Kon Tum là tỉnh miền núi vùng cao, biên giới, nằm ở phía bắc Tây Nguyên. Địa hình Kon Tum chủ yếu là đồi núi, chiếm khoảng 2/5 diện tích toàn tỉnh. Địa hình núi cao liền dải phân bố chủ yếu ở phía bắc – tây bắc chạy sang phía đông tỉnh Kon Tum, đa dạng với gò đồi, núi, cao nguyên và vùng trũng xen kẽ nhau khá phức tạp, tạo ra những cảnh quan phong phú, đa dạng vừa mang tính đặc thù của tiểu vùng.
Kon Tum có điều kiện hình thành các cửa khẩu, mở rộng hợp tác quốc tế về phía Tây.
Kon Tum đã thực hiện đẩy mạnh phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực của tỉnh như Sâm Ngọc Linh, rau hoa xứ lạnh, nuôi cá tầm, cá hồi… gắn với tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Kon Tum có nhiều cảnh quan tự nhiên như hồ Ya ly, rừng thông Măng Đen và các khu rừng đặc dụng, khu bảo tồn thiên nhiên… có khả năng hình thành các khu du lịch cảnh quan, an dưỡng.
Các cảnh quan sinh thái này có thể kết hợp với các di tích lịch sử cách mạng như di tích cách mạng ngục Kon Tum, ngục Đắk Glei, di tích chiến thắng Đắk Tô – Tân Cảnh, … các làng văn hoá truyền thống bản địa tạo thành các cung, tuyến du lịch sinh thái – nhân văn.
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2019 đạt 14.782 tỷ đồng, tăng 9,96% so với năm trước.
Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 37,35 triệu đồng năm 2018 lên 41,28 triệu đồng năm 2019. Về thu ngân sách nhà nước, năm 2019 thu đạt 3.250 tỷ đồng, đạt 131,8% dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh giao và bằng 113,3% cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu nội địa đạt cao, 2.991 tỷ đồng đạt 134% dự toán. Tăng thu ngân sách địa phương 748 tỷ đồng.
Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu năm 2019 thực hiện đạt 256,2 tỷ đồng, đạt 109,5% dự toán. Ngoài ra, các lĩnh vực đột phá được chỉ đạo thực hiện quyết liệt và bước đầu đạt kết quả nhất định, đặc biệt đã thu hút một số Tập đoàn kinh tế lớn đến tìm hiểu, đầu tư nhiều dự án tại tỉnh, như: Tập đoàn FLC; Tập đoàn Vingroup; Tập đoàn TH…
Do ảnh hưởng chung của dịch bệnh Covid-19, tình hình đăng ký doanh nghiệp những tháng đầu năm 2020 của tỉnh Kon Tum cũng chịu nhiều tác động nhưng đến tháng 6 đã có nhiều tín hiệu khả quan hơn.
I. Về tình hình đăng ký doanh nghiệp tại tỉnh Kon Tum
1. Tình hình doanh nghiệp đang hoạt động:
Kon Tum hiện có 1.700 doanh nghiệp đang hoạt động (chiếm 8,3% khu vực Tây Nguyên, chiếm 0,2% cả nước). Kon Tum đang xếp thứ 56 cả nước về số lượng doanh nghiệp đang hoạt động.
Theo Sách trắng Doanh nghiệp Việt Nam 2020, bình quân cả nước năm 2019 có 7,9 doanh nghiệp đang hoạt động trên 1.000 dân. Có 8/63 địa phương có mật độ doanh nghiệp đang hoạt động trên 1.000 dân cao hơn bình quân cả nước, cụ thể: (1) Thành phố Hồ Chí Minh có 26,5 doanh nghiệp; (2) Đà Nẵng có 19,8 doanh nghiệp; (3) Hà Nội có 19,3 doanh nghiệp; (4) Bình Dương có 12,9 doanh nghiệp; (5) Hải Phòng có 9,8 doanh nghiệp; (6) Khánh Hòa có 9,0 doanh nghiệp; (7) Bà Rịa – Vũng Tàu có 8,8 doanh nghiệp và (8) Bắc Ninh có 8,2 doanh nghiệp. Trong khi đó, Kon Tum có 3,0 doanh nghiệp đang hoạt động trên 1.000 dân, thấp hơn rất nhiều so với bình quân cả nước.
Cũng theo Sách trắng Doanh nghiệp Việt Nam 2020, bình quân cả nước năm 2019 có 15,4 doanh nghiệp đang hoạt động trên 1.000 dân trong độ tuổi lao động.
Có 9/63 địa phương có mật độ doanh nghiệp đang hoạt động trên 1.000 dân trong độ tuổi lao động cao hơn bình quân cả nước, cụ thể: (1) Thành phố Hồ Chí Minh có 54,4 doanh nghiệp; (2) Hà Nội có 43,0 doanh nghiệp; (3) Đà Nẵng có 40,1 doanh nghiệp; (4) Bình Dương có 21,3 doanh nghiệp; (5) Hải Phòng có 20,5 doanh nghiệp; (6) Bà Rịa – Vũng Tàu có 17,4 doanh nghiệp; (7) Khánh Hòa và Bắc Ninh cùng có 17,2 doanh nghiệp; (9) Cần Thơ có 15,6 doanh nghiệp. Kon Tum có 5,0 doanh nghiệp đang hoạt động trên 1.000 dân trong độ tuổi lao động (gần bằng 1/3 mức trung bình của cả nước).
