Một số câu hỏi thường gặp về Luật hợp tác xã

Một số câu hỏi thường gặp về Luật hợp tác xã

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10; Quốc hội ban hành Luật hợp tác xã,

Hỏi: Chúng tôi dự định thành lập hợp tác xã kinh doanh các sản phẩm về thủy sản. Xin cho biết nguyên tắc tổ chức, hoạt động của hợp tác xã?

Trả lời:

Để có thể hiểu rõ hơn về nguyên tắc tổ chức cũng như hoạt động của hợp tác xã, chúng ta cần phải nắm rõ khái niệm về hợp tác xã.

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Luật Hợp tác xã thì hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân, do ít nhất 07 thành viên tự nguyện thành lập và hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm nhằm đáp ứng nhu cầu chung của thành viên, trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý hợp tác xã.

Các nguyên tắc, tổ chức hoạt động của hợp tác xã được quy định tại Điều 7 Luật Hợp tác xã, cụ thể như sau:

  • – Cá nhân, hộ gia đình, pháp nhân tự nguyện thành lập, gia nhập, ra khỏi hợp tác xã.
  • –  Hợp tác xã kết nạp rộng rãi thành viên.
  • –  Thành viên có quyền bình đẳng, biểu quyết ngang nhau không phụ thuộc vốn góp trong việc quyết định tổ chức, quản lý và hoạt động của hợp tác xã; được cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác về hoạt động sản xuất, kinh doanh, tài chính, phân phối thu nhập và những nội dung khác theo quy định của điều lệ.
  • –  Hợp tác xã tự chủ, tự chịu trách nhiệm về hoạt động của mình trước pháp luật.
  • –  Thành viên và hợp tác xã có trách nhiệm thực hiện cam kết theo hợp đồng dịch vụ và theo quy định của điều lệ. Thu nhập của hợp tác xã được phân phối chủ yếu theo mức độ sử dụng sản phẩm, dịch vụ của thành viên hoặc theo công sức lao động đóng góp của thành viên đối với hợp tác xã tạo việc làm.
  • –  Hợp tác xã quan tâm giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng cho thành viên, cán bộ quản lý, người lao động trong hợp tác xã và thông tin về bản chất, lợi ích của hợp tác xã.
  • –  Hợp tác xã chăm lo phát triển bền vững cộng đồng thành viên và hợp tác với nhau nhằm phát triển phong trào hợp tác xã trên quy mô địa phương, vùng, quốc gia và quốc tế.
hợp tác xã kinh doanh các sản phẩm về thủy sản
hợp tác xã kinh doanh các sản phẩm về thủy sản

Hỏi: Vui lòng cho biết Nhà nước ta hiện nay có những chính sách hỗ trợ, ưu đãi như thế nào đối với hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã?

Trả lời:

Các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được quy định tại Khoản 1 Điều 6 Luật Hợp tác xã. Theo đó, Nhà nước có chính sách hỗ trợ sau đây đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã:

  • a) Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực;
  • b) Xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường;
  • c) Ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới;
  • d) Tiếp cận vốn và quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã;
  • đ) Tạo điều kiện tham gia các chương trình mục tiêu, chương trình phát triển kinh tế – xã hội;
  • e) Thành lập mới hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

Về các chính sách ưu đãi của Nhà nước, Khoản 2 Điều 6 Luật Hợp tác xã quy định: “Nhà nước có chính sách ưu đãi sau đây đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã:

a) Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp và các loại thuế khác theo quy định của pháp luật về thuế;

b) Ưu đãi lệ phí đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí.

Đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp, ngoài việc được hưởng chính sách hỗ trợ, ưu đãi nêu trên còn được hưởng chính sách hỗ trợ, ưu đãi sau đây:

  • a) Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng;
  • b) Giao đất, cho thuê đất để phục vụ hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của pháp luật về đất đai;
  • c) Ưu đãi về tín dụng;
  • d) Vốn, giống khi gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh;
  • đ) Chế biến sản phẩm.
hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã
hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã

Hỏi: Một nhóm bạn tôi đã thành lập hợp tác xã để hỗ trợ nhau trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Tôi cũng muốn tham gia vào hợp tác xã. Xin hỏi, pháp luật quy định thế nào về điều kiện trở thành thành viên hợp tác xã ?

