo vệ pháp luật: người cán bộ bảo vệ pháp luật (điều tra viên, thẩm phán, kiểm sát viên…) có những quyền hành đặc biệt, họ sử dụng những quyền hành đó nhân danh nhà nước và pháp luật.
  • Các quyết định của người cán bộ tư pháp mang tính bắt buộc, tính cưỡng chế cao. Nói cách khác, quyết định của người cán bộ tư pháp được đảm bảo thực hiện bằng các biện pháp cưỡng chế của Nhà nước.
  • Quyết định về việc thực hiện một hành vi tố tụng nào đó, sẽ có thể làm thay đổi vị trí pháp lý của công dân (buộc họ phải thực hiện những nghĩa vụ nhất định như làm chứng cho một vụ án, hoặc hạn chế một số quyền nhất định của họ…). Như vậy, các quyết định của người cán bộ tư pháp có thể dẫn tới những hậu quả pháp lý nhất định.
  • Các quyết định trong hoạt động tư pháp phải được ra bằng dạng văn bản và tuân thủ chặt chẽ theo các quy định của pháp luật về thẩm quyền và thủ tục.

Như vậy, hoạt động thiết kế được tiến hành dưới ba dạng chính: dự đoán, vạch kế hoạch và ra quyết định. Ba dạng này có sự hỗ trợ lẫn nhau, đảm bảo cho việc thực hiện các mục đích cơ bản của hoạt động tư pháp. Hoạt động thiết kế ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện các mục đích cơ bản của hoạt động tư pháp. Vì vậy, nó thực hiện chức năng cơ bản trong cấu trúc tâm lý của hoạt động tư pháp.

IV. HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC TRONG HOẠT ĐỘNG TƯ PHÁP

Hoạt động tư pháp không chỉ nhằm đảm bảo sự công bằng cho xã hội, phát hiện và trừng trị người phạm tội, mà còn hướng tới một mục đích quan trọng, đó là: cải tạo cảm hoá người phạm tội, giáo dục ý thức pháp luật cho các công dân, qua đó thực hiện tốt công tác phòng ngừa và ngăn chặn tội phạm.

Hoạt động giáo dục được hiểu như sau:

Giáo dục là quá trình tác động có mục đích, có hệ thống đến tâm lý người bị giáo dục, nhằm hình thành ở họ những phẩm chất tâm lý mà người giáo dục mong muốn

Hoạt động giáo dục trong hoạt động tư pháp có những đặc điểm sau:

Mục đích của hoạt động giáo dục trong hoạt động tư pháp hướng tới những mụcđích đặc biệt, đó là:

  • Nhằm giáo dục ý thức pháp luật cho các công dân, hình thành ở họ thái độ tôn trọng đối với hoạt động của các cơ quan bảo vệ pháp luật, qua đó củng cố sức mạnh của Nhà nước pháp quyền.
  • Hoạt động giáo dục còn nhằm giáo dục người phạm tội, làm hình thành ở họ thái độ phê phán đối với hành vi đã thực hiện, có thái độ tích cực đối với bản án của Tòa án. Ngoài ra, hoạt động giáo dục còn tác động đến các thành viên không vững vàng trong xã hội, phòng ngừa và ngăn chặn tội phạm.

Đối tượng của hoạt động giáo dục: giáo dục trong hoạt động tư pháp không chỉ hướng tới các công dân, mà còn hướng tới một đối tượng đặc biệt đó là người phạm tội, là người có những đặc điểm tâm lý tiêu cực, những lệch lạc trong nhân cách.

Điều kiện của hoạt động giáo dục: hoạt động giáo dục trong hoạt động tư pháp được tiến hành trong những điều kiện đặc biệt, cụ thể:

  • Trong giai đoạn điều tra, hoạt động giáo dục được tiến hành thông qua các dạng hoạt động điều tra như hoạt động xét hỏi, đối chất…
  • Trong giai đoạn xét xử, hoạt động giáo dục được tiến hành thông qua hoạt động xét xử công khai, trực tiếp tại phiên tòa.
  • Trong giai đoạn cải tạo, hoạt động giáo dục được tiến hành trong điều kiện của trại cải tạo, thông qua các chế độ giam giữ, sinh hoạt, học tập và lao động đặc biệt dành cho phạm nhân.

Giáo dục trong hoạt động tư pháp mang tính cưỡng chế cao.

Khi thực hiện tội phạm, người phạm tội không chỉ thể hiện tính chất nguy hiểm cho xã hội do hành vi của họ gây nên, mà còn thể hiện sự lệch lạc trong nhân cách và chuẩn mực hành vi. Vì vậy người phạm tội là người không phù hợp xã hội. Để họ có thể hoà nhập với cộng đồng và được xã hội chấp nhận thì buộc phải giáo dục và cải tạo lại nhân cách của người phạm tội.

V. HOẠT ĐỘNG GIAO TIẾP TRONG HOẠT ĐỘNG TƯ PHÁP

Giao tiếp là hình thức đặc trưng cho mối quan hệ giữa con người với con người, qua đó nảy sinh sự tiếp xúc tâm lý, và được biểu hiện ở quá trình trao đổi thông tin, hiểu biết, rung cảm, và tác động qua lại lẫn nhau.

Đặc điểm tâm lý của giao tiếp trong hoạt động tư pháp

Các chủ thể tham gia vào giao tiếp trong hoạt động tư pháp với những nguyên nhân đặc biệt.

Giao tiếp trong hoạt động tư pháp không phải lúc nào cũng được hình thành. Nó chỉ được thiết lập khi một hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật được thực hiện. Vì thế, các chủ thể tham gia giao tiếp trong hoạt động tư pháp với những lý do đặc biệt: người cán bộ tư pháp tham gia giao tiếp là để thực hiện chức trách được Nhà nước uỷ quyền, còn các chủ thể tham gia khác là người thực hiện những trách nhiệm, quyền lợi nhất định do nhà nước và pháp luật qui định.

Có rất nhiều mục đích được đặt ra trong giao tiếp.

Thoạt nhìn thì dường như mỗi giao tiếp hướng tới một mục tiêu nhất định như: thu thập chứng cứ, làm sáng tỏ đặc điểm tâm lý của cá nhân, tiến hành giáo dục đối tượng, hoặc cùng nhau hợp tác trong công việc…Song, trong thực tế, các mục đích trên luôn hoà quyện với nhau. Chẳng hạn, khi thiết lập giao tiếp để thu thập chứng cứ, thì đồng thời phải đạt được các mục đích khác như: cùng nhau hợp tác trong hành động, giáo dục ý thức pháp luật cho các công dân. Như vậy, thông thường mỗi quan hệ giao tiếp thường hướng tới hai mức độ mục đích: mục đích cụ thể (làm sáng rõ các chứng cứ cần thiết, cùng hành động) và mục đích chung của hoạt động tư pháp (giáo dục ý thức tôn trọng pháp luật ở các công dân).

Có tính mâu thuẫn đối kháng trong giao tiếp.

Giao tiếp trong hoạt động tư pháp là loại giao tiếp giữa các chủ thể có vị trí tố tụng khác nhau, thậm chí đối lập nhau. Vì thế, giữa họ có sự đối lập về quyền lợi, ý chí. Điều này dẫn tới sự mâu thuẫn và đối kháng giữa các chủ thể tham gia giao tiếp. Tính mâu thuẫn, đối kháng là đặc điểm đặc trưng cho giao tiếp của hoạt động tư pháp.

Giao tiếp trong hoạt động tư pháp là loại giao tiếp chính thức.

Giao tiếp trong hoạt động tư pháp là loại giao tiếp công vụ( giao tiếp chính thức). Vì vậy, nó phải được tuân thủ theo các qui định của pháp luật tố tụng về thủ tục và trình tự. Tính thủ tục của giao tiếp được thể hiện ở chỗ, giao tiếp được diễn ra theo các trật tự, các qui định cụ thể của pháp luật như: quy định về việc thiết lập giao tiếp (thông báo cho các đương sự về trách nhiệm, quyền hạn của họ trong giao tiếp ); quy định về diễn biến của quá trình giao tiếp (về cách thức tiến hành, các điều kiện, địa điểm, trình tự); và qui định về việc kết thúc giao tiếp (mọi công việc, thông tin trong giao tiếp được ghi lại thành các văn bản cụ thể).

Tính chất thủ tục của giao tiếp tao điều kiện cho các chủ thể ý thức được mục đích của giao tiếp, cách thức tiến hành giao tiếp, hiểu được vai trò và vị trí của mình trong giao tiếp. Chẳng hạn, tại phiên tòa, trước khi lấy lời khai của đương sự, Tòa án phải giải thích để các đương sự hiểu về trách nhiệm khai báo khách quan, về các quyền của họ mà từ đó nâng cao ý thức pháp luật. Tính chất công vụ của giao tiếp trong hoạt động tư pháp còn thể hiện ở tính bắt buộc đối với các chủ thể. Đối với một số chủ thể, việc tham gia giao tiếp là ngoài ý muốn của họ. Thậm chí, họ còn hình dung ra một chế tài nhất định có thể đang chờ họ ở phía trước.

Tính chất công vụ của giao tiếp có ảnh hưởng nhất định tới tâm lý của cá nhân: nó có thể làm cá nhân trở nên tích cực trong hành vi. Chẳng hạn, khi người làm chứng tham gia phiên tòa, tính chất chính thức, công vụ của giao tiếp làm nâng cao tinh thần trách nhiệm của họ trong việc khai báo. Từ đó, họ có thái độ nghiêm túc và tích cực hợp tác với Tòa án. Tính chất chính thức của giao tiếp cũng có thể dẫn đến những ức chế nhất định trong tâm lý của cá nhân. Đối với bị cáo thì giao tiếp tại phiên tòa có thể gây ra những trạng thái tâm lý căng thẳng, bị ức chế, vì lúc này anh ta đang phải đối mặt với những lời buộc tội, và sau đó là những hình phạt.

Trong giao tiếp luôn xuất hiện những trạng thái tâm lý đặc biệt.

Giao tiếp trong hoạt động tư pháp không chỉ chịu sự điều chỉnh chặt chẽ của các qui phạm pháp luật, mà còn được diễn ra trong những bối cảnh đặc biệt. Chẳng hạn, người cán bộ tư pháp phải thường xuyên tiếp xúc với tội phạm, với hậu quả của nó; hoặc làm việc trong những điều kiện giao tiếp có tác động và sức ép từ điều kiện ngoại cảnh…Những yếu tố này làm hình thành ở cá nhân những trạng thái tâm lý đặc biệt (như sự căng thẳng, sự thương xót, sự mong muốn tìm ra và trừng phạt kẻ phạm tội…). Đối với những chủ thể tham gia tố tụng khác (bị can, bị cáo, người làm chứng, người bị hại…) tính đặc biệt của giao tiếp trong hoạt động tư pháp cũng gây nên ở họ những sự căng thẳng tâm lý nhất định.

VI. HOẠT ĐỘNG TỔ CHỨC

Tổ chức là quá trình tạo ra những điều kiện để thực hiện hoạt động, bao gồm nhiều bước như: xác định nhiệm vụ, phương pháp, phương tiện thực hiện hoạt động, những người tham gia hoạt động; tập trung phân bổ con người, phương tiện; kiểm tra và đánh giá kết quả của hoạt động.

Đặc điểm của hoạt động tổ chức trong hoạt động tư pháp

Có nhiều yếu tố, nhiều kế hoạch được xác định khi tiến hành hoạt động tổ chức.

