Thủ tục thuê bác sĩ thẩm mỹ người nước ngoài về Việt Nam làm việc. Các thủ tục cần thiết để bác sĩ nước ngoài được làm việc tại Việt Nam
Tóm tắt câu hỏi:
Chào luật sư! Tôi muốn được tư vấn về một thủ tục hành chính pháp lý như sau:
Công ty tôi là một công ty chuyên về làm đẹp không gây chảy máu (giống như một thẩm mỹ viện thông thường, massage, bấm huyệt,… và sử dụng các dòng máy công nghệ cao: Laser, E-light… trong điều trị da, không có phẫu thuật thẩm mỹ). Hiện tại, công ty tôi muốn thuê một bác sĩ nước ngoài (cụ thể là Hàn Quốc) về trực tiếp thực hiện và làm đại diện cho công ty. Bác sĩ này có kinh nghiệm và bằng cấp đầy đủ ở Hàn Quốc. Vậy tôi muốn hỏi, công ty tôi không phải chuyên về phòng khám, thì có được ký hợp đồng cũng như xin các giấy phép lao động để làm việc tại Việt Nam được không? Và khi đó, các bằng cấp của người bác sỹ này có được sử dụng hoàn toàn và đầy đủ tại Việt Nam hay không? Nếu sau khi hết hợp đồng ký với công ty tôi, giấy phép lao động của người này có được tiếp tục có hiệu lực để đi xin việc tại các công ty khác hay không? Hay người này tiếp tục phải xin lại giấy phép? Các thủ tục hành chính để người này có thể làm việc tại Việt Nam là như thế nào?
Trân trọng cảm ơn và mong sớm nhận được thông tin phản hồi từ phía quý công ty!
Luật sư tư vấn:
Công ty luật DƯƠNG GIA xin tư vấn cho bạn như sau:
Công dân nước ngoài muốn làm việc tại Việt Nam theo hình thức hợp đồng lao động thì phải thực hiện thủ tục xin cấp Giấy phép lao động. Được quy định cụ thể tại Nghị định số 102/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 05/09/2013:
1. Điều kiện cấp giấy phép lao động
– Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật;
– Có sức khỏe phù hợp với yêu cầu công việc;
Xem thêm: Bảng lương của y sĩ, y tá, bác sĩ theo quy định mới nhất năm 2020
– Là nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia hoặc lao động kỹ thuật;
Đối với người lao động nước ngoài hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, trực tiếp khám bệnh, chữa bệnh tại Việt Nam hoặc làm việc trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo và dạy nghề phải có đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật Việt Nam về khám bệnh, chữa bệnh, giáo dục, đào tạo và dạy nghề.
– Không phải là người phạm tội hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật nước ngoài;
– Được chấp thuận bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc sử dụng người lao động nước ngoài.
2. Thành phần hồ sơ
1. Văn bản đề nghị cấp giấy phép lao động của người sử dụng lao động theo quy định của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
2. Giấy chứng nhận sức khỏe được cấp ở nước ngoài hoặc ở Việt Nam theo quy định của Bộ Y tế.
3. Văn bản xác nhận không phải là người phạm tội hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật nước ngoài có giá trị trong thời hạn 06 tháng, tính đến thời điểm nộp hồ sơ.
Xem thêm: Điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề y cho y sĩ, bác sĩ tại Việt Nam
4. Văn bản xác nhận là nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia hoặc lao động kỹ thuật.
Đối với một số nghề, công việc, văn bản xác nhận trình độ chuyên môn, kỹ thuật của người lao động nước ngoài được thay thế bằng một trong các giấy tờ sau đây:
a) Giấy công nhận là nghệ nhân những ngành nghề truyền thống do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp;
b) Văn bản chứng minh kinh nghiệm của cầu thủ bóng đá nước ngoài;
c) Bằng lái máy bay vận tải hàng không do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp đối với phi công nước ngoài;
d) Giấy phép bảo dưỡng tàu bay do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp đối với người lao động nước ngoài làm công việc bảo dưỡng tàu bay.
5. Văn bản của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về việc chấp thuận sử dụng người lao động nước ngoài.
6. 02 ảnh mầu (kích thước 4cm x 6cm, đầu để trần, chụp chính diện, rõ mặt, rõ hai tai, không đeo kính, phông ảnh màu trắng), ảnh chụp không quá 06 tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ.
Xem thêm: Thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề y cho y sĩ, bác sĩ tại Việt Nam
7. Bản sao hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu còn giá trị theo quy định của pháp luật.
Các giấy tờ quy định tại Khoản 2, Khoản 3 và Khoản 4 Điều này là 01 bản chính hoặc 01 bản sao; nếu bằng tiếng nước ngoài thì phải được hợp pháp hóa lãnh sự, trừ trường hợp được miễn hợp pháp hóa lãnh sự theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước ngoài liên quan đều là thành viên hoặc theo nguyên tắc có đi có lại hoặc theo quy định của pháp luật và dịch ra tiếng Việt, chứng thực theo quy định của pháp luật Việt Nam.
