Một số câu hỏi thường gặp về đầu tư nước ngoài

một số câu hỏi thường gặp về đầu tư nước ngoài

Tính đến ngày 20/5/2020, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 13,9 tỷ USD, giảm 17% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, hiện nay, Việt Nam được xem là đất lành cho dòng vốn FDI chất lượng cao từ xu hướng dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc và sau đại dịch Covid-19.

Hỏi: Tôi là một nhà đầu tư nước ngoài dự định đầu tư vào thị trường Việt Nam. Xin hỏi pháp luật Việt Nam hiện nay đang quy định có bao nhiêu hình thức đầu tư?

Trả lời:

Các hình thức đầu tư tại Việt Nam được quy định cụ thể tại Luật Đầu tư năm 2014. Theo đó, có 4 hình thức đầu tư như sau:

  • a. Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế;
  • b. Đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế;
  • c. Đầu tư theo hình thức hợp đồng PPP;
  • d. Đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC.

Hỏi: Vui lòng giới thiệu một số nội dung cơ bản của hình thức đầu tư thành lập tổ chức kinh tế?

Trả lời:

Hình thức đầu tư thành lập tổ chức kinh tế được quy định tại Điều 22 Luật Đầu tư 2014 và được hướng dẫn chi tiết tại Điều 44 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư. Theo đó, trước khi thành lập tổ chức kinh tế, nhà đầu tư nước ngoài phải có dự án đầu tư, thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và phải đáp ứng các điều kiện:

a)   Về tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ

Nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu vốn điều lệ không hạn chế trong tổ chức kinh tế, trừ các trường hợp sau đây:

  • Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại công ty niêm yết, công ty đại chúng, tổ chức kinh doanh chứng khoán và các quỹ đầu tư chứng khoán theo quy định của pháp luật về chứng khoán;
  • Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa hoặc chuyển đổi sở hữu theo hình thức khác thực hiện theo quy định của pháp luật về cổ phần hóa và chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước;
  • Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài không thuộc quy định tại nêu trên thực hiện theo quy định khác của pháp luật có liên quan và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

b) Hình thức đầu tư, phạm vi hoạt động, đối tác Việt Nam tham gia thực hiện hoạt động đầu tư và điều kiện khác theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

quy định về đầu tư nước ngoài
quy định về đầu tư nước ngoài

Hỏi: Vui lòng khái quát đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế?

Trả lời:

Đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế là hình thức nhà đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế để thực hiện hoạt động đầu tư. Việc đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế được quy định tại Điều 24, 25, 26 Luật Đầu tư 2014 và được hướng dẫn chi tiết tại Điều 46 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP. Theo đó, nhà đầu tư nước ngoài được góp vốn vào tổ chức kinh tế theo các hình thức sau đây:

  • a) Mua cổ phần phát hành lần đầu hoặc cổ phần phát hành thêm của công ty cổ phần;
  • b) Góp vốn vào công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh;
  • c) Góp vốn vào tổ chức kinh tế khác không thuộc trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản này.

Nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế theo các hình thức sau đây:

  • a) Mua cổ phần của công ty cổ phần từ công ty hoặc cổ đông;
  • b) Mua phần vốn góp của các thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn để trở thành thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn;
  • c) Mua phần vốn góp của thành viên góp vốn trong công ty hợp danh để trở thành thành viên góp vốn của công ty hợp danh;
  • d) Mua phần vốn góp của thành viên tổ chức kinh tế khác không thuộc trường hợp quy định tại các điểm a, b và c khoản này.

Việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài theo các hình thức nêu trên phải đáp ứng điều kiện đầu tư áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài như đối với trường hợp đầu tư thành lập tổ chức kinh tế.

mua cổ phần
mua cổ phần

Hỏi: Vui lòng cho biết quy định về đầu tư theo hình thức hợp đồng PPP (Public Private Partnerships)?