Quá trình tố tụng đặt ra rất nhiều mục đích cụ thể khác nhau, như: thu thập, phân tích chứng cứ; thực hiện các quyết định; tiến hành công tác giáo dục; thực hiện chức năng phòng ngừa sự vi pháp pháp luật nói chung và ngăn chặn tội phạm nói riêng…Các mục đích trên được thực hiện bằng nhiều hoạt động khác nhau. Để các hoạt động tiến hành có hiệu quả, người cán bộ tư pháp cần thực hiện hoạt động tổ chức để có sự phối hợp hoạt động. Ngoài ra, cần phải phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các hoạt động trên để đảm bảo được mục đích chung nhất của hoạt động tố tụng. Như vậy, khi tiến hành hoạt động tổ chức, có rất nhiều yếu tố, nhiều kế hoạch được đặt ra

Có rất nhiều các tình huống xung đột có thể xảy ra khi tiến hành hoạt động tổ chức.

Hoạt động tư pháp là một hoạt động được đặc trưng bởi tính mâu thuẫn đối kháng giữa các chủ thể. Chẳng hạn, khi tiến hành hoạt động khám xét, sẽ tồn tại sự mâu thuẫn giữa đối tượng bị khám xét và chủ thể tiến hành hoạt động. Hoặc khi tiến hành hoạt động xét xử, sẽ tồn tại mâu thuẫn đối kháng giữa Hội đồng xét xử với bị cáo; giữa bị cáo với bị hại…Vì vậy, khi tiến hành hoạt động tổ chức, người cán bộ tư pháp phải luôn tính đến các mâu thuẫn đối kháng có thể gặp phải trong hoạt động. Trên cơ sở đó đề ra những kế hoạch dự phòng cho hoạt động của mình.

Có nhiều chủ thể tham gia vào hoạt động.

Hoạt động tư pháp là hoạt động không chỉ của một mình điều tra viên hay thẩm phán mà còn có sự tham gia của rất nhiều chủ thể khác: chuyên gia, giám định viên, người làm chứng. Vì vậy, trong hoạt động tổ chức cần phải tính đến sự phối hợp hành động với các chủ thể này.

Tính chất mò mẫm, tìm kiếm của hoạt động nhận thức có ảnh hưởng đến hoạt động tổ chức.

Khi thu thập chứng cứ, kiểm tra xem xét các chứng cứ ấy tại phiên tòa, không một điều tra viên hay thẩm phán nào lại có thể đoán được chính xác các chứng cứ nào là cần thiết, là khách quan. Hơn nữa, quá trình đi tìm kiếm các chứng cứ và đánh giá tính khách quan của nó, lại luôn diễn ra trong những tình huống có đối kháng (sự đối kháng từ phía bị can, bị cáo hoặc thậm chí từ người làm chứng). Vì vậy khi tiến hành hoạt động tổ chức, người cán bộ tư pháp có thể có sự bị động nhất định trong kế hoạch hành động và phối hợp. Những công việc khó khăn như vậy chỉ đạt hiệu quả khi nó được tổ chức một cách khoa học và đúng đắn.

VII. HOẠT ĐỘNG CHỨNG NHẬN

Chứng nhận là hoạt động ghi nhận, công nhận và lưu giữ các sự việc, thông tin đã thu thập được trong hoạt động tư pháp theo những hình thức được pháp luật quy định.

Chẳng hạn, khi lấy lời khai của một đương sự nào đó, điều tra viên tiến hành hoạt động chứng nhận để ghi chép, công nhận và lưu giữ những thông tin mà đương sự cung cấp dưới dạng các biên bản ghi lời khai. Hoặc, song song với hoạt động xét xử tại phiên tòa, thư ký phiên tòa ghi chép lại toàn bộ diễn biến của phiên tòa thành biên bản

Vai trò của hoạt động chứng nhận

Hoạt động chứng nhận được tiến hành trong suốt quá trình tố tụng, có các vai trò sau:

Đối với hoạt động nhận thức: hoạt động chứng nhận có vai trò hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc nhận thức vụ án.

Trong quá trình điều tra, xác minh vụ án, toàn bộ những thông tin có liên quan sẽ được ghi chép, lưu giữ lại thành biên bản và được sắp xếp một cách có hệ thống. Vì thế, khi nghiên cứu lại các biên bản, giấy tờ có liên quan, người cán bộ tư pháp có được cái nhìn tổng thể, toàn diện về sự việc, có thể đánh giá vụ án một cách khách quan. Trong điều tra vụ án hình sự, việc nghiên cứu các biên bản lấy lời khai của bị can, người bị hại… có thể giúp cho điều tra viên phát hiện ra các mâu thuẫn trong lời khai của họ và đấu tranh với đối tượng khai man có hiệu quả.

Khi xét xử vụ án, việc nhận thức vụ án được tiến hành thông qua hồ sơ vụ án. Ở đây, hoạt động chứng nhận đã tạo ra các cơ sở để người cán bộ xét xử nhận thức vụ án. Thực tế cho thấy, việc nhận thức vụ án ở Hội đồng xét xử phụ thuộc vào hồ sơ vụ án của cơ quan điều tra. Nếu hồ sơ được tiến hành thận trọng, khoa học thì sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc nhận thức vụ án khi xét xử. Ngược lại, nếu hồ sơ vụ án cẩu thả, vi phạm các nguyên tắc tố tụng, không khoa học sẽ cản trở việc nhận thức vụ án ở Hội đồng xét xử.

Có thể thấy, trong mọi giai đoạn tố tụng, hoạt động chứng nhận đã hỗ trợ rất nhiều cho hoạt động nhận thức.

Đối với hoạt động thiết kế

Ra quyết định, là một dạng của hoạt động thiết kế, nó sẽ dẫn đến sự thay đổi về quyền và nghĩa vụ của công dân. Thậm chí, nó có thể tước đi một số quyền đối với cá nhân… Do vậy, các quyết định luôn được ra kèm với hoạt động chứng nhận sẽ đảm bảo được sự thận trọng, chính xác và đúng pháp luật của nó.

Hoạt động chứng nhận được tiến hành kèm với chức năng thiết kế nhằm đạt các mục đích sau:

  • Tạo ra cơ sở để thực hiện các hành vi tố tụng (chẳng hạn, quyết định truy tố bị cáo, là cơ sở pháp lý để tiến hành xét xử vụ án).
  • Ghi chép toàn bộ quá trình và kết quả của hành vi tố tụng đó (ghi chép lại diễn biến của phiên tòa và kết quả của việc xét xử, các quyết định, bản án được đưa ra đối với bị cáo).
  • Đảm bảo cho các thành viên tham gia thực hiện được các quyền hạn và trách nhiệm của mình.
  • Tổng kết các giai đoạn của hoạt động tố tụng, đánh giá chúng dựa trên cơ sở các quy định của Pháp luật.

Đối với hoạt động giáo dục:

Việc ghi chép lại đặc điểm nhân cách người phạm tội, sự chuyển biến tâm lý của họ trong các giai đoạn cải tạo, giúp người cán bộ tư pháp có thể đánh giá được hiệu quả của hoạt động cải tạo giáo dục và các biện pháp giáo dục đã được áp dụng. Từ đó, có thể rút ra các kết luận nhất định về quá trình cải tạo người phạm tội, hiệu quả của các biện pháp giáo dục.

Ngoài ra, hoạt động chứng nhận còn thể hiện một vai trò quan trọng đối với hoạt động tư của người cán bộ tư pháp. Việc ghi chép các sự kiện, thông tin giúp cho người cán bộ tư pháp tránh được những sai lầm trong công việc hoặc những định kiến, thành kiến chủ quan của mình.

Hoạt động chứng nhận có thể được tiến hành bằng nhiều hình thức: Có thể bằng ngôn ngữ viết (giấy tờ, văn bản), có thể bằng các đồ vật, bằng sơ đồ, tranh, ảnh chụp…

Nói tóm lại, hoạt động chứng nhận hỗ trợ đắc lực cho các hoạt động cơ bản. Vì vậy, nó có vai trò bổ trợ trong trong cấu trúc tâm lý của hoạt động tư pháp. Việc chứng nhận được tiến hành đầy đủ, cẩn thận, khoa học và chính xác sẽ tạo điều kiện cho các hoạt động khác được diễn ra thuận lợi.

Như vậy, hoạt động tư pháp được tiến hành dưới nhiều hình thức như: điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án. Tuy nhiên, mỗi hình thức cụ thể trên của hoạt động tư pháp được tiến hành như một hoạt động hoàn chỉnh gồm hai thành phần: mục đích và các hoạt động tâm lý. Cấu trúc hoàn chỉnh của hoạt động tư pháp làm cho mỗi hoạt động được thể hiện một cách hoàn chỉnh và trọn vẹn cả nội dung và phương thức thực hiện.

BÀI 4: : CƠ SỞ TÂM LÍ CỦA HOẠT ĐỘNG ĐIỀU TRA VỤ ÁN HÌNH SỰ

BÀI 4: CƠ SỞ TÂM LÝ CỦA HOẠT ĐỘNG ĐIỀU TRA VỤ ÁN HÌNH SỰ 

Bao gồm nội dung từ trang 215 đến trang 233 và từ trang 238 đến trang 273 trong giáo trình (in ấn) 

Trong bài 4, chúng ta cùng trao đổi các nội dung chính như sau: 

I. Các Chức Năng Tâm Lý Của Hoạt Động Điều Tra Vụ Án Hình Sự 

Cấu trúc tâm lý của hoạt động điều tra 

* Phần thứ nhất: là tổng hòa các mục đích của hoạt động điều tra gồm: 

– Thu thập các chứng cứ để xây dựng lại diễn biến của vụ án đã xảy ra. 

BÀI 5: ĐỐI TƯỢNG, NHIỆM VỤ VÀ PHƯƠNG PHÁP CỦA TÂM LÍ HỌC TƯ PHÁP

BÀI 6: ĐỐI TƯỢNG, NHIỆM VỤ VÀ PHƯƠNG PHÁP CỦA TÂM LÍ HỌC TƯ PHÁP

Đáp án trắc nghiệm Tâm Lý Học Tư Pháp – EL16 – EHOU

Chỉ Thành Viên MemberPro Mới xem được toàn bộ đáp án.

Click chọn vào hình ảnh để xem chi tiết gói MemberPro. Hoặc cho vào giỏ hàng để mua ngay. Hoàn tiền 100% nếu không hài lòng.

  • Law Pro 30 Ngày

    100.000

    Tham khảo được câu hỏi trắc nghiệm của hơn 60 môn ngành Luật trong 30 ngày. Giúp nhớ kiến thức và giúp ích trong quá trình học tập, thi cử. Hoàn tiền 100% nếu không hài lòng.

    Thêm vào giỏ hàng
  • Law Pro 180 Ngày

    500.000

    Tham khảo được câu hỏi trắc nghiệm của hơn 60 môn ngành Luật trong 180 ngày. Giúp nhớ kiến thức và giúp ích trong quá trình học tập, thi cử. Hoàn tiền 100% nếu không hài lòng.

    Thêm vào giỏ hàng
  • Law Pro 1000 Ngày

    1.000.000

    Tham khảo được câu hỏi trắc nghiệm của hơn 60 môn ngành Luật trong 1000 ngày. Giúp nhớ kiến thức và giúp ích trong quá trình học tập, thi cử. Hoàn tiền 100% nếu không hài lòng.

    Thêm vào giỏ hàng

 1. Mục đích của hoạt động giáo dục trong hoạt động tư pháp hướng tới những mục đích đặc biệt là: 

– (S): Giáo dục Còn tác động đến các thành viên không vững vàng trong xã hội, phòng ngừa và ngăn chặn tội phạm 

– (S): Giáo dục nhằm cảm hóa người phạm tội, làm hình thành ở họ thái độ phê phán đối với hành vi đã thực hiện, Có thái độ tích cực đối với bản án 

– (S): Giáo dục ý thức pháp luật cho các công dân 

– (Đ)✅: Tất cả các phương án. 

2. Trong hoạt động điều tra, nội dung của hoạt động thiết kế bao gồm: 

– (S): Dự đoán các giá thiết có thể có về vụ án đã xảy ra 

– (S): Lập kế hoạch cụ thể cho quá trình thu thập, tìm kiếm chứng cứ 

– (S): Ra các quyết định trong hoạt động điều tra. 