Trả lời:

Để trở thành thành viên hợp tác xã, hộ gia đình cũng như cá nhân hoặc pháp nhân phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 13 Luật Hợp tác xã. Theo đó, cá nhân, hộ gia đình, pháp nhân trở thành thành viên hợp tác xã phải đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

  • a) Cá nhân là công dân Việt Nam hoặc người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam, từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; hộ gia đình có người đại diện hợp pháp theo quy định của pháp luật; cơ quan, tổ chức là pháp nhân Việt Nam.
  • Đối với hợp tác xã tạo việc làm thì thành viên chỉ là cá nhân;
  • b) Có nhu cầu hợp tác với các thành viên và nhu cầu sử dụng sản phẩm, dịch vụ của hợp tác xã;
  • c) Có đơn tự nguyện gia nhập và tán thành điều lệ của hợp tác xã;
  • d) Góp vốn theo quy định tại khoản 1 Điều 17 của Luật Hợp tác xã và điều lệ hợp tác xã;
  • đ) Điều kiện khác theo quy định của điều lệ hợp tác xã.

Cá nhân, hộ gia đình, pháp nhân có thể là thành viên của nhiều hợp tác xã; trừ trường hợp điều lệ hợp tác xã có quy định khác.

Hỏi: Vui lòng cho biết các nghĩa vụ của hợp tác xã?

Trả lời:

Theo Điều 9 Luật hợp tác xã năm 2012, hợp tác xã có các nghĩa vụ sau:

– Thực hiện các quy định của điều lệ.

– Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của thành viên.

– Hoạt động đúng ngành, nghề đã đăng ký.

– Thực hiện hợp đồng dịch vụ giữa hợp tác xã với thành viên.

– Thực hiện quy định của pháp luật về tài chính, thuế, kế toán, kiểm toán, thống kê.

– Quản lý, sử dụng vốn, tài sản và các quỹ của hợp tác xã theo quy định của pháp luật.

– Quản lý, sử dụng đất và tài nguyên khác được Nhà nước giao hoặc cho thuê theo quy định của pháp luật.

– Ký kết và thực hiện hợp đồng lao động, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các chính sách khác cho người lao động theo quy định của pháp luật.

– Giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, cung cấp thông tin cho thành viên.

– Thực hiện chế độ báo cáo về tình hình hoạt động của hợp tác xã theo quy định của Chính phủ.

– Bồi thường thiệt hại do mình gây ra cho thành viên theo quy định của pháp luật.

nghĩa vụ của hợp tác xã
nghĩa vụ của hợp tác xã

Hỏi: Một nhóm bạn tôi đã thành lập hợp tác xã để hỗ trợ nhau trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Tôi cũng muốn tham gia vào hợp tác xã. Xin hỏi, khi trở thành thành viên hợp tác xã thì tôi sẽ có những quyền gì ?

Trả lời:

Khi trở thành thành viên hợp tác xã, bạn sẽ có các quyền được quy định tại Điều 14 Luật Hợp tác xã. Theo đó, thành viên hợp tác xã có các quyền sau:

  • – Được hợp tác xã cung ứng sản phẩm, dịch vụ theo hợp đồng dịch vụ.
  • – Được phân phối thu nhập theo quy định của Luật hợp tác xã và điều lệ hợp tác xã.
  • – Được hưởng các phúc lợi của hợp tác xã.
  • – Được tham dự hoặc bầu đại biểu tham dự đại hội thành viên.
  • – Được biểu quyết các nội dung thuộc quyền của đại hội thành viên theo quy định.
  • – Ứng cử, đề cử thành viên hội đồng quản trị, ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên và các chức danh khác được bầu của hợp tác xã.
  • – Kiến nghị, yêu cầu hội đồng quản trị, giám đốc (tổng giám đốc), ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên giải trình về hoạt động của hợp tác xã; yêu cầu hội đồng quản trị, ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên triệu tập đại hội thành viên bất thường theo quy định của Luật hợp tác xã và điều lệ.
  • – Được cung cấp thông tin cần thiết liên quan đến hoạt động của hợp tác xã; được hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao trình độ nghiệp vụ phục vụ hoạt động của hợp tác xã.
  • – Ra khỏi hợp tác xã theo quy định của điều lệ.
  • – Được trả lại vốn góp khi ra khỏi hợp tác xã theo quy định của Luật hợp tác xã và điều lệ.
  • – Được chia giá trị tài sản được chia còn lại của hợp tác xã theo quy định của Luật hợp tác xã và điều lệ.
  • – Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện theo quy định của pháp luật.
  • – Quyền khác theo quy định của điều lệ.

Hỏi: Tôi và một số người bạn đang cân nhắc giữa việc thành lập doanh nghiệp và thành lập hợp tác xã. Xin cho biết sự khác nhau cơ bản giữa hai loại hình tổ chức kinh tế này?