Trả lời:

Hình thức đầu tư theo hợp đồng PPP được quy định tại Điều 27 Luật đầu tư 2014 và được hướng dẫn cụ thể tại Nghị định số 63/2018/NĐ-CP ngày 04/5/2018 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Theo đó,  đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) là hình thức đầu tư được thực hiện trên cơ sở hợp đồng giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để thực hiện, quản lý, vận hành dự án kết cấu hạ tầng, cung cấp dịch vụ công.

Theo quy định tại Nghị định số 63/2018/NĐ-CP thì có 7 loại hợp đồng dự án theo hình thức đối tác công tư bao gồm:

1. Hợp đồng Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao (sau đây gọi tắt là hợp đồng BOT) là hợp đồng được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để xây dựng công trình hạ tầng; sau khi hoàn thành công trình, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án được quyền kinh doanh công trình trong một thời hạn nhất định; hết thời hạn, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án chuyển giao công trình đó cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

2. Hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao – Kinh doanh (sau đây gọi tắt là hợp đồng BTO) là hợp đồng được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để xây dựng công trình hạ tầng; sau khi hoàn thành công trình, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án chuyển giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được quyền kinh doanh công trình đó trong một thời hạn nhất định.

3. Hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao (sau đây gọi tắt là hợp đồng BT) là hợp đồng được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án (nếu có) để xây dựng công trình hạ tầng; sau khi hoàn thành công trình, nhà đầu tư chuyển giao công trình đó cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được thanh toán bằng quỹ đất, trụ sở làm việc, tài sản kết cấu hạ tầng hoặc quyền kinh doanh, khai thác công trình, dịch vụ để thực hiện Dự án khác.

4. Hợp đồng Xây dựng – Sở hữu – Kinh doanh (sau đây gọi tắt là hợp đồng BOO) là hợp đồng được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để xây dựng công trình hạ tầng; sau khi hoàn thành công trình, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án sở hữu và được quyền kinh doanh công trình trong một thời hạn nhất định; hết thời hạn, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư.

5. Hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao – Thuê dịch vụ (sau đây gọi tắt là hợp đồng BTL) là hợp đồng được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để xây dựng công trình hạ tầng; sau khi hoàn thành công trình, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án chuyển giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được quyền cung cấp dịch vụ trên cơ sở vận hành, khai thác công trình đó trong một thời hạn nhất định; cơ quan nhà nước có thẩm quyền thuê dịch vụ và thanh toán cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án.

6. Hợp đồng Xây dựng – Thuê dịch vụ – Chuyển giao (sau đây gọi tắt là hợp đồng BLT) là hợp đồng được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để xây dựng công trình hạ tầng; sau khi hoàn thành công trình, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án được quyền cung cấp dịch vụ trên cơ sở vận hành, khai thác công trình đó trong một thời hạn nhất định; cơ quan nhà nước có thẩm quyền thuê dịch vụ và thanh toán cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án; hết thời hạn cung cấp dịch vụ, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án chuyển giao công trình đó cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

7. Hợp đồng Kinh doanh – Quản lý (sau đây gọi tắt là hợp đồng O&M) là hợp đồng được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để kinh doanh một phần hoặc toàn bộ công trình trong một thời hạn nhất định..

Lĩnh vực, điều kiện, thủ tục thực hiện dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng PPP được Chính phủ quy định chi tiết tại Nghị định 63/2018/NĐ-CP.

đầu tư theo hình thức hợp đồng PPP
đầu tư theo hình thức hợp đồng PPP

Hỏi: Vui lòng cho biết quy định về đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC?

Trả lời:

Theo quy định tại Luật Đầu tư 2014 thì Hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) là hợp đồng được ký giữa các nhà đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm mà không thành lập tổ chức kinh tế. Các bên tham gia hợp đồng BCC thành lập ban điều phối để thực hiện hợp đồng BCC. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của ban điều phối do các bên thỏa thuận.