– (Đ)✅: Tất cả các phương án. 

3. Điều kiện, hoàn cảnh phạm tội là: 

– (Đ)✅: Điều kiện, hoàn cảnh cụ thể về không gian, thời gian và những sự kiện có liên quan xảy ra trong tình huống cá nhân thực hiện hành vi phạm tội 

– (S): Địa điểm nơi xảy ra hành vi phạm tội 

– (S): Tất cả các phương án. 

– (S): Tình huống bên ngoài kích thích cá nhân thực hiện hành vi phạm tội 

4. Động cơ của hành vi phạm tội là:

– (S): là kết quả mà người phạm tội mong muốn đạt được bằng việc thực hiện hành vi phạm tội 

– (Đ)✅: Động cơ phạm tội là nguyên nhân bên trong trực tiếp đưa con người đến quyết định thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội 

– (S): Tất cả các phương án 

– (S): Xu hướng hành động của hành vi 

5. Động cơ của hành vi phạm tội là:

– (Đ)✅: Các yếu tố tâm lý bên trong thúc đẩy người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội. Đó có thể là những xúc cảm, tình cảm, mong muốn, những hình ảnh tâm lý 

– (S): Là những thúc đẩy do nhu cầu đem lại 

– (S): Sự lôi kéo dụ dỗ của người khác 

– (S): Tất cả các phương án 

6. Hệ thống nhu cầu ở người phạm tội có đặc trưng là:

– (S): Sự đòi hỏi quá cao của các nhu cầu thuộc cấp độ thấp (các nhu cầu sinh lý, các nhu cầu vật chất) 

– (S): Tính nghèo nàn, hạn hẹp của hệ thống nhu cầu. 

– (S): Tính suy đổi và thiếu lành mạnh. 

– (Đ)✅: Tất cả các phương án 

7. Khái niệm tác động tâm lý được hiểu theo nghĩa:

– (Đ)✅: Những cách thức, những biện pháp được sử dụng để làm ảnh hưởng, làm thay đổi các đặc điểm tâm lý nhân cách con người nhằm đạt những mục đích nhất định. 

– (S): Là dùng lời nói, hành vi cử chỉ để giáo dục tâm lý nhân cách đối tượng 

– (S): Là sử dụng biện pháp hành chính để buộc đối tượng phải theo mình 

– (S): Tất cả các phương án. 

8. Mục đích của hành vi phạm tội là:

– (S): Động lực thúc đẩy hành vi 

– (S): Kết quả xảy ra con người khi thực hiện hành vi phạm tội 

– (Đ)✅: Kết quả mà người phạm tội mong muốn đạt được bằng việc thực hiện hành vi phạm tội 

– (S): Tất cả các phương án 

9. Nguyên tắc nghiên cứu môn học tâm lý học tư pháp:

– (S): Phát triển 

– (S): Quyết định luận xã hội 

– (S): Thống nhất giữa tâm lý nhân cách và hoạt động 

– (Đ)✅: Tất cả các phương án. 

10. Phương thức thực hiện hành vi phạm tội là:

– (Đ)✅: Hệ thống phương pháp được lựa chọn xuất phát từ động cơ và mục đích đã hình thành và do đặc điểm tâm lý của người hành động quy định 

– (S): Các cử động thao tác của con người nhằm đạt được mục đích đề ra 

– (S): Sự chuyển hóa mục đích hành động thành kết quả đã thực hiện của hành vi 

– (S): Tất cả các phương án. 

11. Quyết định thực hiện hành vi phạm tội là: 

⇒ Sự lựa chọn cuối cùng của người phạm tội về mục đích, phương án, phương tiện phạm tội, thể hiện ý chí và lý trí của người phạm tội, thái độ của họ đối với hành vi phạm tội và hậu quả của nó. 

⇒ Các cử động thao tác của con người nhằm đạt được mục đích đề ra 

⇒ Sự kiềm chế những hành động trái với mục đích đã đề ra 

⇒ Tất cả các phương án 

12. Tại phiên tòa xét xử vụ án hình sự, khi tiến hành hoạt động nghị án , để tác động đến tâm lý của các thành viên khác trong hội đồng xét xử, Thẩm phán – chủ tọa phiên tòa có thể sử dụng các phương pháp tâm lý:

⇒ Mệnh lệnh 

⇒ Tất cả các phương án 

⇒ Truyền đạt thông tin 

⇒ Thuyết phục 

13. Theo khái niệm Tâm lý học tư pháp.

⇒ Tâm lý học tư pháp là tâm lý chuyên ngành về hoạt động tư pháp, nghiên cứu các hiện tượng, các đặc điểm và các quy luật tâm lý biểu hiện trong quá trình thực hiện tội phạm, trong điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án 

⇒ Tâm lý học tư pháp là chuyên ngành của tâm lý học pháp lý, nghiên cứu tâm lý lao động của những người hoạt động trong lĩnh vực pháp luật 

⇒ Tâm lý học tư pháp là chuyên ngành ứng dụng chỉ nghiên cứu về hành vi phạm tội 

⇒ Tất cả các phương án. 

14. Theo Ý nghĩa ứng dụng của môn tâm lý học tư pháp là:

⇒ Giúp cơ quan tiến hành tố tụng xác định sự thật khách quan của vụ án một cách nhanh chóng, chính xác 

⇒ Giúp nâng cao hiệu quả của hoạt động giáo dục, cảm hoá người phạm tội. 

⇒ Góp phần vào công tác phòng ngừa tội phạm. 

⇒ Tất cả các phương án. 

15. Trạng thái tâm lý của người phạm tội thường có xu hướng căng thẳng và phức tạp, là do nguyên nhân: 

⇒ Tất cả các phương án 

⇒ Người phạm tội lo lắng cho sự an toàn của bản thân, lo sợ bị phát hiện và trừng trị và sự hoạt động tích cực của tư duy để tìm cách đối phó với cơ quan điều tra, hòng che dấu hành vi phạm tội. 

⇒ Người phạm tội nhận thức được ý nghĩa và hậu quả của hành vi phạm tội, họ có thể có những ăn năn, hối hận. 

⇒ Sự xuất hiện của những xúc cảm căng thẳng, những ấn tượng, ám ảnh ở người phạm tội 

16. Trong giai đoạn xét xử, hoạt động nhận thức mang tính:

⇒ Bị động cao 

⇒ Chủ động cao 

⇒ Tất cả các phương án. 

⇒ Vừa chủ động, vừa bị động 

17. Trong giai đoạn giáo dục, cải tạo phạm nhân, để tìm hiểu nguyên nhân điều kiện phạm tội của phạm nhân, cán bộ giám thị quản giáo trại cải tạo có thể sử dụng các phương pháp tâm lý:

⇒ Phương pháp thực nghiệm 

⇒ Phương pháp đạt và thay đổi vấn đề tư duy 

⇒ Phương pháp thuyết phục 

⇒ Tất cả các phương án 

18. Trong giai đoạn giáo dục, cải tạo phạm nhân, để tìm hiểu nguyên nhân điều kiện phạm tội của phạm nhân, cán bộ giám thị quản giáo trại cải tạo có thể sử dụng các phương pháp tâm lý: 

⇒ Phương pháp mệnh lệnh 

⇒ Tất cả các phương án 

⇒ Phân tích sản phẩm hoạt động 

⇒ Truyền đạt thông tin 

19. Trong giai đoạn giáo dục, cải tạo phạm nhân, để tìm hiểu nguyên nhân điều kiện phạm tội của phạm nhân, cán bộ giám thị quản giáo trại cải tạo có thể sử dụng các phương pháp tâm lý:

⇒ Đàm thoại 

⇒ Phân tích sản phẩm hoạt động 

⇒ Quan sát 

⇒ Tất cả các phương án 

20. Trong giai đoạn giáo dục, cải tạo phạm nhân, để tìm hiểu nguyên nhân điều kiện phạm tội của phạm nhân, cán bộ giám thị quản giáo trại cải tạo có thể sử dụng các phương pháp tâm lý: 

⇒ Phương pháp thực nghiệm 

⇒ Phương pháp đạt và thay đổi vấn đề tư duy 

⇒ Phương pháp thuyết phục 

⇒ Tất cả các phương án 

21. Trong giai đoạn giáo dục, cải tạo phạm nhân, để tìm hiểu nguyên nhân điều kiện phạm tội của phạm nhân, cán bộ giám thị quản giáo trại cải tạo có thể sử dụng các phương pháp tâm lý: 

⇒ Đàm thoại 

⇒ Phân tích sản phẩm hoạt động

⇒ Quan sát 

⇒ Tất cả các phương án 

22. Trong giai đoạn giáo dục, cải tạo phạm nhân, để tìm hiểu nguyên nhân điều kiện phạm tội của phạm nhân, cán bộ giám thị quản giáo trại cải tạo có thể sử dụng các phương pháp tâm lý:

⇒ Phân tích sản phẩm hoạt động 

⇒ Phương pháp mệnh lệnh 

⇒ Tất cả các phương án 

⇒ Truyền đạt thông tin 

23. Trong giai đoạn xét xử, hoạt động thiết kế của hội đồng xét xử mang tính

⇒ Các thành viên hội đồng xét xử chịu trách nhiệm cá nhân

⇒ Tình tập thể, do tập thể quyết định 

⇒ Tất cả các phương án. 

⇒ Tính độc lập, trách nhiệm cá thể hóa 

24. Nhằm hiểu được diễn biến tâm lý của đối tượng mà ta quan tâm: suy nghĩ, tâm trạng, xúc cảm… của đối tượng, có thể đoán được họ đang nghĩ gì, thái độ của họ ra sao? Ta có thể sử dụng phương pháp tâm lý

⇒ Đàm thoại 

⇒ Quan sát 

⇒ Thực nghiệm tự nhiên 

⇒ Tất cả các phương án. 

25. Nhóm các hoạt động tâm lý cơ bản: là các hoạt động quan trọng nhất, có vai trò thiết yếu và ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện các mục đích của hoạt động tư pháp, gồm

⇒ Hoạt động giáo dục 

⇒ Hoạt động nhận thức 

⇒ Hoạt động thiết kế 

⇒ Tất cả các phương án. 

26. Tại phiên tòa, trường hợp người nhà bị hại có hành vi quá khích, để chấm dứt hành vi đó, thẩm phán – chủ tọa phiên tòa có thể sử dụng phương pháp tác động tâm lý:

⇒ Mệnh lệnh.

⇒ Đặt và thay đổi vấn đề tư duy 

⇒ Tất cả các phương án 

⇒ Thuyết phục 

27. Trong cấu trúc tâm lý của hoạt động tư pháp, nhóm các hoạt động bổ trợ gồm có:

⇒ Hoạt động chứng nhận 

⇒ Hoạt động giao tiếp 

⇒ Hoạt động tổ chức 

⇒ Tất cả các phương án. 

28. Trong hoạt động hỏi cung bị can, lấy lời khai của người làm chứng, người bị hại, Điều tra viên đóng vai trò:

⇒ Chủ đạo 

⇒ Điều khiển giao tiếp 

⇒ Giám sát hoạt động của các chủ thể tham gia khác 

29. Trong hoạt động xét hỏi tại phiên tòa, thẩm phán – chủ tọa phiên tòa giữ vai trò: 

⇒ Chủ đạo 

⇒ Điều khiển giao tiếp 

⇒ Giám sát hoạt động của các chủ thể tiến hành tham gia tố tụng khác 

30. Trong trường hợp bị can cố tình gây rối ăn vạ, quá khích, để chấm dứt hành vi đó, điều tra viên có thể sử dụng phương pháp tác động tâm lý:

⇒ Ám thị gián tiếp 

⇒ Tất cả các phương án 

⇒ Mệnh lệnh 

⇒ Thuyết phục 

31. Trong trường hợp người bị hại cố tình ăn vạ gây rối, để chấm dứt hành vi đó, điều tra viên có thể sử dụng phương pháp tác động tâm lý:

⇒ Đàm thoại 

⇒ Mệnh lệnh 

⇒ Tất cả các phương án 

⇒ Thuyết phục 

32. Tổng hòa các mục đích của hoạt động tư pháp, được thể hiện trong mỗi hoạt động tư pháp 

⇒ Mục đích của hoạt động điều tra 

⇒ Mục đích của hoạt động đoạn cải tạo 

⇒ Mục đích của hoạt động xét xử 

⇒ Tất cả các phương án. 