Trả lời:

Mặc dù đều là các loại hình tổ chức kinh tế nhưng giữa doanh nghiêp và hợp tác xã có một số sự khác nhau cơ bản sau đây:

Thứ nhất, về bản chất của hai loại hình. Đối với loại hình doanh nghiệp thì đối tượng hướng đến là các hoạt động kinh doanh trên thị trường và nhằm mục đích sinh lợi. Trong khi đó, hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể và đối tượng hướng đến là các thành viên hợp tác xã nhằm đáp ứng nhu cầu chung về hàng hóa, dịch vụ của thành viên

Thứ hai, về cơ chế quản lý. Đối với loại hình doanh nghiệp, quyền quyết định việc quản lý công ty thường thuộc về cổ đông, thành viên chiếm số vốn lớn hơn, hay nói cách khác, quyền lực thuộc về người góp nhiều vốn. Ngược lại, đối với loại hình hợp tác xã, thành viên hợp tác xã có quyền bình đẳng và biểu quyết ngang nhau không phụ thuộc vốn góp trong việc quyết định tổ chức, quản lý và hoạt động của hợp tác xã.  

Thứ ba, về phân phối lợi nhuận. Đối với loại hình doanh nghiệp, việc phân phối lợi nhuận thường  căn cứ trên tỷ lệ sở hữu vốn  của các cổ đông, thành viên công ty. Trong khi đó, đối với loại hình hợp tác xã,việc phân phối lợi nhuận chủ yếu dựa vào mức độ sử dụng sản phẩm, dịch vụ của thành viênhoặc theo công sức lao động đóng góp của thành viên đối với hợp tác xã tạo việc làm.

thành lập doanh nghiệp và thành lập hợp tác xã
thành lập doanh nghiệp và thành lập hợp tác xã

Hỏi: Có ý kiến cho rằng số nợ của hợp tác xã sẽ được chia đều cho các thành viên. Xin hỏi, ý kiến như vậy có chính xác hay không? Nghĩa vụ của thành viên hợp tác xã được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời:

Nghĩa vụ của thành viên hợp tác xã được quy định tại Điều 15 Luật Hợp tác xã. Theo đó, thành viên hợp tác xã có các nghĩa vụ như sau:

  • 1. Sử dụng sản phẩm, dịch vụ của hợp tác xã theo hợp đồng dịch vụ.
  • 2. Góp đủ, đúng thời hạn vốn góp đã cam kết theo quy định của điều lệ.
  • 3. Chịu trách nhiệm về các khoản nợ, nghĩa vụ tài chính của hợp tác xã trong phạm vi vốn góp vào hợp tác xã.
  • 4. Bồi thường thiệt hại do mình gây ra cho hợp tác xã theo quy định của pháp luật.
  • 5. Tuân thủ điều lệ, quy chế của hợp tác xã, nghị quyết đại hội thành viên và quyết định của hội đồng quản trị hợp tác xã.
  • 6. Nghĩa vụ khác theo quy định của điều lệ.

Như vậy, ý kiến cho rằng số nợ của hợp tác xã sẽ được chia đều cho các thành viên là không chính xác , vì theo quy định tại Khoản 3 Điều 15 Luật hợp tác xã năm 2012, các thành viên hợp tác xã chỉ phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ, nghĩa vụ tài chính của hợp tác xã trong phạm vi vốn góp vào hợp tác xã.

Hỏi: Xin cho biết tư cách thành viên hợp tác xã bị chấm dứt trong những trường hợp nào? Thẩm quyền chấm dứt tư cách thành viên hợp tác xã được quy định như thế nào?

Trả lời:

Các trường hợp chấm dứt tư cách thành viên hợp tác xã được quy định tại Khoản 1 Điều 16 Luật Hợp tác xã. Theo đó, tư cách thành viên hợp tác xã bị chấm dứt khi xảy ra một trong các trường hợp sau đây:

  • a) Thành viên là cá nhân chết, bị Tòa án tuyên bố là đã chết, mất tích, bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị kết án phạt tù theo quy định của pháp luật;
  • b) Thành viên là hộ gia đình không có người đại diện hợp pháp theo quy định của pháp luật; thành viên là pháp nhân bị giải thể, phá sản;
  • c) Hợp tác xã bị giải thể, phá sản;
  • d) Thành viên tự nguyện ra khỏi hợp tác xã;
  • đ) Thành viên bị khai trừ theo quy định của điều lệ;
  • e) Thành viên không sử dụng sản phẩm, dịch vụ trong thời gian liên tục theo quy định của điều lệ nhưng không quá 03 năm. Đối với hợp tác xã tạo việc làm, thành viên không làm việc trong thời gian liên tục theo quy định của điều lệ nhưng không quá 02 năm;
  • g) Tại thời điểm cam kết góp đủ vốn, thành viên không góp vốn hoặc góp vốn thấp hơn vốn góp tối thiểu quy định trong điều lệ;
  • h) Trường hợp khác do điều lệ quy định.
Về thẩm quyền quyết định chấm dứt tư cách thành viên hợp tác xã, Khoản 2 Điều 16 Luật Hợp tác xã quy định như sau:

– Đối với trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, d và e nêu trên thì hội đồng quản trị quyết định và báo cáo đại hội thành viên gần nhất;

– Đối với trường hợp quy định tại các điểm đ, g và h thì hội đồng quản trị trình đại hội thành viên quyết định sau khi có ý kiến của ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên.