Như vậy,  đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC là hình thức đầu tư được thiết lập trên cơ sở hợp đồng ký kết giữa các nhà đầu tư nhưng không thành lập pháp nhân mới. Trong đó, quyền và nghĩa vụ của các bên không có sự ràng buộc về mặt tổ chức như ở các hình thức đầu tư thành lập pháp nhân mới mà chỉ ràng buộc với nhau bởi hợp đồng.

Hợp đồng BCC gồm những nội dung chủ yếu sau đây:

  • a) Tên, địa chỉ, người đại diện có thẩm quyền của các bên tham gia hợp đồng; địa chỉ giao dịch hoặc địa chỉ nơi thực hiện dự án;
  • b) Mục tiêu và phạm vi hoạt động đầu tư kinh doanh;
  • c) Đóng góp của các bên tham gia hợp đồng và phân chia kết quả đầu tư kinh doanh giữa các bên;
  • d) Tiến độ và thời hạn thực hiện hợp đồng;
  • đ) Quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng;
  • e) Sửa đổi, chuyển nhượng, chấm dứt hợp đồng;
  • g) Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng, phương thức giải quyết tranh chấp.

Trong quá trình thực hiện hợp đồng BCC, các bên tham gia hợp đồng được thỏa thuận sử dụng tài sản hình thành từ việc hợp tác kinh doanh để thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp.

Hỏi: Vui lòng cho biết các trường hợp nhà đầu tư thực hiện thủ tục đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp?

Trả lời:

Theo quy định tại Luật Đầu tư và Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư thì nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế trong các trường hợp sau:

a) Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế kinh doanh ngành, nghề đầu tư có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài;

b) Việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp dẫn đến nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế quy định tại các Điểm a, b và c Khoản 1 Điều 23 Luật Đầu tư nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên của tổ chức kinh tế trong các trường hợp: Tăng tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài từ dưới 51% lên 51% trở lên và tăng tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài khi nhà đầu tư nước ngoài đã sở hữu từ 51% vốn điều lệ trở lên trong tổ chức kinh tế.

Khoản 1 Điều 23 Luật Đầu tư quy định: “Tổ chức kinh tế phải đáp ứng điều kiện và thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư thành lập tổ chức kinh tế; đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế; đầu tư theo hợp đồng BCC thuộc một trong các trường hợp sau đây:

  • a) Có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên hoặc có đa số thành viên hợp danh là cá nhân nước ngoài đối với tổ chức kinh tế là công ty hợp danh;
  • b) Có tổ chức kinh tế quy định tại điểm a khoản này nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên;
  • c) Có nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế quy định tại điểm a khoản này nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên”.
thủ tục đầu tư theo hình thức góp vốn
thủ tục đầu tư theo hình thức góp vốn

Hỏi: Xin hỏi hồ sơ đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài bao gồm những giấy tờ nào?

Trả lời:

Theo quy định tại Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư thì hồ sơ đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm:

a) Văn bản đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp gồm những nội dung: thông tin về tổ chức kinh tế mà nhà đầu tư nước ngoài dự kiến góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp; tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài sau khi góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế;  

b) Bản sao chứng minh nhân dân, thẻ căn cước hoặc hộ chiếu đối với nhà đầu tư là cá nhân; bản sao Giấy chứng nhận thành lập hoặc tài liệu tương đương khác xác nhận tư cách pháp lý đối với nhà đầu tư là tổ chức.

Hỏi: Vui lòng hướng dẫn trình tự, thủ tục thực hiện thủ tục đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp?