33. Các nguyên nhân làm hình thành đặc điểm tâm lý tiêu cực trong tâm lý nhân cách là do có những thiếu sót trong quá trình: 

⇒ Hệ thống giao tiếp, thích nghi xã hội 

⇒ Thực hiện vai trò xã hội 

⇒ Tiếp thu kinh nghiệm xã hội 

⇒ Tất cả các phương án. 

34. :Các quyết định của người cán bộ tư pháp mang tính

⇒ Bắt buộc, được đảm bảo thực hiện bằng các biện pháp cưỡng chế của Nhà nước. 

⇒ Bình đẳng giữa các bên, đảm bảo có sự thỏa thuận trong thực hiện 

⇒ Tất cả các phương án. 

⇒ Tùy vào quyết định có thể có sự lựa chọn cho những người tham gia tố tụng 

35. Cấu trúc tâm lý của hoạt động tư pháp là: 

⇒ Các hoạt động hoạt động nhận thức, hoạt động thiết kế, hoạt động giáo dục; hoạt động tổ chức, hoạt động giao tiếp; hoạt động chứng nhận được lặp đi lặp lại trong tất cả các giai đoạn tố tụng 

⇒ Các hoạt động tâm lý được sử dụng để thực hiện hoạt động, gồm: hoạt động nhận thức, hoạt động thiết kế, hoạt động giáo dục; hoạt động tổ chức, hoạt động giao tiếp, hoạt động chứng nhận. 

⇒ Tổng hòa các mục đích của hoạt động tư pháp 

⇒ Tất cả các phương án. 

36. Con đường nhận thức trong giai đoạn điều tra mang tính : 

⇒ Trực tiếp và gián tiếp 

⇒ Gián tiếp 

⇒ Tất cả các phương án.

 ⇒ Trực tiếp 

37. Con đường nhận thức trong giai đoạn xét xử mang tính: 

⇒ Chỉ có trực tiếp

⇒ Trực tiếp và gián tiếp 

⇒ Chỉ có gián tiếp 

38. :Đặc điểm đặc trưng của hoạt động ra quyết định trong hoạt động tư pháp là được đưa ra dưới dạng

⇒ Văn bản phải tuân thủ chặt chẽ theo các quy định của pháp luật về thẩm quyền và thủ tục. 

⇒ Băng hình cho đảm bảo tính khách quan 

⇒ Lời nói cho kịp thời gian 

⇒ Tất cả các phương án. 

39. Đặc trưng của trạng thái tâm lý của bị can là:

⇒ Sự căng thẳng về tâm lý 

⇒ Dễ bị kích động, nổi nóng

⇒ Lạnh lùng thờ ơ 

40. Để chuẩn bị về tâm lý cho các chủ thể tham gia (bị can, người làm chứng, bị hại…) trước khi họ tham gia vào hoạt động điều tra, điều tra viên có thể sử dụng các phương pháp tác động tâm lý:

⇒ Tất cả các phương án. 

⇒ Đặt và thay đổi vấn đề tư duy 

⇒ Thuyết phục 

⇒ Truyền đạt thông tin 

41. Đối tượng của hoạt động giáo dục trong hoạt động tư pháp là

⇒ Bị can, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác 

⇒ Công dân 

⇒ Duy nhất phạm nhân 

⇒ Tất cả các phương án. 

42. Giao tiếp trong hoạt động tư pháp là

⇒ Giao tiếp chính thức, công vụ 

⇒ Giao tiếp có điều khiển 

⇒ Giao tiếp trực tiếp bằng ngôn ngữ nói 

⇒ Tất cả các phương án. 

43. Giao tiếp trong hoạt động tư pháp thường mang tính chất: 

⇒ Tính mâu thuẫn đối kháng giữa các chủ thể tham gia giao tiếp. 

⇒ Bình đẳng, thỏa thuận vì mọi người đều bình đẳng trước pháp luật 

⇒ Tất cả các phương án. 

⇒ Tranh luận quyết liệt do có sự đối lập quyền và lợi ích 

44. Hoạt động nhận thức trong hoạt động tư pháp mang tính:

⇒ Chỉ có trực tiếp 

⇒ Tất cả các phương án. 

⇒ gián tiếp cao 

⇒ Trực tiếp cao 

45. Hoạt động ra quyết định của người cán bộ tư pháp được đưa ra dưới dạng 

⇒ Bằng miệng trong trường hợp thời gian quá ngắn 

⇒ Có thể vừa bằng miệng vừa bằng văn bản 

⇒ Bằng văn bản 

⇒ Tất cả các phương án. 

46. Hoạt động ra quyết định của người cán bộ tư pháp mang tính

⇒ Tất cả các phương án. 

⇒ Tính bình đẳng, có sự thỏa thuận 

⇒ Vừa có tính bắt buộc vừa có tính bình đẳng 

⇒ Bắt buộc, tính cưỡng chế cao 

47. Hoạt động thiết kế được tiến hành bằng các hình thức: 

⇒ Dự đoán là hoạt động tư duy đặc biệt nhằm nhìn thấy trước diễn biến và kết quả của các quá trình trong hoạt động tư pháp 

⇒ Hoạt động ra quyết định là việc hình thành một quyết định hoặc một bản án cụ thể trên cơ sở xem xét, so sánh, đối chiếu các chứng cứ đã được xác định về vụ án với các điều luật cụ thể.

⇒ Lập kế hoạch là việc vạch ra các phương hướng, các bước hành động cụ thể, xác định các phương tiện, biện pháp, các điều kiện cần thiết để đạt được các hành động đã dự định. 

⇒ Tất cả các phương án. 

48. Hoạt động tổ chức là quá trình tạo ra những điều kiện để thực hiện hoạt động, bao gồm :

⇒ Kiểm tra và đánh giá kết quả của hoạt động 

⇒ Tập trung phân bổ con người, phương tiện 

⇒ Xác định nhiệm vụ, phương pháp, phương tiện thực hiện hoạt động, những người tham gia hoạt động 

⇒ Tất cả các phương án. 

49. Khi cần chấm dứt hành vi quá khích gây rối của đối tượng trong hoạt động tổ tụng, người tiến hành tố tụng phải sử dụng phương pháp tâm lý sau: 

⇒ Mệnh lệnh 

⇒ Ám thị gián tiếp 

⇒ Tất cả các phương án. 

⇒ Thuyết phục 

50. Khi cần giúp bị can tái hiện lại những tình tiết mà họ bị quên hoặc nhầm lẫn, điều tra viên có thể sử dụng phương pháp tác động tâm lý : 

⇒ Truyền đạt thông tin 

⇒ Mệnh lệnh 

⇒ Tất cả các phương án 

⇒ Thuyết phục 

51. Khi cần giúp đối tượng tái hiện lại những tình tiết mà họ bị quên hoặc nhầm lẫn, ta có thể sử dụng phương pháp tâm lý :

⇒ Mệnh lệnh 

⇒ Tất cả các phương án 

⇒ Đặt và thay đổi vấn đề của tư duy 

⇒ Thuyết phục 

52. Khi cần giúp đối tượng tái hiện lại những tình tiết mà họ bị quên hoặc nhầm lẫn, ta có thể sử dụng phương pháp tâm lý ;

⇒ Mệnh lệnh 

⇒ Tất cả các phương án 

⇒ Truyền đạt thông tin 

⇒ Thuyết phục 

53. Khi cần giúp người làm chứng tái hiện lại những tình tiết mà họ bị quên hoặc nhầm lẫn, điều tra viên có thể sử dụng phương pháp tác động tâm lý : 

⇒ Đặt và thay đổi vấn đề của tư duy 

⇒ Mệnh lệnh 

⇒ Tất cả các phương án 

⇒ Thuyết phục 

54. Khi cần giúp người làm chứng tái hiện lại những tình tiết mà họ bị quên hoặc nhầm lẫn, hội đồng xét xử có thể sử dụng phương pháp tác động tâm lý :

⇒ Mệnh lệnh 

⇒ Tất cả các phương án 

⇒ Thuyết phục 

⇒ Truyền đạt thông tin 

55. Khi cần làm đối tượng thay đổi thái độ, quan điểm, lập trường , ta có thể sử dụng phương pháp tâm lý :

⇒ Đặt và thay đổi vấn đề của tư duy 

⇒ Thuyết phục. 

⇒ Truyền đạt thông tin 

⇒ Tất cả các phương án. 

56. Khi cần làm thay đổi hành vi xử sự của người phạm tội, ta có thể sử dụng phương pháp tâm lý:

⇒ Đặt và thay đổi vấn đề của tư duy 

⇒ Giao tiếp tâm lý có điều khiển 

⇒ Truyền đạt thông tin 

⇒ Tất cả các phương án. 

57. Khi cần làm thay đổi trạng thái tâm lý của người phạm tội, ta có thể sử dụng phương pháp tâm lý:

⇒ Tất cả các phương án. 

⇒ Đặt và thay đổi vấn đề của tư duy 

⇒ Thuyết phục. 

⇒ Truyền đạt thông tin 

58. Khi cần tìm hiểu động cơ phạm tội của đối tượng ta có thể sử dụng phương pháp 

⇒ Tất cả các phương án. 

⇒ Đàm thoại 

⇒ Quan sát 

⇒ Thực nghiệm tự nhiên 

59. Khi cần tìm hiểu mục đích của hành vi phạm tội của đối tượng ta có thể sử dụng phương pháp :

⇒ Đàm thoại 

⇒ Phân tích sản phẩm hoạt động 

⇒ Thực nghiệm tự nhiên 

⇒ Tất cả các phương án. 

60. Khi cần tìm hiểu nguyên nhân, điều kiện phạm tội của đối tượng ta có thể sử dụng phương pháp : 

⇒ Đàm thoại 

⇒ Quan sát 

⇒ Phương pháp phân tích nhóm (tập thể) 

⇒ Tất cả các phương án. 

61. Khi cần tìm hiểu phương thức thực hiện hành vi phạm tội của đối tượng ta có thể sử dụng phương pháp : 

⇒ Tất cả các phương án 

⇒ Phân tích sản phẩm hoạt động 

⇒ Quan sát 

⇒ Thực nghiệm tự nhiên 

62. Khi phạm nhân gây rối quá khích, để chấm dứt hành vi quá khích đó, cán bộ giám thị quản giáo có thể sử dụng các phương pháp tác động tâm lý

⇒ Ám thị trực tiếp 

⇒ Phương pháp thuyết phục 

⇒ Phương pháp mệnh lệnh 

⇒ Tất cả các phương án 

63. Khi tham gia vào quá trình điều tra, hành vi xử sự của bị can được biểu hiện ở trạng thái:

⇒ Đối lập: sự chủ động, hoặc sự thụ động trong hành vi 

⇒ Luôn chủ động 

⇒ Luôn thụ động 

64. Khi tham gia vào quá trình điều tra, mối quan hệ giao tiếp của bị can có xu hướng:

⇒ Bị can rất muốn tiếp xúc với điều tra viên 

⇒ Cùng tồn tại hai xu hướng : vừa muốn tiếp xúc, lại vừa sợ tiếp xúc với điều tra viên 

⇒ Bị can rất muốn tiếp xúc với điều tra viên 

65. Khi tiến hành đổi chất, Điều tra viên có thể sử dụng các phương pháp tâm lý nào

⇒ Đặt và thay đổi vấn đề của tư duy 

⇒ Phương pháp mệnh lệnh 

⇒ Phương pháp truyền đạt thông tin. 

