Kiểm định chất lượng công trình xây dựng là hoạt động kiểm tra, xác định chất lượng của sản phẩm xây dựng, bộ phận công trình, hoặc công trình xây dựng so với yêu cầu của thiết kế và quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật thông qua việc thí nghiệm, kết hợp với ghi nhận, đánh giá hiện trạng bằng trực quan.
- Điều 155 của Luật Xây dựng năm 2014; - Điều 50 của Nghị định số 59/2015/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 16 Điều 1 của Nghị định số 42/2017/NĐ-CP và khoản 10 Điều 1 Nghị định số 100/2018/NĐ-CP); - Điều 66a của Nghị định số 59/2015/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 21 Điều 1 của Nghị định số 42/2017/NĐ-CP và khoản 34 Điều 1 Nghị định số 100/2018/NĐ-CP);
1. Điều kiện hành nghề kiểm định xây dựng:
(1) Cá nhân đảm nhận chức danh chủ trì kiểm định chất lượng, xác định nguyên nhân hư hỏng, thời hạn sử dụng của bộ phận công trình, công trình; chủ trì kiểm định để xác định nguyên nhân sự cố công trình xây dựng phải đáp ứng các điều kiện tương ứng với các hạng như sau:
a) Hạng I: Đã có chứng chỉ hành nghề thiết kế xây dựng hạng I hoặc đã làm chủ trì xây dựng của ít nhất 01 công trình từ cấp I hoặc 02 công trình từ cấp II cùng loại trở lên.
b) Hạng II: Đã có chứng chỉ hành nghề thiết kế xây dựng hạng II hoặc đã làm chủ trì xây dựng của ít nhất 01 công trình từ cấp II hoặc 02 công trình từ cấp III cùng loại trở lên.
c) Hạng III: Đã có chứng chỉ hành nghề thiết kế xây dựng hạng III hoặc đã tham gia xây dựng của ít nhất 01 công trình từ cấp III trở lên hoặc 02 công trình từ cấp IV cùng loại trở lên.
(2) Phạm vi hoạt động:
a) Hạng I: Được làm chủ trì kiểm định tất cả các công trình cùng loại.
b) Hạng II: Được làm chủ trì kiểm định công trình từ cấp II trở xuống cùng loại.
c) Hạng III: Được làm chủ trì kiểm định công trình cấp III, cấp IV cùng loại.
2. Điều kiện của tổ chức tư vấn giám sát thi công xây dựng công trình
(1) Có đủ điều kiện năng lực phù hợp với công việc giám sát thi công xây dựng công trình.
(2) Cá nhân tư vấn giám sát thi công xây dựng công trình, xây dựng phải có chứng chỉ hành nghề phù hợp với công việc thực hiện.
3. Điều kiện năng lực của tổ chức kiểm định xây dựng
(1) Tổ chức tham gia hoạt động kiểm định chất lượng, xác định nguyên nhân hư hỏng, thời hạn sử dụng của bộ phận công trình, công trình xây dựng, kiểm định để xác định nguyên nhân sự cố công trình xây dựng phải đáp ứng các điều kiện tương ứng với các hạng năng lực như sau:
a) Hạng I:
– Cá nhân đảm nhận chủ trì thực hiện kiểm định phải đáp ứng điều kiện hành nghề kiểm định hạng I phù hợp;
– Cá nhân tham gia thực hiện kiểm định phải có chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với công tác kiểm định xây dựng;
– Đã thực hiện kiểm định của ít nhất 01 công trình từ cấp I trở lên hoặc 02 công trình từ cấp II cùng loại trở lên.
b) Hạng II:
– Cá nhân chủ trì thực hiện kiểm định xây dựng phải đáp ứng điều kiện hành nghề kiểm định từ hạng II trở lên phù hợp;
– Cá nhân tham gia thực hiện kiểm định phải có chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với công tác kiểm định;
– Đã thực hiện kiểm định của ít nhất 01 công trình từ cấp II trở lên hoặc 02 công trình từ cấp III cùng loại trở lên.
c) Hạng III:
– Cá nhân chủ trì thực hiện kiểm định phải đáp ứng điều kiện hành nghề kiểm định hạng III phù hợp;
– Cá nhân tham gia thực hiện kiểm định phải có chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với công tác kiểm định.
(2) Phạm vi hoạt động:
a) Hạng I: Được thực hiện kiểm định các công trình cùng loại;
b) Hạng II: Được thực hiện kiểm định các công trình từ cấp II trở xuống cùng loại;
c) Hạng III: Được thực hiện kiểm định các công trình từ cấp III trở xuống cùng loại;
(3) Tổ chức tham gia hoạt động chất lượng vật liệu xây dựng, cấu kiện xây dựng, sản phẩm xây dựng phải đáp ứng các điều kiện sau:
a) Phải sử dụng phòng thí nghiệm chuyên ngành với các phép thử được cơ quan có thẩm quyền công nhận phù hợp với nội dung thực hiện kiểm định;
b) Cá nhân thực hiện kiểm định có chuyên môn phù hợp với công tác kiểm định.
=>Xem thêm: Tra cứu ngành nghề kinh doanh có điều kiện