Trả lời:

Trình tự, thủ tục thực hiện thủ tục đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp được thực hiện theo các bước như sau:

a) Nhà đầu tư nộp 01 bộ hồ sơ đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp theo quy định nêu trên cho Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi tổ chức kinh tế đặt trụ sở chính;

b) Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ theo quy định tại Điểm a Khoản này, Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét việc đáp ứng điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài và thông báo cho nhà đầu tư. Trường hợp không đáp ứng điều kiện, Sở Kế hoạch và Đầu tư thông báo bằng văn bản cho nhà đầu tư và nêu rõ lý do.

c) Sau khi nhận được thông báo theo quy định, tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp thực hiện thủ tục thay đổi thành viên, cổ đông tại Cơ quan đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật khác tương ứng với từng loại hình tổ chức kinh tế.

phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài ba
phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài ba

Hỏi: Tôi là nhà đầu tư nước ngoài dự định đầu tư vào Công ty A kinh doanh ngành, nghề không có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài. Xin hỏi trường hợp tôi đầu tư vào Công ty A nhưng không làm tăng tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài thì tôi có phải làm thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp hay không?

Trả lời:

Theo quy định tại Luật Đầu tư và Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư thì nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế trong các trường hợp sau:

a) Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế kinh doanh ngành, nghề đầu tư có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài;

b) Việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp dẫn đến nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế quy định tại các Điểm a, b và c Khoản 1 Điều 23 Luật Đầu tư nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên của tổ chức kinh tế trong các trường hợp: Tăng tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài từ dưới 51% lên 51% trở lên và tăng tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài khi nhà đầu tư nước ngoài đã sở hữu từ 51% vốn điều lệ trở lên trong tổ chức kinh tế.

Do vậy, trường hợp doanh nghiệp kinh doanh ngành, nghề không có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài đồng thời không tăng tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của thành viên, cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài thì không phải thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp tại Sở Kế hoạch và Đầu tư khi góp thêm vốn điều lệ và/hoặc thay đổi thành viên, cổ đông nước ngoài.

Hỏi: Tôi là nhà đầu tư Nhật Bản dự định đầu tư vào Công ty TNHH A kinh doanh ngành, nghề không có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài. Xin hỏi trường hợp tôi nhận chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên mang quốc tịch Nhật Bản thì tôi có phải làm thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp hay không?

Trả lời:

Theo quy định tại Luật Đầu tư và Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư thì nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế trong các trường hợp sau:

a) Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế kinh doanh ngành, nghề đầu tư có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài;

b) Việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp dẫn đến nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế quy định tại các Điểm a, b và c Khoản 1 Điều 23 Luật Đầu tư nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên của tổ chức kinh tế trong các trường hợp: Tăng tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài từ dưới 51% lên 51% trở lên và tăng tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài khi nhà đầu tư nước ngoài đã sở hữu từ 51% vốn điều lệ trở lên trong tổ chức kinh tế.

Do vậy, trường hợp thay đổi thành viên, cổ đông giữa các nhà đầu tư cùng quốc tịch trong doanh nghiệp kinh doanh ngành, nghề không có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài thì nhà đầu tư thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi thành viên, cổ đông tại cơ quan đăng ký kinh doanh mà không phải thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp tại Sở Kế hoạch và Đầu tư.

điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài
điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài

Hỏi: Tôi được biết Luật Đầu tư 2014 đã có sự thay đổi cơ bản trong việc tách bạch thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp với thủ tục về đăng ký đầu tư. Vui lòng giới thiệu chi tiết nội dung nêu trên?

Trả lời:

Theo Luật Đầu tư 2005, nhà đầu tư nước ngoài lần đầu đầu tư vào Việt Nam phải có dự án đầu tư gắn với thành lập tổ chức kinh tế; Giấy chứng nhận đầu tư cấp cho nhà đầu tư nước ngoài đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Quy định về Giấy chứng nhận đầu tư đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nhằm mục tiêu đơn giản hóa thủ tục cho nhà đầu tư nước ngoài nhưng trên thực tế đã dẫn đến rất nhiều khó khăn cho nhà đầu tư bởi đây là hai loại giấy tờ hoàn toàn khác nhau về bản chất pháp lý. Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư có nội dung ghi nhận thông tin đăng ký của nhà đầu tư về dự án đầu tư, trong khi đó Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lại ghi nhận thông tin về đăng ký doanh nghiệp. Do đó, việc quy định Giấy chứng nhận đầu tư đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đã tạo ra khó khăn, bất cập cho các nhà đầu tư khi thực hiện điều chỉnh các thông tin liên quan đến pháp nhân trong quá trình hoạt động.