⇒ Tất cả các phương án 

66. Khi tiến hành hoạt động điều tra, điều tra viên có thể sử dụng cách thức sau để tác động tới các chủ thể tham gia điều tra: 

⇒ Tất cả các phương án. 

⇒ Kích thích tư duy của đối tượng theo một hướng cần thiết 

⇒ Truyền đạt các thông tin cần thiết để tác động đến đối tượng 

⇒ Yêu cầu đối tượng làm thực nghiệm 

⇒ Yêu cầu đối tượng tự kiểm tra các thông tin đã được thu thập bằng nhiều cách khác nhau 

67. Khi tiến hành hoạt động hỏi cung bị can, để tác động đến tâm lý của bị can điều tra viên thường sử dụng các phương pháp tâm lý

⇒ Truyền đạt thông tin 

⇒ Phương pháp phân tích nhóm, tập thể 

⇒ Tất cả các phương án 

⇒ Thực nghiệm tự nhiên 

68. Khi tiến hành hoạt động hỏi cung bị can, để tác động đến tâm lý của bị can điều tra viên thường sử dụng các phương pháp tâm lý.

⇒ Phương pháp đàm thoại 

⇒ Phương pháp thuyết phục 

⇒ Phương pháp quan sát. 

⇒ Tất cả các phương án 

69. Khi tiếp xúc với phạm nhân để hiểu được tâm lý của họ, bộ giám thị quản giáo có thể sử dụng các phương pháp tâm lý

⇒ Phương pháp mệnh lệnh 

⇒ Tất cả các phương án 

⇒ Truyền đạt thông tin 

⇒ Phân tích sản phẩm hoạt động 

70. Khi tiếp xúc với phạm nhân để hiểu được tâm lý của họ, bộ giám thị quản giáo có thể sử dụng các phương pháp tâm lý

⇒ Phương pháp đạt và thay đổi vấn đề tư duy 

⇒ Phương pháp thuyết phục 

⇒ Phương pháp thực nghiệm 

⇒ Tất cả các phương án 

71. Khi tiến hành hoạt động lấy lời khai của người làm chứng, Điều tra viên có thể sử dụng các phương pháp tâm lý

⇒ Ám thị gián tiếp 

⇒ Đặt và thay đổi vấn đề của tư duy 

⇒ Tất cả các phương án 

⇒ Thuyết phục 

72. Nguyên nhân dẫn đến những lệch lạc của tâm lý của cá nhân, trong quá trình giao tiếp xã hội có thể là:

⇒ Cá nhân tham gia vào các quan hệ giao tiếp ở những nhóm không chuẩn mực, có hoạt động không lành mạnh, có mục đích chống đối xã hội 

⇒ Các quan hệ giao tiếp cơ bản trong đời sống và hoạt động của cá nhân không thực hiện được đầy đủ chức năng của mình 

⇒ Thiếu các mối quan hệ xã hội thiết yếu như: gia đình, nhà trường… 

⇒ Tất cả các phương án 

73. Nguyên nhân dẫn đến những lệch lạc của tâm lý của cá nhân, trong quá trình thực hiện vai trò xã hội có thể là:

⇒ Tất cả các phương án. 

⇒ Cá nhân có thái độ tiêu cực đối với vai trò xã hội của bản thân 

⇒ Cá nhân không có đủ các phẩm chất tâm – sinh lý mà vai trò xã hội của họ đòi hỏi 

⇒ Cá nhân không có những kỹ năng cần thiết 

74. Nguyên nhân dẫn đến những lệch lạc của tâm lý của cá nhân, trong quá trình tiếp thu kinh nghiệm xã hội có thể là:

⇒ Tất cả các phương án 

⇒ Cá nhân chỉ quan tâm tiếp thu những kinh nghiệm mà nhờ đó có thể thỏa mãn nhu cầu của bản thân 

⇒ Cá nhân không tích cực, không tự giác tiếp thu kinh nghiệm xã hội. 

⇒ Trong các kinh nghiệm mà cá nhân tiếp thu có những khiếm khuyết, lệch lạc nhất định. 

75. Nguyên nhân gây nên sự căng thẳng tâm lý của bị can là:

⇒ Do những xúc cảm khác nhau như hồi hộp, lo lắng, hy vọng, thất vọng, sợ hãi… gây nên 

⇒ Sự căng thẳng về nhận thức 

⇒ Sự lo sợ bị phát hiện và trừng trị 

⇒ Tất cả các phương án 

76. Nguyên nhân làm mức độ của quá trình kiểm tra xã hội đối với các cá nhân bị giảm xuống có thể là:

⇒ Tất cả các phương án 

⇒ Nguyên nhân chủ quan tồn tại trong nhận thức, đánh giá của cá nhân. 

⇒ Nguyên nhân khách quan là những yếu tố, những sự kiện xảy ra trong đời sống của xã hội, ngoài ý muốn chủ quan của cá nhân 

77. Nguyên nhân tâm lý xã hội của hành vi phạm tội bao gồm:

⇒ Điều kiện và hoàn cảnh cụ thể của tội phạm 

⇒ Những đặc điểm tâm lý tiêu cực hình thành ở cá nhân do những điều kiện xã hội không thuận lợi. 

⇒ Tất cả các phương án. 

78. Nhóm các hoạt động bổ trợ: là các hoạt động hỗ trợ cho các hoạt động chủ đạo, tạo ra những điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện mục đích của hoạt động tư pháp, gồm: 

⇒ Tất cả các phương án. 

⇒ Hoạt động chứng nhận 

⇒ Hoạt động giao tiếp 

⇒ Hoạt động tổ chức 

79. Quá trình nhận thức trong hoạt động tư pháp mang màu sắc xúc cảm

⇒ Lạnh lùng vì trong môi trường pháp luật 

⇒ Rất cao gây những căng thẳng nhất định về tâm lý cho người cán bộ tư pháp 

⇒ Tất cả các phương án. 

⇒ Thuận lợi 

80. Sau khi mãn hạn tù những người dễ dàng tái hòa nhập cộng đồng nhất là những người :

⇒ Những người được giáo dục, cải tạo tốt 

⇒ Những người hoàn toàn không có tiến bộ sau thời gian chấp hành hình phạt 

⇒ Những người vẫn còn những khiếm khuyết nhất định 

⇒ Tất cả các phương án 

81. Sự thích nghi của cá nhân với môi trường xã hội phụ thuộc vào các yếu tố 

⇒ Đặc điểm tâm lý của cá nhân (khí chất, tính cách, xu hướng, thói quen, năng lực, tình cảm…) 

⇒ Mức độ biến đổi của môi trường xã hội (nhanh hay chậm, rộng hay hẹp…) 

⇒ Nhận thức và thái độ của cá nhân đối với sự thay đổi của môi trường xã hội. 

⇒ Tất cả các phương án 

82. Trong giai đoạn xét hỏi tại phiên tòa, tham gia thẩm vấn có :

⇒ Các thành viên của Hội đồng xét xử 

⇒ Đại diện Viện kiểm sát 

⇒ Tất cả các phương án. 

⇒ Luật sư bảo vệ quyền lợi cho các bên 

83. Trong giai đoạn xét xử, tính chất của hoạt động giáo dục là: 

⇒ Thuyết phục là chủ yếu 

⇒ Mệnh lệnh là chủ yếu 

⇒ Vừa mệnh lệnh vừa thuyết phục 

84. Trong hoạt động điều tra, điều kiện tiến hành hoạt động giáo dục được tiến hành thông qua các dạng hoạt động điều tra cụ thể:

⇒ Tất cả các phương án. 

⇒ Hoạt động đối chất 

⇒ Hoạt động khám nghiệm hiện trường 

⇒ Hoạt động khám xét chỗ ở, nơi làm việc 

⇒ Hoạt động xét hỏi 

85. Trong hoạt động điều tra, đối tượng của hoạt động giáo dục là:

⇒ Bị can, người bị tình nghi 

⇒ Các đương sự có liên quan 

⇒ Người làm chứng, người bị hại 

⇒ Tất cả các phương án. 

86. Trong hoạt động điều tra, nội dung của hoạt động giáo dục bao gồm: 

⇒ Tất cả các phương án. 

⇒ Giáo dục ý thức pháp luật cho các công dân 

⇒ Cảm hóa người phạm tội 

⇒ Loại bỏ những đau thương mất mát, những xúc cảm tiêu cực cũng như những trở ngại về tâm lý ở người làm chứng, người bị hại 

87. Trong hoạt động điều tra, tính chất của hoạt động giáo dục là: 

⇒ Mệnh lệnh là chủ yếu 

⇒ Thuyết phục là chủ yếu 

⇒ Vừa mệnh lệnh vừa thuyết phục 

88. Trong hoạt động xét xử, điều kiện tiến hành hoạt động giáo dục là :

⇒ Hoạt động đối chất 

⇒ Hoạt động xét hỏi 

⇒ Công khai liên tục, trực tiếp tại phiên tòa 

⇒ Tất cả các phương án. 

89. Trong cấu trúc tâm lý của hoạt động điều tra hoạt động nhận thức chiếm vị trí:

⇒ Bổ trợ 

⇒ Chủ đạo 

⇒ Cơ bản 

90. Trong cấu trúc tâm lý của hoạt động tư pháp, nhóm các hoạt động tâm lý cơ bản gồm có :

⇒ Tất cả các phương án. 

⇒ Hoạt động giáo dục 

⇒ Hoạt động nhận thức 

⇒ Hoạt động thiết kế 

91. Trong cấu trúc tâm lý của hoạt động xét xử hoạt động thiết kế chiếm vị trí: 

⇒ Bổ trợ 

⇒ Cơ bản 

⇒ Chủ đạo 

⇒ Tất cả các phương án. 

92. Trong giai đoạn cải tạo, tính chất của hoạt động giáo dục là: 

⇒ Tất cả các phương án 

⇒ Thuyết phục là chủ yếu 

⇒ Mệnh lệnh là chủ yếu 

⇒ Vừa thuyết phục vừa mệnh lệnh 

93. Trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự, để hiểu được diễn biến tâm lý của đối tượng tình nghi, điều tra viên phụ có thể sử dụng các phương pháp tâm lý:

⇒ Đặt và thay đổi vấn đề tư duy 

⇒ Đàm thoại 

⇒ Tất cả các phương án 

⇒ Truyền đạt thông tin 

94. Trong giai đoạn giáo dục, cải tạo phạm nhân, để hiểu được diễn biến tâm lý của phạm nhân, giám thị và quản giáo có thể sử dụng các phương pháp tâm lý:

⇒ Tất cả các phương án 

⇒ Thuyết phục 

⇒ Truyền đạt thông tin 

⇒ Phân tích sản phẩm hoạt động 

95. Trong giai đoạn giáo dục, cải tạo phạm nhân, để tác động làm chuyển biến tâm lý của phạm nhân trong quá trình chấp hành hình phạt tù, giám thị và quản giáo có thể sử dụng các phương pháp tâm lý:

⇒ Phương pháp phân tích sản phẩm hoạt động 

⇒ Phương pháp thực nghiệm tự nhiên 

⇒ Phương pháp truyền đạt thông tin 

⇒ Tất cả các phương án 

96. Trong giai đoạn tranh luận tại phiên tòa, để tác động đến các chủ thể tham gia tranh luận, hội đồng xét xử có thể sử dụng các phương pháp tâm lý:

⇒ Phương pháp phân tích nhóm, tập thể 

⇒ Phương pháp quan sát. 

⇒ Phương pháp giao tiếp tâm lý có điều khiển 

⇒ Tất cả các phương án 

97. Trong hoạt động điều tra, để hiểu được diễn biến tâm lý của đối tượng, ta có thể sử dụng phương pháp tâm lý:

⇒ Phương pháp thuyết phục. 