2. Về doanh nghiệp thành lập mới:
Trong 6 tháng đầu năm 2020, Kon Tum có 187 doanh nghiệp thành lập mới (chiếm 8,7% khu vực Tây Nguyên, chiếm 0,3% cả nước) với số vốn đăng ký là 1.432 tỷ đồng (chiếm 6,9% khu vực Tây Nguyên, chiếm 0,2% cả nước), tăng 39,6% về số doanh nghiệp và tăng 35,2% về số vốn so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới tại Kon Tum là 1.225 (chiếm 8,8% khu vực Tây Nguyên, chiếm 0,2% cả nước), tăng 45,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Riêng Quý II/2020, Kon Tum có 113 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 953 tỷ đồng, tăng 52,7% về số doanh nghiệp và tăng 98,5% về số vốn so với Quý I/2020.
Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới tại Kon Tum là 831, tăng 110,9% so với Quý I/2020.
Từ những số liệu trên có thể thấy tinh thần khởi nghiệp tại Kon Tum thời điểm này đã có nhiều tín hiệu đáng mừng. Tâm lý e ngại và thận trọng của các nhà đầu tư trong việc bỏ vốn thành lập doanh nghiệp đã dần bị xóa bỏ. Điều này cho thấy những giải pháp của Chính phủ cũng như chính quyền tỉnh Kon Tum nhằm hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp để khôi phục nền kinh tế trong giai đoạn này đã có hiệu quả đáng kể. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới vẫn còn diễn biến phức tạp. Do đó, chính quyền tỉnh Kon Tum cần bám sát những chỉ đạo của Chính phủ và sớm thực hiện những giải pháp phù hợp với địa phương để hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian tới.
3. Về doanh nghiệp quay trở lại hoạt động:
Tại Kon Tum, trong 6 tháng đầu năm 2020 có 48 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (chiếm 6,0% khu vực Tây Nguyên và chiếm 0,2% cả nước), giảm 27,3% so với cùng kỳ năm trước.
Riêng Quý II/2020, tại Kon Tum có 18 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 48,6% so với Quý I/2020.
4. Về doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, doanh nghiệp giải thể, chờ giải thể và doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đăng ký:
Trong 6 tháng đầu năm 2020; tại Kon Tum có: 95 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn; (chiếm 10,7% khu vực Tây Nguyên và chiếm 0,3% cả nước), tăng 30,1% so với cùng kỳ năm 2019; 229 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể (chiếm 34,9% khu vực Tây Nguyên và chiếm 1,2% cả nước), tăng 32,4% so với cùng kỳ năm 2019; 28 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể (chiếm 13,4% khu vực Tây Nguyên và chiếm 0,4% cả nước), tăng 55,6% so với cùng kỳ năm 2019.
Riêng trong Quý II/2020, Kon Tum có: 23 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn; giảm 68,5% so với Quý I/2020; 200 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 506,1% so với Quý I/2020; 14 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, không tăng/giảm so với Quý I/2020.
Ngoài ra, theo số liệu của Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp; trong 6 tháng đầu năm 2020; tại Kon Tum có 55 doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký; (chiếm 7,2% khu vực Tây Nguyên và 0,2% cả nước), tăng 22,2% so cùng kỳ năm 2019. Riêng Quý II/2020, Kon Tum có 28 doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký; tăng 12,0% so với Quý I/2020.
II. Về tình hình cải cách TTHC, cải thiện môi trường kinh doanh
– Về chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019; Kon Tum đạt 63,54 điểm, xếp vị trí thứ 56/63, thuộc nhóm Trung bình.
-Về chỉ số Hiệu quả quản trị và Hành chính công cấp tỉnh; ở Việt Nam (PAPI) của Kon Tum đạt 41,86 điểm; nằm trong nhóm 16 tỉnh có điểm số Thấp nhất.
– Tại Báo cáo chỉ số Cải cách hành chính (PAR INDEX 2019); Kon Tum đạt 78,49%, xếp hạng 59/63, thuộc nhóm C (nhóm thấp nhất, gồm 19 tỉnh, thành phố).
Nhìn vào các chỉ số trên có thể thấy rằng tình hình cải cách thủ tục hành chính; cải thiện môi trường kinh doanh của tỉnh Kon Tum chưa thực sự hiệu quả; chưa tạo được tiền đề để thu hút doanh nghiệp. Do vậy, trong thời gian tới, tỉnh cần có các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh để tăng tính hấp dẫn đối với nhà đầu tư; khai thác tối đa các tiềm năng sẵn có; để phục vụ cho phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.