Việc giải quyết quyền lợi và nghĩa vụ đối với thành viên trong trường hợp chấm dứt tư cách thành viên thực hiện theo quy định của Luật Hợp tác xã và điều lệ hợp tác xã.

quyền chấm dứt tư cách thành viên hợp tác xã
quyền chấm dứt tư cách thành viên hợp tác xã

Hỏi: Tôi đang có nguyện vọng muốn trở thành thành viên hợp tác xã. Vui lòng cho biết, để gia nhập hợp tác xã, tôi phải góp vốn là bao nhiêu? Thời gian góp vốn được quy định như thế nào? Tôi có được cấp giấy tờ gì để xác nhận việc đã góp vốn hay không?

Trả lời:

Vấn đề mà bạn quan tâm được quy định tại Điều 17 Luật Hợp tác xã. Theo đó, đối với hợp tác xã, vốn góp của thành viên thực hiện theo thỏa thuận và theo quy định của điều lệ nhưng không quá 20% vốn điều lệ của hợp tác xã

Thời hạn, hình thức và mức góp vốn điều lệ theo quy định của điều lệ, nhưng thời hạn góp đủ vốn không vượt quá 06 tháng, kể từ ngày hợp tác xã được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoặc kể từ ngày được kết nạp.

Khi góp đủ vốn, thành viên hợp tác xã được hợp tác xã cấp giấy chứng nhận vốn góp. Giấy chứng nhận vốn góp có các nội dung chủ yếu sau đây:

– Tên, địa chỉ trụ sở chính của hợp tác xã;

– Số và ngày cấp giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã;

– Họ, tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của thành viên là cá nhân hoặc người đại diện hợp pháp cho hộ gia đình;

Trường hợp thành viên là pháp nhân thì phải ghi rõ tên, trụ sở chính, số quyết định thành lập hoặc số đăng ký; họ, tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người đại diện theo pháp luật của pháp nhân;

– Tổng số vốn góp, thời điểm góp vốn;

– Họ, tên, chữ ký của người đại diện theo pháp luật của hợp tác xã.

Hỏi: Xin vui lòng cho biết những ai có thể là sáng lập viên hợp tác xã? Để thành lập hợp tác xã, sáng lập viên hợp tác xã có phải làm gì?

Trả lời:

Điều 19 Luật hợp tác xã năm 2012 quy định sáng lập viên hợp tác xã là cá nhân, hộ gia đình, pháp nhân tự nguyện cam kết sáng lập, tham gia thành lập hợp tác xã.

Để thành lập hợp tác xã, sáng lập viên hợp tác xã thực hiện các công việc sau:

– Vận động, tuyên truyền thành lập hợp tác xã;

– Xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh, dự thảo điều lệ hợp tác xã;

– Thực hiện các công việc để tổ chức hội nghị thành lập hợp tác xã.

thành lập hợp tác xã
thành lập hợp tác xã

Hỏi: Xin cho biết những nội dung cơ bản của Điều lệ hợp tác xã?

Trả lời:

Nội dung cơ bản của Điều lệ hợp tác xã được quy định tại Điều 21 Luật Hợp tác xã. Theo đó, Điều lệ hợp tác xã bao gồm các nội dung cơ bản như sau:

1. Tên gọi, địa chỉ trụ sở chính; biểu tượng (nếu có).

2. Mục tiêu hoạt động.

3. Ngành, nghề sản xuất, kinh doanh.

4. Đối tượng, điều kiện, thủ tục kết nạp, thủ tục chấm dứt tư cách thành viên; biện pháp xử lý đối với thành viên nợ quá hạn.

5. Mức độ thường xuyên sử dụng sản phẩm, dịch vụ; giá trị tối thiểu của sản phẩm, dịch vụ mà thành viên phải sử dụng; thời gian liên tục không sử dụng sản phẩm, dịch vụ của hợp tác xã nhưng không quá 03 năm; thời gian liên tục không làm việc cho hợp tác xã đối với hợp tác xã tạo việc làm nhưng không quá 02 năm.

