1. Thuế Giá Trị Gia Tăng (GTGT) là gì ?
Thuế Giá Trị Gia Tăng (GTGT) là thuế tính trên giá trị tăng thêm của; hàng hoá, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng. Thuế GTGT chỉ áp dụng trên phần giá trị tăng thêm; mà không phải đối với toàn bộ giá trị hàng hóa, dịch vụ.
Điểm đặc trưng khác của thuế GTGT là một loại thuế gián thu. Nó được cộng vào giá bán hàng hóa, dịch vụ và do người tiêu dùng trả khi sử dụng sản phẩm đó. Mặc dù người tiêu dùng mới chính là người chi trả thuế GTGT. Nhưng người trực tiếp thực hiện nghĩa vụ đóng thuế với Nhà nước lại là đơn vị sản xuất, kinh doanh
2. Đối tượng chịu thuế và đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT)
a/ Đối tượng chịu thuế GTGT:
Đối tượng chịu thuế GTGT là hàng hoá, dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam. (Bao gồm cả hàng hóa, dịch vụ mua của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài). Trừ các đối tượng không chịu thuế GTGT
b/ Đối tượng không chịu thuế Giá Trị Gia Tăng (GTGT):
Một số đối tượng không chịu thuế quy định cụ thể tại Thông tư số 219/2013/TT-BTC, được sửa đổi, bổ sung theo Thông tư 26/2015/TT-BTC, gồm; Nông, thủy sản chưa chế biến; vật nuôi, giống cây trồng; muối; dịch vụ tín dụng; dịch vụ vận chuyển hành khách công cộng;…
Ngoài ra, Thông tư 219/2013/TT-BTC cũng quy định một số trường hợp cụ thể; mà tổ chức, cá nhân không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT, gồm:
– Nhận các khoản thu bồi thường bằng tiền;
– Tổ chức, cá nhân không kinh doanh, không phải là người nộp thuế GTGT bán tài sản;
– Tổ chức, cá nhân chuyển nhượng dự án đầu tư để sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT cho doanh nghiệp, hợp tác xã;
Thông tư 193/2015/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Thông tư 219/2013/TT-BTC cũng liệt kê một số trường hợp cơ sở kinh doanh không phải kê khai, nộp thuế GTGT theo quy định:
– Góp vốn bằng tài sản để thành lập doanh nghiệp;
– Điều chuyển tài sản giữa các đơn vị hạch toán phụ thuộc trong doanh nghiệp;
– Thu đòi người thứ 3 của hoạt động bảo hiểm;
– Nhận các khoản thù lao từ cơ quan Nhà nước do thực hiện hoạt động thu hộ, chi hộ các cơ quan Nhà nước …
3. Cách tính thuế Giá Trị Gia Tăng (GTGT)
a/ Phương pháp khấu trừ thuế
Đối tượng áp dụng:
Theo Điều 12 Thông tư 219/2013/TT-BTC phương pháp khấu trừ thuế được áp dụng với các đối tượng sau:
- Cơ sở kinh doanh thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật về kế toán, hóa đơn, chứng từ.
- Cơ sở kinh doanh đang hoạt động có doanh thu hàng năm từ bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ từ một tỷ đồng trở lên và thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng;
- Cơ sở kinh doanh đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế…
– Cách tính:
Thuế GTGT phải nộp = Thuế GTGT đầu ra – Thuế GTGT đầu vào được khấu trừ
Trong đó: Thuế GTGT đầu vào bằng tổng số thuế GTGT ghi trên hóa đơn GTGT mua hàng hóa, dịch vụ (bao gồm cả tài sản cố định) dùng cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT.
Số thuế GTGT đầu ra bằng tổng số thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ bán ra ghi trên hóa đơn GTGT. Thuế GTGT ghi trên hóa đơn được xác định như sau:
Thuế GTGT ghi trên hóa đơn = Giá tính thuế của hàng hóa, dịch vụ chịu thuế bán ra x Thuế suất thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ đó
b/ Phương pháp tính trực tiếp
Đối tượng áp dụng:
- Doanh nghiệp, hợp tác xã đang hoạt động có doanh thu hằng năm thấp hơn 01 tỷ, trừ trường hợp đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế.
- Doanh nghiệp, hợp tác xã mới thành lập, trừ trường hợp đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế
- Hộ, cá nhân kinh doanh; Hộ kinh doanh cá thể
- Tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam không theo Luật Đầu tư và các tổ chức khác không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật.
- Tổ chức kinh tế khác không phải là doanh nghiệp, hợp tác xã, trừ trường hợp đăng ký nộp thuế theo phương pháp khấu trừ.
Công thức tính thuế: Số thuế GTGT phải nộp = Tỷ lệ % x Doanh thu
Trong đó,
Tỷ lệ % để tính thuế GTGT trên doanh thu được quy định theo từng hoạt động như sau:
- Phân phối, cung cấp hàng hóa: 1%;
- Dịch vụ, xây dựng không bao thầu nguyên vật liệu: 5%;
- Sản xuất, vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hóa, xây dựng có bao thầu nguyên vật liệu: 3%;
- Hoạt động kinh doanh khác: 2%.
– Doanh thu: trường hợp này doanh thu là tổng số tiền bán hàng hóa, dịch vụ thực tế ghi trên hóa đơn bán hàng đối với hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT bao gồm các khoản phụ thu, phí thu thêm mà cơ sở kinh doanh được hưởng.
4. Chậm nộp hồ sơ khai thuế (Giá Trị Gia Tăng)
Mức xử phạt hành vi chậm nộp hồ sơ khai thuế được Bộ Tài chính quy định tại Điều 9 Thông tư 166/2013/TT-BTC, cụ thể:
– Phạt cảnh cáo đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ 01-05 ngày mà có tình tiết giảm nhẹ…;
– Phạt tiền 3,5 triệu đồng, nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt tối thiểu không thấp hơn 2 triệu đồng hoặc có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt tối đa không quá 5 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
+ Nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ trên 40-90 ngày;
+ Nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định trên 90 ngày; nhưng không phát sinh số thuế phải nộp hoặc trường hợp quy định tại khoản 9 Điều 13 Thông tư;
+ Không nộp hồ sơ khai thuế nhưng không phát sinh số thuế phải nộp; (trừ trường hợp pháp luật có quy định không phải nộp hồ sơ khai thuế);
+ Nộp hồ sơ khai thuế tạm tính theo quý quá thời hạn quy định trên 90 ngày; kể từ ngày hết thời hạn nộp Hồ sơ khai thuế nhưng chưa đến thời hạn nộp hồ sơ khai quyết toán thuế năm.
Thời hạn nộp hồ sơ quy định tại Điều này; bao gồm cả thời gian được gia hạn nộp hồ sơ khai thuế theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Không áp dụng các mức xử phạt quy định Điều này; đối với trường hợp người nộp thuế trong thời gian được gia hạn thời hạn nộp hồ sơ khai thuế, gia hạn thời hạn nộp thuế.