Nhằm khắc phục hạn chế nêu trên, Luật Đầu tư 2014 đã tách bạch thủ tục đăng ký đầu tư và thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp đối với nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Theo đó, sau khi thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài được phép thành lập doanh nghiệp tại cơ quan đăng ký kinh doanh như nhà đầu tư trong nước. Đồng thời, theo quy định tại Luật Doanh nghiệp 2014 thì trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp của nhà đầu tư nước ngoài phải có Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Như vậy, nội dung đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư được ghi nhận trên Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư do cơ quan đăng ký đầu tư cấp và quản lý. Còn nội dung về pháp nhân được ghi nhận trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp do cơ quan đăng ký doanh nghiệp cấp và quản lý.

Quy định này đã phân biệt rõ địa vị pháp lý của pháp nhân và của hoạt động đầu tư cụ thể, đồng thời, giảm phiền hà cho nhà đầu tư khi thực hiện điều chỉnh các thông tin liên quan đến pháp nhân trong quá trình hoạt động và đơn giản hóa hồ sơ, trình tự, thủ tục và rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài (từ 45 ngày theo Luật đầu tư 2005 xuống còn 15 ngày theo Luật Đầu tư 2014).

đăng ký thành lập doanh nghiệp với thủ tục về đăng ký đầu tư nước ngoài
đăng ký thành lập doanh nghiệp với thủ tục về đăng ký đầu tư nước ngoài

Hỏi: Tôi là nhà đầu tư nước ngoài, đang dự định cùng bạn tôi là người Việt Nam cùng đầu tư thành lập tổ chức kinh tế tại Việt Nam. Dự kiến tôi chỉ góp 5% phần vốn góp. Liệu chúng tôi có cần phải thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trước khi đăng ký thành lập doanh nghiệp hay không?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 22 Luật Đầu tư thì nhà đầu tư được thành lập tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật. Trước khi thành lập tổ chức kinh tế, nhà đầu tư nước ngoài phải có dự án đầu tư, thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Khoản 1, Khoản 2 Điều 23 Luật Đầu tư quy định:

“1. Tổ chức kinh tế phải đáp ứng điều kiện và thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư thành lập tổ chức kinh tế; đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế; đầu tư theo hợp đồng BCC thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên hoặc có đa số thành viên hợp danh là cá nhân nước ngoài đối với tổ chức kinh tế là công ty hợp danh;

b) Có tổ chức kinh tế quy định tại điểm a khoản này nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên;

c) Có nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế quy định tại điểm a khoản này nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên”.

“2. Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài không thuộc trường hợp quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều này thực hiện điều kiện và thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư trong nước khi đầu tư thành lập tổ chức kinh tế; đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế; đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC”.

Đồng thời, Khoản 14, Khoản 16, Khoản 17 Điều 3 Luật Đầu tư quy định:

“14. Nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân có quốc tịch nước ngoài, tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam”.

“16. Tổ chức kinh tế là tổ chức được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam, gồm doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và các tổ chức khác thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh”.

“17. Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông”.