6. Quyền và nghĩa vụ của thành viên.

7. Cơ cấu tổ chức hợp tác xã; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và phương thức hoạt động của hội đồng quản trị, chủ tịch hội đồng quản trị, giám đốc (tổng giám đốc), ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên; thể thức bầu, bãi nhiệm, miễn nhiệm thành viên hội đồng quản trị, chủ tịch hội đồng quản trị, ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên; bộ phận giúp việc cho hợp tác xã.

8. Số lượng thành viên, cơ cấu và nhiệm kỳ của hội đồng quản trị, ban kiểm soát; trường hợp thành viên hội đồng quản trị đồng thời làm giám đốc (tổng giám đốc).

9. Trình tự, thủ tục tiến hành đại hội thành viên và thông qua quyết định tại đại hội thành viên; tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục bầu đại biểu tham dự đại hội đại biểu thành viên.

10. Vốn điều lệ, mức vốn góp tối thiểu, hình thức góp vốn và thời hạn góp vốn; trả lại vốn góp; tăng, giảm vốn điều lệ.

11. Việc cấp, cấp lại, thay đổi, thu hồi giấy chứng nhận vốn góp.

12. Nội dung hợp đồng dịch vụ giữa hợp tác xã với thành viên bao gồm nghĩa vụ cung ứng và sử dụng sản phẩm, dịch vụ; giá và phương thức thanh toán sản phẩm, dịch vụ. Đối với hợp tác xã tạo việc làm, nội dung hợp đồng dịch vụ giữa hợp tác xã và thành viên là nội dung hợp đồng lao động giữa hợp tác xã và thành viên.

13. Việc cung ứng, tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ, việc làm mà hợp tác xã cam kết cung ứng, tiêu thụ cho thành viên ra thị trường.

Tỷ lệ cung ứng, tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ, việc làm mà hợp tác xã cam kết cung ứng, tiêu thụ cho thành viên ra thị trường cho từng lĩnh vực, loại hình theo quy định của Chính phủ.

14. Đầu tư, góp vốn, mua cổ phần, liên doanh, liên kết; thành lập doanh nghiệp của hợp tác xã.

15. Lập quỹ; tỷ lệ trích lập quỹ; tỷ lệ, phương thức phân phối thu nhập.

16. Quản lý tài chính, sử dụng và xử lý tài sản, vốn, quỹ và các khoản lỗ; các loại tài sản không chia.

17. Nguyên tắc trả thù lao cho thành viên hội đồng quản trị, ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên; nguyên tắc trả tiền lương, tiền công cho người điều hành, người lao động.

18. Xử lý vi phạm điều lệ và nguyên tắc giải quyết tranh chấp nội bộ.

19. Sửa đổi, bổ sung điều lệ.

20. Các nội dung khác do đại hội thành viên quyết định nhưng không trái với quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Hỏi: Vui lòng cho biết những giấy tờ cơ bản trong hồ sơ đăng ký hợp tác xã và điều kiện cấp giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã?

Trả lời:

Trước khi hoạt động, hợp tác xã phải đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền nơi hợp tác xã dự định đặt trụ sở chính.

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 23 Luật hợp tác xã, hồ sơ đăng ký hợp tác xã bao gồm:

– Giấy đề nghị đăng ký hợp tác xã;

– Điều lệ;

– Phương án sản xuất, kinh doanh;

– Danh sách thành viên; danh sách hội đồng quản trị, giám đốc (tổng giám đốc), ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên;

– Nghị quyết hội nghị thành lập.

Người đại điện hợp pháp của hợp tác xã phải kê khai đầy đủ, trung thực và chính xác các nội dung trên và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về các nội dung đã kê khai.

Về điều kiện cấp giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, Điều 24 Luật hợp tác xã  năm 2012 quy định hợp tác xã được cấp giấy chứng nhận đăng ký khi có đủ các điều kiện sau đây:

– Ngành, nghề sản xuất, kinh doanh mà pháp luật không cấm;

– Hồ sơ đăng ký theo quy định tại Khoản 2 Điều 23 của Luật hợp tác xã;

– Tên của hợp tác xã được đặt theo quy định của Luật hợp tác xã;

– Có trụ sở chính theo quy định.

Hỏi: Xin cho biết hợp tác xã có thể thành lập các chi nhánh, văn phòng đại diện hay không?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 27 Luật Hợp tác xã thì hợp tác xã được lập chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh ở trong nước và nước ngoài.

Chi nhánh là đơn vị trực thuộc của hợp tác xã, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng, nhiệm vụ của hợp tác xã. Ngành, nghề kinh doanh của chi nhánh phải phù hợp với ngành, nghề kinh doanh của hợp tác xã.