8. Các giấy tờ liên quan đến người lao động nước ngoài:
a) Đối với người lao động nước ngoài theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 2 Nghị định này phải có văn bản của doanh nghiệp nước ngoài cử sang làm việc tại hiện diện thương mại của doanh nghiệp nước ngoài đó trên lãnh thổ Việt Nam và văn bản chứng minh người lao động nước ngoài đã được doanh nghiệp nước ngoài đó tuyển dụng trước khi làm việc tại Việt Nam ít nhất 12 tháng;
b) Đối với người lao động nước ngoài theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 2 Nghị định này phải có hợp đồng hoặc thỏa thuận ký kết giữa đối tác phía Việt Nam và phía nước ngoài, trong đó phải có thỏa thuận về việc người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam;
c) Đối với người lao động nước ngoài theo quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 2 Nghị định này phải có hợp đồng cung cấp dịch vụ ký kết giữa đối tác phía Việt Nam và phía nước ngoài và văn bản chứng minh người lao động nước ngoài đã làm việc cho doanh nghiệp nước ngoài không có hiện diện thương mại tại Việt Nam được ít nhất 02 năm;
d) Đối với người lao động nước ngoài theo quy định tại Điểm đ Khoản 1 Điều 2 Nghị định này phải có văn bản của nhà cung cấp dịch vụ cử người lao động nước ngoài vào Việt Nam để đàm phán cung cấp dịch vụ;
đ) Đối với người lao động nước ngoài theo quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều 2 Nghị định này phải có giấy chứng nhận tổ chức phi chính phủ nước ngoài, tổ chức quốc tế được phép hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam;
Xem thêm: Thời gian nghỉ bù của bác sĩ trực 24 giờ
e) Đối với người lao động nước ngoài theo quy định tại Điểm h Khoản 1 Điều 2 Nghị định này phải có văn bản của nhà cung cấp dịch vụ cử người lao động nước ngoài vào Việt Nam để thành lập hiện diện thương mại của nhà cung cấp dịch vụ đó;
g) Đối với người lao động nước ngoài theo quy định tại Điểm i Khoản 1 Điều 2 Nghị định này mà tham gia vào hoạt động của doanh nghiệp nước ngoài đã thành lập hiện diện thương mại tại Việt Nam thì phải có văn bản chứng minh người lao động nước ngoài được tham gia vào hoạt động của doanh nghiệp nước ngoài đó.
Các giấy tờ theo quy định tại Khoản này là 01 bản chính hoặc 01 bản sao, nếu bằng tiếng nước ngoài thì miễn hợp pháp hóa lãnh sự, nhưng phải dịch ra tiếng Việt và chứng thực theo quy định của pháp luật Việt Nam.
3. Thời hạn của giấy phép lao động
Thời hạn của giấy phép lao động được cấp là không quá 02 năm và theo thời hạn của một trong các trường hợp sau đây:
1. Thời hạn của hợp đồng lao động dự kiến sẽ ký kết;
2. Thời hạn của phía nước ngoài cử người lao động nước ngoài sang làm việc tại Việt Nam;
3. Thời hạn hợp đồng hoặc thỏa thuận ký kết giữa đối tác phía Việt Nam và phía nước ngoài;
4. Thời hạn hợp đồng hoặc thỏa thuận cung cấp dịch vụ ký kết giữa đối tác phía Việt Nam và phía nước ngoài;
5. Thời hạn nêu trong văn bản của nhà cung cấp dịch vụ cử người lao động nước ngoài vào Việt Nam để đàm phán cung cấp dịch vụ;
6. Thời hạn đã được xác định trong giấy chứng nhận tổ chức phi chính phủ nước ngoài, tổ chức quốc tế được phép hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam;
7. Thời hạn trong văn bản của nhà cung cấp dịch vụ cử người lao động nước ngoài vào Việt Nam để thành lập hiện diện thương mại của nhà cung cấp dịch vụ đó;
8. Thời hạn trong văn bản chứng minh người lao động nước ngoài được tham gia vào hoạt động của một doanh nghiệp nước ngoài đã thành lập hiện diện thương mại tại Việt Nam.
4. Trình tự cấp giấy phép lao động
1. Trước ít nhất 15 ngày làm việc, kể từ ngày người lao động nước ngoài dự kiến bắt đầu làm việc cho người sử dụng lao động thì người sử dụng lao động phải nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động cho Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi người lao động nước ngoài có toàn bộ thời gian làm việc cho người sử dụng lao động.
Trường hợp người lao động nước ngoài không có toàn bộ thời gian làm việc cho người sử dụng lao động tại một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động nộp cho Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi đóng trụ sở chính của người sử dụng lao động.
2. Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài theo mẫu do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định. Trường hợp không cấp giấy phép lao động thì trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
3. Đối với người lao động nước ngoài theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 2 Nghị định này, sau khi người lao động nước ngoài được cấp giấy phép lao động, người sử dụng lao động và người lao động nước ngoài phải ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản theo quy định của pháp luật lao động Việt Nam trước ngày dự kiến làm việc cho người sử dụng lao động. Nội dung hợp đồng lao động không được trái với nội dung ghi trong giấy phép lao động đã được cấp.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ký kết hợp đồng lao động, người sử dụng lao động phải gửi bản sao hợp đồng lao động đã ký kết và bản sao giấy phép lao động đã được cấp tới Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã cấp giấy phép lao động đó.
Như vậy, nếu công ty bạn đã được cấp phép hoạt động, kinh doanh về những ngành nghề trên và người bác sĩ Hàn Quốc này đáp ứng được yêu cầu chuyên môn về làm đẹp và sử dụng các dòng máy công nghệ cao: Laser, E-light… trong điều trị da thì công ty bạn có thể ký hợp đồng cũng như xin cấp giấy phép lao động để người này được làm việc tại Việt Nam.
Về vấn đề thời hạn của giấy phép lao động và thủtục hành chính để người này có thể làm việc tại Việt Nam đã được quy định rõ như trên.
Hy vọng rằng sự tư vấn của chúng tôi sẽ giúp chị lựa chọn phương án thích hợp nhất đểgiải quyết những vướng mắc. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì liên quan đến sự việc anh/ chị có thểliên hệ Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của Luật sư: 0274.2203.888 để được giải đáp.