⇒ Phương pháp truyền đạt thông tin 

⇒ Phương pháp đàm thoại. 

⇒ Tất cả các phương án 

98. Trong hoạt động đổi chất, để tác động đến tâm lý của đối tượng đổi chất, điều tra viên có thể sử dụng phương pháp tâm lý:

⇒ Phương pháp đàm thoại 

⇒ Phương pháp phân tích sản phẩm hoạt động 

⇒ Phương pháp giao tiếp tâm lý có điều khiển 

⇒ Tất cả các phương án 

99. Trong hoạt động hỏi cung bị can, để tác động đến tâm lý của đối tượng bị xét hỏi, điều tra viên có thể sử dụng phương pháp tâm lý: 

⇒ Phương pháp đàm thoại 

⇒ Phương pháp phân tích sản phẩm hoạt động 

⇒ Phương pháp đặt và thay đổi vấn đề của tư duy 

⇒ Tất cả các phương án 

100. Trong hoạt động hỏi cung bị can, điều tra viên là người:

⇒ Điều khiển giao tiếp 

⇒ Định hướng giao tiếp 

⇒ Thiết lập giao tiếp 

⇒ Tất cả các phương án 

101. Trong hoạt động lấy lời khai của người bị hại, để tác động đến tâm lý của đối tượng bị xét hỏi, điều tra viên có thể sử dụng phương pháp tâm lý:

⇒ Phương pháp phân tích sản phẩm hoạt động 

⇒ Phương pháp quan sát. 

⇒ Truyền đạt thông tin 

⇒ Tất cả các phương án 

102. Trong hoạt động lấy lời khai của người làm chứng, để tác động đến tâm lý của đối tượng bị xét hỏi, điều tra viên có thể sử dụng phương pháp tâm lý:

⇒ Phương pháp thuyết phục 

⇒ Phương pháp đàm thoại 

⇒ Phương pháp phân tích sản phẩm hoạt động 

⇒ Tất cả các phương án 

103. Trong hoạt động lấy lời khai, để hiểu được diễn biến tâm lý của người bị hại, điều tra viên có thể sử dụng phương pháp

⇒ Đàm thoại 

⇒ Phương pháp quan sát. 

⇒ Thực nghiệm tự nhiên 

⇒ Tất cả các phương án 

104. Trong hoạt động lấy lời khai, để hiểu được tâm lý của bị can, điều tra viên có thể sử dụng phương pháp 

⇒ Tất cả các phương án 

⇒ Phân tích nhóm, tập thể 

⇒ Phân tích sản phẩm hoạt động 

⇒ Thực nghiệm tự nhiên 

105. Trong hoạt động xét xử, để tác động đến tâm lý của đối tượng bị xét hỏi, hội đồng xét xử có thể sử dụng phương pháp tâm lý:

⇒ Phương pháp quan sát. 

⇒ Phương pháp thực nghiệm tự nhiên 

⇒ Phương pháp giao tiếp tâm lý có điều khiển 

⇒ Tất cả các phương án 

106. Trước khi mãn hạn tù, trạng thái tâm lý phạm nhân thường có biểu hiện:

⇒ Trạng thái nặng nề băn khoăn, lo nghĩ về cuộc sống tương lai, về thái độ của người thân, bạn bè và của cộng đồng nói chung đối với họ 

⇒ Tất cả các phương án 

⇒ Trạng thái nôn nóng, trông chờ những thay đổi nhất định 

⇒ Trạng thái tâm lý bị ức chế do nhiều nhu cầu không được thỏa mãn hoặc thoả mãn không đầy đủ. 

107. Việc tiến hành hoạt động nhận thức trong hoạt động tư pháp 

⇒ Còn tùy từng trường hợp do luật quy định 

⇒ Không bị hạn chế về thời gian 

⇒ Bị hạn chế về mặt thời gian. 

⇒ Tất cả các phương án. 

108. Việc tiến hành nhận thức trong hoạt động tư pháp

⇒ Tất cả các phương án. 

⇒ Không bị khống chế về thời gian 

⇒ Tùy từng tính chất vụ việc có thể hạn chế về thời gian 

⇒ Bị hạn chế về mặt thời gian. 

109. Khi tiếp xúc với phạm nhân để hiểu được tâm lý của họ, bộ giám thị quản giáo có thể sử dụng các phương pháp tâm lý 

⇒ Đàm thoại 

⇒ Phân tích sản phẩm hoạt động 

⇒ Quan sát 

⇒ Tất cả các phương án 

110. Để giúp phạm nhân giải tỏa được trạng thái tâm lý căng thẳng, nhanh chóng làm quen với điều kiện sống mới, cán bộ giám thị quản giáo có thể sử dụng các phương pháp tác động tâm lý :

⇒ Đàm thoại 

⇒ Phân tích sản phẩm hoạt động 

⇒ Truyền đạt thông tin 

⇒ Tất cả các phương án 

111. Để giúp phạm nhân giải tỏa được trạng thái tâm lý căng thẳng, nhanh chóng làm quen với điều kiện sống mới, cán bộ giám thị quản giáo có thể sử dụng các phương pháp tác động tâm lý : 

⇒ Phân tích sản phẩm hoạt động 

⇒ Quan sát 

⇒ Truyền đạt thông tin 

⇒ Tất cả các phương án 

112. Để giúp phạm nhân giải tỏa được trạng thái tâm lý căng thẳng, nhanh chóng làm quen với điều kiện sống mới, cán bộ giám thị quản giáo có thể sử dụng các phương pháp tác động tâm lý :

⇒ Phân tích sản phẩm hoạt động

⇒ Quan sát 

⇒ Ám thị trực tiếp 

⇒ Tất cả các phương án 

113. Để giúp phạm nhân giải tỏa được trạng thái tâm lý căng thẳng, nhanh chóng làm quen với điều kiện sống mới, cán bộ giám thị quản giáo có thể sử dụng các phương pháp tác động tâm lý:

⇒ Ám thị trực tiếp 

⇒ Thuyết phục 

⇒ Truyền đạt thông tin 

⇒ Tất cả các phương án 

114. Giao tiếp trong hoạt động đổi chất là: 

⇒ Giao tiếp nhiều nhiều, có sự tham gia của các bên 

⇒ Giao tiếp hai chiều giữa điều tra viên và đối tượng bị xét hỏi. 

⇒ Giao tiếp xã hội 

115. Giao tiếp trong hoạt động hỏi cung bị can, lấy lời khai của người làm chứng, người bị hại là: 

⇒ Giao tiếp hai chiều giữa điều tra viên và đối tượng bị xét hỏi. 

⇒ Giao tiếp nhiều nhiều, có sự tham gia của các bên 

⇒ Giao tiếp xã hội 

116. Hoạt động chiếm vị trí chủ đạo trong cấu trúc tâm lý của hoạt động cải tạo là:

⇒ Nhận thức 

⇒ Tất cả các phương án 

⇒ Giáo dục 

⇒ Thiết kế 

117. Khi nghị án, để tác động đến các thành viên khác của Hội đồng xét xử, thẩm phán – chủ tọa phiên tòa có thể sử dụng phương pháp tác động tâm lý:

⇒ Ám thị gián tiếp 

⇒ Tất cả các phương án 

⇒ Thuyết phục 

⇒ Truyền đạt thông tin 

118. Khi nghị án, để tác động đến các thành viên khác của Hội đồng xét xử, thẩm phán – chủ tọa phiên tòa có thể sử dụng phương pháp tác động tâm lý : 

⇒ Giao tiếp tâm lý có điều khiển 

⇒ Mệnh lệnh 

⇒ Tất cả các phương án 

⇒ Thuyết phục 

119. khi tham gia tranh luận tại phiên tòa, để tác động đến các thành viên Hội đồng xét xử, kiểm sát viên có thể sử dụng phương pháp tác động tâm lý : 

⇒ Đặt và thay đổi vấn đề tư duy 

⇒ Thuyết phục 

⇒ Truyền đạt thông tin 

⇒ Tất cả các phương án 

120. Khi tham gia tranh luận tại phiên tòa, để tác động đến các thành viên Hội đồng xét xử, kiểm sát viên có thể sử dụng phương pháp tác động tâm lý: 

⇒ Ám thị gián tiếp 

⇒ Mệnh lệnh 

⇒ Thuyết phục 

⇒ Tất cả các phương án 

121. Khi tham gia tranh luận tại phiên tòa, để tác động đến các thành viên Hội đồng xét xử, Luật sư có thể sử dụng phương pháp tác động tâm lý : 

⇒ Thuyết phục 

⇒ Giao tiếp tâm lý có điều khiển 

⇒ Mệnh lệnh 

⇒ Tất cả các phương án 

122. khi tham gia tranh luận tại phiên tòa, để tác động đến các thành viên Hội đồng xét xử, luật sư có thể sử dụng phương pháp tác động tâm lý :

⇒ Đặt và thay đổi vấn đề tư duy 

⇒ Thuyết phục 

⇒ Truyền đạt thông tin 

⇒ Tất cả các phương án 

123. Khi tham gia tranh luận tại phiên tòa, để tác động đến kiểm sát viên Hội đồng xét xử có thể sử dụng phương pháp tác động tâm lý :

⇒ Mệnh lệnh

⇒ Ám thị gián tiếp 

⇒ Tất cả các phương án 

⇒ Thuyết phục 

124. Khi tham gia tranh luận tại phiên tòa, để tác động đến Luật sư Hội đồng xét xử có thể sử dụng phương pháp tác động tâm lý : 

⇒ Ám thị gián tiếp 

⇒ Tất cả các phương án 

⇒ Giao tiếp tâm lý có điều khiển 

⇒ Thuyết phục 

125. Khi tiến hành hoạt động xét hỏi bị cáo và các đương sự liên quan, để tác động đến tâm lý của họ , kiểm sát viên có thể sử dụng phương pháp tác động tâm lý :

⇒ Đặt và thay đổi vấn đề tư duy 

⇒ Thuyết phục 

⇒ Truyền đạt thông tin 

⇒ Tất cả các phương án 

126. Một phạm nhân mới đi thụ án, có thái độ bất cần. Anh ta có những hành vi vi phạm chế độ của trại cải tạo và hay phản ứng lại cán bộ quản giáo, để hiểu được suy nghĩ, tâm tư, tình cảm của phạm nhân này, qua đó tìm ra được những nguyên nhân trong hành vi tiêu cực của anh ta, cán bộ quản giáo có thể dùng phương pháp tâm lý

⇒ Tất cả các phương án 

⇒ Đàm thoại 

⇒ Phân tích sản phẩm hoạt động 

⇒ Quan sát 

127. Một phạm nhân mới đi thụ án, có thái độ bất cần. Anh ta có những hành vi vi phạm chế độ của trại cải tạo và hay phản ứng lại cán bộ quản giáo, để tạo ra tâm lý tích cực đối với việc cải tạo ở phạm nhân này, cán bộ quản giáo Có thể sử dụng các phương pháp tác động tâm lý:

⇒ Phương pháp đàm thoại 

⇒ Phương pháp thực nghiệm 

⇒ Phương pháp thuyết phục 

⇒ Tất cả các phương án 

128. Một phạm nhân mới đi thụ án, có thái độ bất cần. Anh ta có những hành vi vi phạm chế độ của trại cải tạo và hay phản ứng lại cán bộ quản giáo, để tạo ra tâm lý tích cực đối với việc cải tạo ở phạm nhân này, cán bộ quản giáo có thể sử dụng các phương pháp tác động tâm lý:

⇒ Ám thị trực tiếp 

⇒ Phương pháp mệnh lệnh 

⇒ Phương pháp thuyết phục. 

⇒ Tất cả các phương án 

129. Mục đích của tranh luận tại phiên tòa là: 

⇒ Giúp hội đồng xét xử có thể lắng nghe ý kiến từ các phía, các quan điểm khác nhau về vụ án 

⇒ Kiểm tra lại tính khách quan của các thông tin được Cơ quan điều tra thu thập 

⇒ Nghiên cứu hồ sơ của vụ án, xác định các nhiệm vụ xét xử vụ án và đề ra các kế hoạch cụ thể 

⇒ Tất cả các phương án. 