Văn phòng đại diện có nhiệm vụ đại diện theo ủy quyền nhằm phục vụ cho hoạt động của hợp tác xã.

Chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh phải mang tên của hợp tác xã, kèm theo phần bổ sung tương ứng xác định chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh.

Hỏi: Vui lòng cho biết các quy định của pháp luật về đại hội thành viên?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 30 Luật hợp tác xã thì Đại hội thành viên có quyền quyết định cao nhất của hợp tác xã.

Đại hội thành viên gồm đại hội thành viên thường niên và đại hội thành viên bất thường. Đại hội thành viên được tổ chức dưới hình thức đại hội toàn thể hoặc đại hội đại biểu (gọi chung là đại hội thành viên).

Hợp tác xã có 100 thành viên, hợp tác xã thành viên trở lên có thể tổ chức đại hội đại biểu thành viên. Tiêu chuẩn đại biểu và trình tự, thủ tục bầu đại biểu tham dự đại hội đại biểu thành viên do điều lệ quy định.

Số lượng đại biểu tham dự đại hội đại biểu thành viên do điều lệ quy định nhưng phải bảo đảm:

– Không được ít hơn 30% tổng số thành viên đối với hợp tác xã có từ trên 100 đến 300 thành viên;

– Không được ít hơn 20% tổng số thành viên đối với hợp tác xã có từ trên 300 đến 1000 thành viên;

– Không được ít hơn 200 đại biểu đối với hợp tác xã có trên 1000 thành viên.

Đại biểu tham dự đại hội đại biểu thành viên phải thể hiện được ý kiến, nguyện vọng và có trách nhiệm thông tin về kết quả đại hội cho tất cả thành viên, hợp tác xã thành viên mà mình đại diện.

Hỏi: Xin cho biết quyền hạn và nhiệm vụ của đại hội thành viên?

Trả lời:

Quyền hạn và nhiệm vụ của đại hội thành viên được quy định tại Điều 32 Luật Hợp tác xã. Theo đó, Đại hội thành viên quyết định các nội dung sau đây:

1. Thông qua báo cáo kết quả hoạt động trong năm; báo cáo hoạt động của hội đồng quản trị và ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên;

2. Phê duyệt báo cáo tài chính, kết quả kiểm toán nội bộ;

3. Phương án phân phối thu nhập và xử lý khoản lỗ, khoản nợ; lập, tỷ lệ trích các quỹ; phương án tiền lương và các khoản thu nhập cho người lao động đối với hợp tác xã tạo việc làm;

4. Phương án sản xuất, kinh doanh;

5. Đầu tư hoặc bán tài sản có giá trị bằng hoặc lớn hơn 50% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất;

6. Góp vốn, mua cổ phần, thành lập doanh nghiệp, liên doanh, liên kết; thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện; tham gia liên hiệp hợp tác xã, tổ chức đại diện của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;

7. Tăng, giảm vốn điều lệ, vốn góp tối thiểu; thẩm quyền quyết định và phương thức huy động vốn;

8. Xác định giá trị tài sản và tài sản không chia;

9. Cơ cấu tổ chức của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;

10. Việc thành viên hội đồng quản trị đồng thời là giám đốc (tổng giám đốc) hoặc thuê giám đốc (tổng giám đốc);

11. Bầu, bãi nhiệm, miễn nhiệm chủ tịch hội đồng quản trị, thành viên hội đồng quản trị, trưởng ban kiểm soát, thành viên ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên; tăng, giảm số lượng thành viên hội đồng quản trị, ban kiểm soát;

12. Chuyển nhượng, thanh lý, xử lý tài sản cố định;

13. Chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể, phá sản hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;

14. Sửa đổi, bổ sung điều lệ;

15. Mức thù lao, tiền thưởng của thành viên hội đồng quản trị, thành viên ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên; tiền công, tiền lương và tiền thưởng của giám đốc (tổng giám đốc), phó giám đốc (phó tổng giám đốc) và các chức danh quản lý khác theo quy định của điều lệ;

16. Chấm dứt tư cách thành viên, hợp tác xã thành viên theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 16 của Luật này;

17. Những nội dung khác do hội đồng quản trị, ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên hoặc ít nhất một phần ba tổng số thành viên, hợp tác xã thành viên đề nghị.

nhiệm vụ của đại hội thành viên hợp tác xã
nhiệm vụ của đại hội thành viên hợp tác xã

Hỏi: Vui lòng cho biết việc biểu quyết trong đại hội thành viên đối với loại hình hợp tác xã được thực hiện như thế nào và có sự khác biệt cơ bản như thế nào so với loại hình doanh nghiệp?