Căn cứ quy định vào các quy định nêu trên, các trường hợp phải thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trước khi đăng ký thành lập doanh nghiệp bao gồm:

  • a) Nhà đầu tư nước ngoài đăng ký thành lập hoặc tham gia thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam.
  • b) Tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên hoặc có đa số thành viên hợp danh là cá nhân nước ngoài đối với tổ chức kinh tế là công ty hợp danh đăng ký thành lập hoặc tham gia thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam.
  • c) Tổ chức kinh tế có tổ chức kinh tế thuộc trường hợp nêu tại Điểm b nắm giữ từ 51 % vốn điều lệ trở lên đăng ký thành lập hoặc tham gia thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam.
  • d) Tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế thuộc trường hợp nêu tại Điểm b nắm giữ từ 51 % vốn điều lệ trở lên đăng ký thành lập hoặc tham gia thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam.

Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhà đầu tư thực hiện thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo quy định.

Do vậy, trường hợp bạn là nhà đầu tư nước ngoài dự kiến chỉ chiếm 5% vốn của tổ chức kinh tế thì bạn vẫn phải thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trước khi đăng ký thành lập doanh nghiệp.

đăng ký đầu tư trước khi đăng ký thành lập doanh nghiệp hay không?
đăng ký đầu tư trước khi đăng ký thành lập doanh nghiệp hay không?

Hỏi: Xin hỏi các điều kiện đầu tư áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư thành lập tổ chức kinh tế?

Trả lời:

Theo quy định tại Luật Đầu tư 2014 thì trước khi thành lập tổ chức kinh tế, nhà đầu tư nước ngoài phải có dự án đầu tư, thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và phải đáp ứng các điều kiện:

a)   Về tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ

Nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu vốn điều lệ không hạn chế trong tổ chức kinh tế, trừ các trường hợp sau đây:

•    Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại công ty niêm yết, công ty đại chúng, tổ chức kinh doanh chứng khoán và các quỹ đầu tư chứng khoán theo quy định của pháp luật về chứng khoán;

•    Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa hoặc chuyển đổi sở hữu theo hình thức khác thực hiện theo quy định của pháp luật về cổ phần hóa và chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước;

•    Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài không thuộc quy định tại nêu trên thực hiện theo quy định khác của pháp luật có liên quan và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

b)   Hình thức đầu tư, phạm vi hoạt động, đối tác Việt Nam tham gia thực hiện hoạt động đầu tư và điều kiện khác theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Hỏi: Xin hỏi “Điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài” và “Điều kiện đầu tư kinh doanh” có phải là một hay không?

Trả lời:

“Điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài” và “Điều kiện đầu tư kinh doanh” là hai khái niệm khác nhau. Theo đó, theo quy định tại Khoản 6 Điều 2 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP thì điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài là điều kiện nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng khi thực hiện hoạt động đầu tư trong những ngành, nghề đầu tư có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định tại các luật, pháp lệnh, nghị định, điều ước quốc tế về đầu tư. Còn theo quy định tại Khoản 7 Điều 2 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP thì điều kiện đầu tư kinh doanh là điều kiện mà cá nhân, tổ chức phải đáp ứng theo quy định của luật, pháp lệnh, nghị định và điều ước quốc tế về đầu tư khi thực hiện hoạt động đầu tư, kinh doanh trong các ngành, nghề quy định tại Phụ lục 4 Luật Đầu tư.

điều kiện đầu tư kinh doanh
điều kiện đầu tư kinh doanh

Hỏi: Vui lòng phân biệt “Điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài” và “Điều kiện đầu tư kinh doanh”?

Trả lời:

“Điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài” và “Điều kiện đầu tư kinh doanh” là hai loại điều kiện khác nhau về cả đối tượng và thời điểm áp dụng điều kiện. Cụ thể như sau:

a) Đối với “Điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài”

Theo quy định tại Khoản 6 Điều 2 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP thì Điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài được áp dụng đối với hoạt động đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế;

b) Đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong tổ chức kinh tế;

c) Đầu tư theo hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh;

d) Nhận chuyển nhượng dự án đầu tư hoặc các trường hợp tiếp nhận dự án đầu tư khác;

đ) Sửa đổi, bổ sung ngành, nghề đầu tư kinh doanh của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.