130. Những phạm nhân thích nghi nhanh nhất với điều kiện, hoàn cảnh sống tại nơi giam giữ – cải tạo, tích cực lao động, học tập và thực hiện đúng các quy định của trại là

⇒ Nhóm những phạm nhân nhận thức được lỗi lầm của mình, có thái độ ăn năn hối cải 

⇒ Nhóm những phạm nhân có định hướng phạm tội bền vững. Đây thường là những người đã có tiền án, tiền sự, phạm tội nhiều lần 

⇒ Nhóm những phạm nhân có thái độ tiêu cực đối với bản án và mức hình phạt phải chấp hành 

⇒ Tất cả các phương án 

131. Quá trình thích nghi với môi trường xã hội của người mãn hạn tù phụ thuộc yếu tố: 

⇒ Các đặc điểm nhân cách của người mãn hạn tù: thế giới quan, các nét tính cách, kiểu khí chất, ý thức pháp luật, đạo đức, thói quen… 

⇒ Điều kiện của môi trường bên ngoài bao quanh người mãn hạn tù: nhà ở, việc làm, gia đình và các mối quan hệ với gia đình, sự quan tâm giúp đỡ của chính quyền và các tổ chức xã hội … 

⇒ Những điều kiện của trại giam nơi người mãn hạn tù đã chấp hành hình phạt tù như : sự tổ chức quá trình lao động, đặc điểm của nhóm phạm nhân, thời gian chấp hành hình phạt, các tác động giáo dục 

⇒ Tất cả các phương án 

132. Quan hệ giao tiếp giữa các thành viên của nhóm phạm nhân, thường có xu hướng:

⇒ Tồn tại sự mâu thuẫn trong quan hệ, sự xung đột 

⇒ Bình đẳng, đoàn kết cùng thực hiện chế độ cải tạo giam giữ 

⇒ Chỉ báo giúp đỡ lẫn nhau cùng vượt qua giai đoạn khó khăn 

⇒ Tất cả các phương án 

133. Tại phiên tòa xét xử vụ án hình sự, khi tiến hành hoạt động nghị án , để tác động đến tâm lý của các thành viên khác trong hội đồng xét xử, Thẩm phán – chủ tọa phiên tòa có thể sử dụng các phương pháp tâm lý:

⇒ Mệnh lệnh 

⇒ Tất cả các phương án 

⇒ Giao tiếp tâm lý có điều khiển 

⇒ Thuyết phục 

134. Tại phiên tòa xét xử vụ án hình sự, khi tiến hành hoạt động xét hỏi bị cáo và các đương sự liên quan, để tác động đến tâm lý của họ, thẩm phán – chủ tọa phiên tòa có thể sử dụng các phương pháp tâm lý: 

⇒ Giao tiếp tâm lý có điều khiển 

⇒ Mệnh lệnh 

⇒ Thuyết phục 

⇒ Tất cả các phương án 

135. Tại phiên tòa, người làm chứng thường có trạng thái tâm lý căng thẳng do nguyên nhân là: 

⇒ Tất cả các phương án 

⇒ Người làm chứng có thể cảm thấy không được an toàn khi khai báo do sự có mặt của nhiều người và họ có thể sợ bị trả thù. 

⇒ Phản ứng của những người có mặt có thể làm xuất hiện ở người làm chứng những ức chế trong tâm lý 

⇒ Sự có mặt của bị cáo hoặc người bị hại có thể gây đến cho người làm chứng những xúc cảm trái ngược 

136. Tại phiên tòa, trường hợp bị cáo quanh co, khai báo thiếu thành khẩn, hội đồng xét xử có thể sử dụng phương pháp tác động tâm lý : 

⇒ Đặt và thay đổi vấn đề tư duy 

⇒ Mệnh lệnh 

⇒ Tất cả các phương án

⇒ Thuyết phục 

137. Trong giai đoạn nghị án, giao tiếp giữa các thành viên của Hội đồng xét xử mang tính:

⇒ Tất cả các phương án 

⇒ Mang tính chính thức 

⇒ Mang tính chuyên môn 

⇒ Mang tính thân mật 

138. Trong giai đoạn cải tạo, chủ thể của hoạt động giáo dục là: 

⇒ Kiểm sát viên 

⇒ Tất cả các phương án 

⇒ Giám thị và cán bộ quản giáo 

⇒ Thẩm phán 

139. Trong giai đoạn cải tạo, điều kiện của hoạt động giáo dục là:

⇒ Tại nơi hoạt động lao động 

⇒ Chế độ giam giữ, lao động, học tập và sinh hoạt đặc biệt 

⇒ Tại nơi học tập 

⇒ Tất cả các phương án 

140. Trong giai đoạn giáo dục, cải tạo phạm nhân, cán bộ giám thị quản giáo trại cải tạo có thể sử dụng các phương pháp tâm lý nào những phương pháp sau.Để tác động tới phạm nhân, giáo dục cải tạo ho. 

⇒ Phương pháp mệnh lệnh 

⇒ Phương pháp thuyết phục 

⇒ Truyền đạt thông tin 

⇒ Tất cả các phương án 

141. Trong giai đoạn giáo dục, cải tạo phạm nhân, để tác động tới phạm nhân nhằm cảm hóa giáo dục họ, cán bộ giám thị quản giáo trại cải tạo có thể sử dụng các phương pháp tâm lý:

⇒ Mệnh lệnh 

⇒ Đàm thoại 

⇒ Phân tích sản phẩm hoạt động 

⇒ Tất cả các phương án 

142. Trong giai đoạn giáo dục, cải tạo phạm nhân, để tác động tới phạm nhân nhằm cảm hóa giáo dục họ, cán bộ giám thị quản giáo trại cải tạo có thể sử dụng các phương pháp tâm lý:

⇒ Phân tích sản phẩm hoạt động 

⇒ Quan sát 

⇒ Truyền đạt thông tin 

⇒ Tất cả các phương án 

143. Trong giai đoạn giáo dục, cải tạo phạm nhân, để tác động tới phạm nhân nhằm cảm hóa giáo dục họ, cán bộ giám thị quản giáo trại cải tạo có thể sử dụng các phương pháp tâm lý:

⇒ Phương pháp thuyết phục 

⇒ Phương pháp đàm thoại 

⇒ Phương pháp thực nghiệm 

⇒ Tất cả các phương án 

144. Trong giai đoạn giáo dục, cải tạo phạm nhân, để tác động tới phạm nhân nhằm cảm hóa giáo dục họ, cán bộ giám thị quản giáo trại cải tạo có thể sử dụng các phương pháp tâm lý:

⇒ Ám thị trực tiếp 

⇒ Phương pháp mệnh lệnh 

⇒ Phương pháp thuyết phục. 

⇒ Tất cả các phương án 

145. Trong giai đoạn giáo dục, cải tạo phạm nhân, để tìm hiểu nguyên nhân điều kiện phạm tội của phạm nhân nhằm cảm hóa giáo dục họ, cán bộ giám thị quản giáo trại cải tạo có thể sử dụng các phương pháp tâm lý: 

⇒ Phương pháp đạt và thay đổi vấn đề tư duy 

⇒ Phương pháp thực nghiệm 

⇒ Phương pháp thuyết phục 

⇒ Tất cả các phương án 

146. Trong giai đoạn giáo dục, cải tạo phạm nhân, để tìm hiểu nguyên nhân điều kiện phạm tội của phạm nhân nhằm cảm hóa giáo dục họ, cán bộ giám thị quản giáo trại cải tạo có thể sử dụng các phương pháp tâm lý:

⇒ Đàm thoại 

⇒ Phân tích sản phẩm hoạt động 

⇒ Quan sát 

⇒ Tất cả các phương án 

147. Trong giai đoạn phạm nhân thích nghi với điều kiện của trại cải tạo, cán bộ giám thị quản giáo có thể sử dụng các phương pháp tâm lý nào trong những phương pháp sau.Để giúp phạm nhân giải tỏa được trạng thái tâm lý căng thẳng, nhanh chóng làm quen với điều kiện sống mới.

⇒ Phương pháp thuyết phục 

⇒ Phương pháp đàm thoại 

⇒ Phương pháp thực nghiệm 

⇒ Tất cả các phương án 

148. Trong giai đoạn phạm nhân trước khi mãn hạn tù, cán bộ giám thị, quản giáo trại cải tạo có thể sử dụng các phương pháp tâm lý nào trong những phương pháp sau. Để giúp phạm nhân xoá được sự căng thẳng trong tâm lý.

⇒ Phương pháp đàm thoại 

⇒ Phương pháp quan sát. 

⇒ Phương pháp truyền đạt thông tin. 

⇒ Tất cả các phương án 

149. Trong giai đoạn tranh luận tại phiên tòa, để tác động đến các chủ thể tham gia tranh luận, hội đồng xét xử có thể sử dụng các phương pháp tâm lý: 

⇒ Giao tiếp tâm lý có điều khiển 

⇒ Mệnh lệnh 

⇒ Truyền đạt thông tin 

⇒ Tất cả các phương án 

150. Trong giai đoạn tranh luận tại phiên tòa, để tác động đến các chủ thể tham gia tranh luận, thẩm phán – chủ tọa phiên tòa có thể sử dụng phương pháp tác động tâm lý:

⇒ Tất cả các phương án 

⇒ Giao tiếp tâm lý có điều khiển 

⇒ Mệnh lệnh 

⇒ Truyền đạt thông tin 

151. Trong giai đoạn xét hỏi tại phiên tòa, để giúp người làm chứng tái hiện lại các tình tiết cần thiết khi họ quên hoặc nhầm lẫn, luật sư có thể sử dụng các phương pháp tâm lý

⇒ Mệnh lệnh 

⇒ Truyền đạt thông tin 

⇒ Tất cả các phương án 

⇒ Thuyết phục 

152. Trong hoạt động nghị án, để tác động đến tâm lý các thành viên hội đồng xét xử, thẩm phán – chủ tọa phiên tòa Có thể sử dụng phương tác động tâm lý:

⇒ Mệnh lệnh 

⇒ Tất cả các phương án 

⇒ Truyền đạt thông tin 

⇒ Thuyết phục 

153. Nguyên nhân tâm lý xã hội của hành vi phạm tội là tập hợp… hình thành và phát triển do hậu quả của những điều kiện xã hội không thuận lợi trong quá trình xã hội hoá cá nhân….này trong sự tác động qua lại với những điều kiện, hoàn cảnh cụ thể là nguyên nhân đưa con người đến chỗ phạm tội. 

⇒ Các đặc điểm tâm lý tiêu cực 

⇒ Các đặc điểm tâm lý – xã hội của con người 

⇒ Các đặc điểm tâm lý của con người 

⇒ Tất cả các phương án. 

154. Xã hội hóa cá nhân là quá trình một con người cụ thể chuyển biến thành một thành viên của xã hội hiện tại, tiếp nhận, kế tục và phát triển các …(1)… các …(2)… cũng như lĩnh hội ngôn ngữ và các …(3)… trong sự tác động giữa cá nhân và xã hội

⇒ giá trị văn hóa xã hội (1) 

⇒ Kỹ năng thiết yếu (3) 

⇒ Quy phạm đạo đức xã hội (2) 

⇒ Tất cả các phương án. 

Đáp án tự luận Tâm Lý Học Tư Pháp – EL16 – EHOU

Câu 1. Phân biệt đặc điểm tâm lý của bị can với đặc điểm tâm lý của bị cáo.

Câu 2. Phân tích đặc điểm tâm lý của bị cáo tại phiên tòa. Và cho ví dụ minh họa

Câu 3. So sánh đặc đểm tâm lý của người làm chứng trong giai đoạn điều tra và trong giai đoạn xét xử.