Trả lời:

Việc biểu quyết trong đại hội thành viên là một trong những sự khác biệt cơ bản giữa loại hình hợp tác xã và loại hình doanh nghiệp. Đối với loại hình doanh nghiệp, quyền quyết định việc quản lý công ty thường thuộc về cổ đông, thành viên chiếm số vốn lớn hơn, hay nói cách khác, quyền lực thuộc về người góp nhiều vốn. Ngược lại, đối với loại hình hợp tác xã, thành viên hợp tác xã có quyền bình đẳng và biểu quyết ngang nhau không phụ thuộc vốn góp trong việc quyết định tổ chức, quản lý và hoạt động của hợp tác xã. 

Về tỷ lệ biểu quyết thông qua các quyết định, Điều 34 Luật Hợp tác xã đã có quy định cụ thể như sau:

Các nội dung sau đây được đại hội thành viên thông qua khi có ít nhất 75% tổng số đại biểu có mặt biểu quyết tán thành:

a) Sửa đổi, bổ sung điều lệ;

b) Chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể, phá sản hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;

c) Đầu tư hoặc bán tài sản có giá trị bằng hoặc lớn hơn 50% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

Các nội dung không thuộc các trường hợp nêu trên được thông qua khi có trên 50% tổng số đại biểu biểu quyết tán thành.

Hỏi: Vui lòng cho biết vai trò của Hội đồng quản trị hợp tác xã, nhiệm kỳ của Hội đồng quản trị hợp tác xã và cách thức tiến hành cuộc họp Hội đồng quản trị hợp tác xã?

Trả lời:

Hội đồng quản trị hợp tác xã là cơ quan quản lý hợp tác xã do hội nghị thành lập hoặc đại hội thành viên bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm theo thể thức bỏ phiếu kín. Hội đồng quản trị gồm chủ tịch và thành viên, số lượng thành viên hội đồng quản trị do điều lệ quy định nhưng tối thiểu là 03 người, tối đa là 15 người. Theo quy định tại Khoản 2 Điều 35 Luật Hợp tác xã thì nhiệm kỳ của hội đồng quản trị hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã do điều lệ hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã quy định nhưng tối thiểu là 02 năm, tối đa là 05 năm.

Việc họp Hội đồng quản trị hợp tác xã được quy định tại Khoản 4, Khoản 5 Điều 35 Luật Hợp tác xã. Theo đó, Hội đồng quản trị hợp tác xã hợp định kỳ theo quy định của điều lệ nhưng ít nhất 03 tháng một lần do chủ tịch hội đồng quản trị hoặc thành viên hội đồng quản trị được chủ tịch hội đồng quản trị ủy quyền triệu tập.

Cuộc họp hội đồng quản trị được thực hiện như sau:

a) Cuộc họp hội đồng quản trị được tiến hành khi có ít nhất hai phần ba tổng số thành viên hội đồng quản trị tham dự. Quyết định của hội đồng quản trị được thông qua theo nguyên tắc đa số, mỗi thành viên có một phiếu biểu quyết có giá trị ngang nhau;

b) Trường hợp triệu tập họp hội đồng quản trị theo định kỳ nhưng không đủ số thành viên tham dự theo quy định, chủ tịch hội đồng quản trị phải triệu tập cuộc họp hội đồng quản trị lần hai trong thời gian không quá 15 ngày, kể từ ngày dự định họp lần đầu. Sau hai lần triệu tập họp mà không đủ số thành viên tham dự, hội đồng quản trị triệu tập đại hội thành viên bất thường trong thời hạn không quá 30 ngày, kể từ ngày dự định họp lần hai để xem xét tư cách của thành viên hội đồng quản trị không tham dự họp và có biện pháp xử lý; chủ tịch hội đồng quản trị báo cáo đại hội thành viên gần nhất để xem xét tư cách của thành viên hội đồng quản trị không tham dự họp và biện pháp xử lý;

c) Nội dung và kết luận của cuộc họp hội đồng quản trị phải được ghi biên bản; biên bản cuộc họp hội đồng quản trị phải có chữ ký của chủ tọa và thư ký phiên họp. Chủ tọa và thư ký liên đới chịu trách nhiệm về tính chính xác và trung thực của biên bản. Đối với nội dung mà hội đồng quản trị không quyết định được thì trình đại hội thành viên quyết định. Thành viên hội đồng quản trị có quyền bảo lưu ý kiến và được ghi vào biên bản cuộc họp.

hội đồng quản trị hợp tác xã
hội đồng quản trị hợp tác xã

Hỏi: Vui lòng cho biết Hội đồng quản trị thực thi những quyền hạn và nhiệm vụ gì?