Đồng thời, theo quy định tại Khoản 1 Điều 23 Luật Đầu tư thì Tổ chức kinh tế phải đáp ứng điều kiện và thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư thành lập tổ chức kinh tế; đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế; đầu tư theo hợp đồng BCC thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên hoặc có đa số thành viên hợp danh là cá nhân nước ngoài đối với tổ chức kinh tế là công ty hợp danh;

b) Có tổ chức kinh tế quy định tại điểm a khoản này nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên;

c) Có nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế quy định tại điểm a khoản này nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên.

Như vậy, đối tượng áp dụng của “Điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài” là nhà đầu tư nước ngoài và các tổ chức kinh tế quy định tại Khoản 1 Điều 23 Luật Đầu tư. Còn thời điểm áp dụng của “Điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài” đối với nhà đầu tư nước ngoài là 5 trường hợp quy định tại Khoản 6 Điều 2 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP; đối với tổ chức kinh tế quy định tại Khoản 1 Điều 23 Luật Đầu tư là 3 trường hợp: (i)đầu tư thành lập tổ chức kinh tế; (ii) đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế và (iii) đầu tư theo hợp đồng BCC.

b) Đối với “Điều kiện đầu tư kinh doanh”

Khoản 8 Điều 7 Nghị định số 78/2015/NĐ-CP ngày 14/9/2015 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp quy định: “Doanh nghiệp được quyền kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện kể từ khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật và phải bảo đảm đáp ứng các điều kiện đó trong suốt quá trình hoạt động”.

Như vậy, đối tượng áp dụng của “Điều kiện đầu tư kinh doanh” bao gồm doanh nghiệp được thành lập theo Luật Doanh nghiệp và được áp dụng khi doanh nghiệp tiến hành quyền kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Hỏi: Tôi được biết thời gian gần đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành văn bản hướng dẫn về cơ chế phối hợp giải quyết thủ tục đăng ký đầu tư và đăng ký doanh nghiệp đối với nhà đầu tư nước ngoài. Xin vui lòng giới thiệu các trường hợp thực hiện cơ chế liên thông nêu trên?

Trả lời:

Thực hiện quy định tại Điều 24 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư năm 2014 cũng như triển khai thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016 – 2017, định hướng đến năm 2020, ngày 18/4/2017, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư số 02/2017/TT-BKHĐT hướng dẫn về cơ chế phối hợp giải quyết thủ tục đăng ký đầu tư và đăng ký doanh nghiệp đối với nhà đầu tư nước ngoài. Đối tượng áp dụng của Thông tư này bao gồm: nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài quy định tại Luật Đầu tư thực hiện đăng ký đầu tư, đăng ký doanh nghiệp, góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp theo quy định của pháp luật Việt Nam; các cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức, cá nhân khác liên quan đến việc đăng ký doanh nghiệp, đăng ký đầu tư.

Theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 02/2017/TT-BKHĐT nêu trên thì có 3 trường hợp thực hiện cơ chế liên thông bao gồm:

a) Nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư thành lập tổ chức kinh tế theo quy định tại Điều 22 Luật Đầu tư.

b) Nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp theo quy định tại Khoản 1 Điều 26 Luật Đầu tư.

c) Nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài điều chỉnh đồng thời nội dung đăng ký doanh nghiệp và nội dung đăng ký đầu tư.

đăng ký doanh nghiệp đối với nhà đầu tư nước ngoài
đăng ký doanh nghiệp đối với nhà đầu tư nước ngoài

Hỏi: Xin vui lòng cho biết các nguyên tắc cơ bản được áp dụng trong cơ chế liên thông?