Câu 4.  Phân tích đặc điểm tâm lý của người làm chứng trong giai đoạn xét xử tại phiên tòa hình sự.

Câu 5.Phân biệt đặc điểm tâm lý của hoạt động đối chất với đặc điểm tâm lý của hoạt động hỏi cung bị can, lấy lời khai người làm chứng, người bị hại trong giai đoạn điều tra.

Câu 6.Phân tich đặc điểm tâm lý của hoạt động hỏi cung bị can, lấy lời khai người làm chứng, người bị hại trong giai đoạn điều tra.

Câu 7.Phân tích đặc điểm tâm lý của hoạt động đối chất trong giai đoạn điều tra.

Câu 8. Phân tích khái niệm  nguyên nhân tâm lý xã hội của hành vi phạm tội

Câu 9. Phân tích các đặc điểm của nhóm phạm nhân, từ đó rút ra những kết luận cần thiết cho công tác giáo dục cải tạo phậm nhân.

Câu 10. Phân tích vai trò của Thẩm phán – chủ toạ phiên tòa trong các giai đoạn của hoạt động xét xử.

Câu 11. Phân tích  đặc điểm của hoạt động thiết kế trong cấu trúc của hoạt động xét xử. Tại sao kết quả của hoạt động ra quyết định trong giai đoạn này lại mang tính tập thể?

Câu 12. Phân tích các đặc điểm của hoạt động nhận thức trong cấu trúc tâm lý của hoạt động xét xử. Tính gián tiếp của hoạt động nhận thức trong giai đoạn này đã ảnh hưởng như thế nào đến việc nhận thức vụ án ở người cán bộ xét xử.

Câu 13. Phân tích các đặc điểm của hoạt động giáo dục trong cấu trúc tâm lý của hoạt động xét xử. Tại sao hoạt động xét xử lại được tiến hành theo nguyên tắc công khai, trực tiếp?  

Câu 14. Phân tích  đặc điểm tâm lý của giai đoạn nghị án tại phiên tòa hình sự. Chủ toạ đóng vai trò như thế nào trong giai đoạn này?

Câu 15. Phân tích  đặc điểm tâm lý của giai đoạn xét hỏi (thẩm vấn ) tại phiên tòa hình sự. Chủ toạ đóng vai trò như thế nào trong giai đoạn này?

Câu 16. Phân tích  đặc điểm tâm lý của giai đoạn tranh luận tại phiên tòa hình sự. Chủ toạ đóng vai trò như thế nào trong giai đoạn này?

Câu 17. Hãy nêu sự phân loại phạm nhân. Làm rõ ảnh hưởng của từng loại phạm nhân đến quá trình thích nghi với điều kiện của trại cải tạo

Câu 18. Phân tích các giai đoạn chuyển biến tâm lý của phạm nhân trong điều kiện của trại cải tạo. Hãy rút ra kết luận cần thiết cho công tác giáo dục cải tạo phạm nhân trong từng giai đoạn đó.

Câu 19. Phân tích các đặc điểm của hoạt động đối chất trong giai đoạn điều tra. Làm rõ vai trò của điều tra viên trong hoạt động này.

Câu 20. Phân tích các đặc điểm của hoạt động hỏi cung bị can, lấy lời khai người làm chứng, người bị hại trong giai đoạn điều tra. Làm rõ vai trò của điều viên trong hoạt động này.

Câu 21. Phân tích các đặc điểm của hoạt động thiết kế trong cấu trúc tâm lý của hoạt động điều tra. Tại sao các quyết định trong giai điều tra chỉ thể hiện ý chí của cá nhân điều tra viên, còn các quyết định trong giai đoạn xét xử lại thể hiện ý chí của tập thể?

Câu 22. Phân tích các đặc điểm của hoạt động giáo dục trong cấu trúc tâm lý của hoạt động cải tạo. Anh (Chị) có nhận xét gì về điều kiện của hoạt động giáo dục trong giai đoạn cải tạo?

Câu 23. Phân tích các đặc điểm của hoạt động thiết kế trong cấu trúc tâm lý của hoạt động xét xử. Tại sao khi ra quyết định, hội đồng xét xử luôn phải cân nhắc đến những tình tiết không liên quan đến vụ án như thái độ khai báo, nhân thân…?

Câu 24. Phân biệt hoạt động giáo dục trong giai đoạn điều tra với hoạt động giáo dục trong giai đoạn xét xử.

Câu 25. Hoạt động giáo dục trong hoạt động tư pháp được hiểu như thế nào? Phân tích tính chất của hoạt động giáo dục trong các giai đoạn của hoạt động tư pháp.

Câu 26. So sánh đặc điểm tâm lý của bị can với đặc điểm tâm lý của bị cáo.

Câu 27. Phân tích các nguyên nhân tâm lý xã hội của hành vi phạm tội, từ đó rút ra những kết luận cần thiết cho công tác đấu tranh phòng ngừa tội phạm.

Câu 28. Phân tích hậu quả tâm lý của hành vi phạm tội, từ đó rút ra những kết luận cần thiết cho công tác đấu tranh phát hiện tội phạm.

Câu 29. Phân tích các đặc điểm của giai đoạn nghị án. Làm rõ ảnh hưởng của tác động ngoại cảnh đến tâm lý người cán bộ xét xử trong giai đoạn này

Câu 30. Phân tích  đặc điểm của hoạt động giáo dục trong  giai đoạn cải tạo.Anh( chị ) có nhận xét gì về điều kiện của hoạt động giáo dục trong giai đoạn này?

Câu 31. Phân tích các đặc điểm tâm lý của người làm chứng trong giai đoạn xét xử phiên tòa hình sự . Làm rõ ảnh hưởng của tác động ngoại cảnh đến tâm lý của họ trong giai đoạn này.

Đánh giá chất lượng bài viết, bạn nhé!
[kkstarratings]
chọn đánh giá của bạn
Đánh giá chất lượng bài viết, bạn nhé!
5.0

9 bình luận trong “Tâm lý học tư pháp – Đáp Án Trắc Nghiệm Môn EL16 – EHOU”

  1. Câu 7: Ứng dụng nghiên cứu tâm lý bị can sau đây của Điều tra viên: “Ngoài nghiên cứu tâm lý của bị can còn cần nghiên cứu cả những người có quan hệ với bị can đó” là dựa vào luận điểm nào? *
    A. Hiện tượng tâm lý là chức năng của não
    B. Hiện tượng tâm lý người có tính xã hội lịch sử
    C. Hiện tượng tâm lý người có tính chủ thể
    D. Hiện tượng tâm lý người là sự phản ảnh hiện thực khách quan
    Câu 6: Hiện tượng tâm lý nào sau đây là thuộc tính tâm lý? *
    A. Khi Điều tra viên đưa ra chứng cứ, bị can mặt tái đi, cúi gằm đầu xuống, miệng trả lời lắp bắp.
    B. Mặc dù gặp điều kiện bên ngoài khó khăn, bị can vẫn cương quyết thực hiện tội phạm đến cùng
    C. Do đặc điểm tính cách ngang bướng, bị can thách thức và tỏ ra coi thường Điều tra viên
    D. Bị can đã có sự nghiên cứu tìm hiểu về nạn nhân rất kỹ trước khi gây án.
    Câu 1 : Hiện tượng nào sau đây là quá trình tâm lý? *
    A. Bị can có đặc điểm tính cách ngang bướng, lì lợm.
    B. Bị can tìm hiểu về vụ án thông qua quan sát cách điều tra viên đưa ra chứng cứ.
    C. Bị can tin vào khả năng của mình sẽ đối phó được cơ quan điều tra.
    D. Bị can có niềm tin rằng mình sẽ mua chuộc được điều tra viên.
    Câu 2 : Hiện tượng nào sau đây là trạng thái tâm lý ? *
    A. Bị can có đặc điểm tính cách ngang bướng, lì lợm.
    B. Bị can tìm hiểu về vụ án thông qua quan sát cách điều tra viên đưa ra chứng cứ.
    C. Người bị bắt thường có tâm trạng hoang mang và lo lắng.
    D. Bị can có niềm tin rằng mình sẽ mua chuộc được điều tra viên.

  2. Trên 1 chuyến tàu Bắc Nam, 1 hành khách bị mất 30 triệu đồng. Người tình nghi là người từng bắt chuyện với người bị hại. Khi lấy lời khai, nghe anh ta buộc mồm nói “Dạ, thưa cán bộ…, cán bộ xét hỏi biết ngay rằng đây là 1 người đã có tiền án, tiền sự
    1. Phương pháp tâm lý nào đã giúp điều tra viên đoán được nhân thân của đối tượng trên?
    2. Điều tra viên có thể sử dụng phương pháp TL nào tác động đến anh ta nhằm thu được những thông tin cần thiết về vụ việc?

  3. Do mâu thuẫn với H trong quan hệ với bạn gái, một buổi tối N chờ sẵn ở 1 đoạn đường vắng và khi H đi qua, bất ngờ dùng búa đánh vào gáy làm H chết tại chỗ. Sau khi phạm tội, N vứt búa xuống sông rồi bỏ trốn. Khi bị bắt, N nghĩ rằng cơ quan điều tra chưa biết gì nên chối tội. Tuy nhiên, khi được đưa vào phòng hỏi cung, nhìn thấy chiếc búa mà y đã dùng đánh vào H trên bàn của điều tra viên, y rùng mình, run rẩy thú nhận tội lỗi của mình
    1. Trong trường hợp trên, điều tra viên đã sử dụng PP tác động tâm lý nào? PP đó đã tác động vào mặt nào trong tâm lý của N?
    2. Ngoài ra, có thể sử dụng PP tác động tâm lý nào để tác động đến N trong trường hợp trên?

    1. Tâm lý của bị can (người bị tố cáo) và bị cáo (người bị truy tố) có thể khác nhau tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể và tình huống pháp lý. Tuy nhiên, có một số khác biệt chung trong tâm lý của hai nhóm này:

      • Bị can thường có cảm giác lo lắng, sợ hãi và căng thẳng vì không biết liệu mình sẽ bị buộc tội và bị kết án hay không. Họ có thể cảm thấy bất an, lo lắng về tương lai và sợ rằng cuộc sống của họ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
      • Bị cáo có thể cảm thấy đau khổ và tuyệt vọng vì bị buộc tội và bị truy tố. Họ có thể sợ hãi về tương lai của mình và lo lắng về hậu quả của hành động của mình. Họ cũng có thể cảm thấy bất công và bịa đặt bởi hệ thống pháp luật.
      • Cả bị can và bị cáo có thể gặp khó khăn trong việc giữ gìn quan hệ với gia đình, bạn bè và cộng đồng. Họ có thể sợ rằng những người xung quanh sẽ từ chối và phản bội họ.
      • Bị can và bị cáo có thể cảm thấy mất tự do và bị giám sát, gây ra căng thẳng và áp lực về tinh thần và tâm lý. Họ cũng có thể gặp khó khăn trong việc giải quyết các vấn đề khác trong cuộc sống của họ vì họ bị chi phối bởi lo lắng và áp lực của tình trạng pháp lý của mình.

      Tóm lại, bị can và bị cáo đều có thể gặp phải những tác động tâm lý và xã hội nghiêm trọng trong quá trình pháp lý. Sự khác biệt của họ thường nằm ở tầm quan trọng và mức độ ảnh hưởng mà các vấn đề pháp lý gây ra trong cuộc sống của họ.

  4. tranductho83

    119. Khi tham gia tranh luận tại phiên tòa, để tác động đến kiểm sát viên Hội đồng xét xử có thể sử dụng phương pháp tác động tâm lý :
    a. Thuyết phục
    b. Mệnh lệnh
    c. Ám thị gián tiếp
    d. Tất cả các phương án
    admin sửa câu 119.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Giỏ hàng
All in one
Gọi Ngay
Lên đầu trang

Chào Bạn

Bạn cần hỗ trợ để 100/100 chứ?