Trả lời:

Quyền hạn và nhiệm vụ của hội đồng quản trị được quy định tại Điều 36 Luật Hợp tác xã. Theo đó, Hội đồng quản trị có một số quyền hạn và nhiệm vụ sau đây:

1. Quyết định tổ chức các bộ phận giúp việc, đơn vị trực thuộc của hợp tác xã theo quy định của điều lệ.

2. Tổ chức thực hiện nghị quyết của đại hội thành viên và đánh giá kết quả hoạt động của hợp tác xã.

3. Chuẩn bị và trình đại hội thành viên sửa đổi, bổ sung điều lệ, báo cáo kết quả hoạt động, phương án sản xuất, kinh doanh và phương án phân phối thu nhập của hợp tác xã; báo cáo hoạt động của hội đồng quản trị.

4. Trình đại hội thành viên xem xét, thông qua báo cáo tài chính; việc quản lý, sử dụng các quỹ của hợp tác xã.

5. Trình đại hội thành viên phương án về mức thù lao, tiền thưởng của thành viên hội đồng quản trị, thành viên ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên; mức tiền công, tiền lương và tiền thưởng của giám đốc (tổng giám đốc), phó giám đốc (phó tổng giám đốc).

6. Chuyển nhượng, thanh lý, xử lý tài sản lưu động của hợp tác xã theo thẩm quyền do đại hội thành viên giao.

7. Kết nạp thành viên mới, giải quyết việc chấm dứt tư cách thành viên được quy định tại điểm a khoản 2 Điều 16 của Luật này và báo cáo đại hội thành viên.

8. Đánh giá hiệu quả hoạt động của giám đốc (tổng giám đốc), phó giám đốc (phó tổng giám đốc).

9. Bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, thuê hoặc chấm dứt hợp đồng thuê giám đốc (tổng giám đốc) theo nghị quyết của đại hội thành viên.

10. Bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, thuê hoặc chấm dứt hợp đồng thuê phó giám đốc (phó tổng giám đốc) và các chức danh khác theo đề nghị của giám đốc (tổng giám đốc) nếu điều lệ không quy định khác.

11. Khen thưởng, kỷ luật thành viên; khen thưởng các cá nhân, tổ chức không phải là thành viên nhưng có công xây dựng, phát triển hợp tác xã.

12. Thông báo tới các thành viên nghị quyết, quyết định của đại hội thành viên, hội đồng quản trị.

13. Ban hành quy chế hoạt động của hội đồng quản trị để thực hiện quyền và nhiệm vụ được giao.

14. Thực hiện quyền, nhiệm vụ khác theo quy định của điều lệ, nghị quyết của đại hội thành viên và chịu trách nhiệm về quyết định của mình trước đại hội thành viên và trước pháp luật.

Hỏi: Ông Nguyễn Văn A là chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã. Vui lòng cho biết quyền hạn và nhiệm vụ của Ông A trong vai trò chủ tịch hội đồng quản trị?

Trả lời:

Quyền hạn và nhiệm vụ của chủ tịch hội đồng quản trị quy định tại Điều 37 Luật Hợp tác xã. Theo đó, chủ tịch hội đồng quản trị thực hiện một số quyền hạn và nhiệm vụ sau đây:

1. Là người đại diện theo pháp luật của hợp tác xã.

2. Lập chương trình, kế hoạch hoạt động của hội đồng quản trị và phân công nhiệm vụ cho các thành viên hội đồng quản trị.

3. Chuẩn bị nội dung, chương trình, triệu tập và chủ trì cuộc họp của hội đồng quản trị, đại hội thành viên trừ trường hợp Luật này hoặc điều lệ có quy định khác.

4. Chịu trách nhiệm trước đại hội thành viên và hội đồng quản trị về nhiệm vụ được giao.

5. Ký văn bản của hội đồng quản trị theo quy định của pháp luật và điều lệ.

6. Thực hiện quyền hạn và nhiệm vụ khác theo quy định của Luật này và điều lệ.

=>Xem thêm: Dịch vụ thành lập công ty trọn gói uy tín nhất

5/5 - (1 bình chọn)
Đánh giá chất lượng bài viết, bạn nhé!
5/5 - (1 bình chọn)
chọn đánh giá của bạn
Đánh giá chất lượng bài viết, bạn nhé!
5.0

Hãy để lại câu hỏi của bạn bên dưới, chúng tôi sẽ trả lời TRONG 15 PHÚT

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Shopping Cart
Gọi Ngay
Scroll to Top
error: Thông báo: Nội dung có bản quyền !!