Trả lời:

Để đảm bảo cơ chế liên thông được thực hiện và xác định rõ trách nhiệm, phạm vi, quyền hạn của cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan đăng ký đầu tư cũng như doanh nghiệp, Thông tư đã quy định một số nguyên tắc cơ bản áp dụng trong cơ chế liên thông như sau:

a)   Nhà đầu tư có quyền lựa chọn đăng ký đầu tư và đăng ký doanh nghiệp theo cơ chế liên thông theo quy định tại Thông tư này hoặc thực hiện từng thủ tục theo quy định tại Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành.

b)   Nhà đầu tư tự kê khai hồ sơ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp, trung thực và chính xác của các thông tin kê khai trong hồ sơ đăng ký đầu tư, đăng ký doanh nghiệp. Số lượng bộ hồ sơ đăng ký đầu tư, đăng ký doanh nghiệp thực hiện theo quy định pháp luật về đầu tư, doanh nghiệp.

c)   Cơ quan đăng ký đầu tư và Cơ quan đăng ký kinh doanh phối hợp, trao đổi thông tin và chỉ yêu cầu nhà đầu tư nộp một bản trong trường hợp hồ sơ đăng ký đầu tư và hồ sơ đăng ký doanh nghiệp có sự trùng lặp giấy tờ.

Trong trường hợp này, Cơ quan đăng ký đầu tư lưu giữ bản do nhà đầu tư nộp và có trách nhiệm gửi bản sao giấy tờ nêu trên cho Cơ quan đăng ký kinh doanh. Bản sao do Cơ quan đăng ký đầu tư cung cấp được xem là bản sao hợp lệ theo quy định tại Khoản 10 Điều 3 Nghị định số 78/2015/NĐ-CP.

d)   Cơ quan đăng ký đầu tư, Cơ quan đăng ký kinh doanh chịu trách nhiệm về tính toàn vẹn của hồ sơ, tài liệu trong quá trình bàn giao hồ sơ và có trách nhiệm phối hợp xác nhận việc giao nhận hồ sơ, tài liệu trong cơ chế liên thông.

e)   Cơ quan đăng ký đầu tư, Cơ quan đăng ký kinh doanh xem xét tính hợp lệ của hồ sơ, xử lý hồ sơ đăng ký đầu tư, đăng ký doanh nghiệp theo chức năng, nhiệm vụ được giao; phối hợp, chia sẻ thông tin và chịu trách nhiệm trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan. Cơ quan đăng ký đầu tư ghi toàn bộ yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ đối với mỗi lần doanh nghiệp nộp hồ sơ trong một Thông báo về việc sửa đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký đầu tư và đăng ký doanh nghiệp.

f)    Việc chống tên trùng và tên gây nhầm lẫn đối với tên của doanh nghiệp dự kiến thành lập được xác lập kể từ thời điểm Cơ quan đăng ký kinh doanh thông báo cho Cơ quan đăng ký đầu tư về việc hồ sơ đăng ký doanh nghiệp hợp lệ.

g)   Thời hạn cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy xác nhận về việc thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp theo quy định tại Khoản 1 Điều 28 Nghị định số 78/2015/NĐ-CP được xác định kể từ thời điểm Cơ quan đăng ký kinh doanh nhận được thông tin về Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Văn bản của Sở Kế hoạch và Đầu tư chấp thuận về việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài.

nguyên tắc cơ bản được áp dụng trong cơ chế liên thông
Nguyên tắc cơ bản được áp dụng trong cơ chế liên thông

Hỏi: Vui lòng hướng dẫn chi tiết trình tự thực hiện cơ chế liên thông trong trường hợp nhà đầu tư nước ngoài đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp?

Trả lời:

Trình tự, thủ tục thực hiện cơ chế liên thông trong trường hợp nhà đầu tư nước ngoài đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp được quy định tại Điều 7 Thông tư số 02/2017/TT-BKHĐT. Cụ thể như sau:

1. Nhà đầu tư nộp hồ sơ tại Bộ phận tiếp nhận, xử lý hồ sơ đăng ký đầu tư thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư

Nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp nộp hồ sơ đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp và hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp của công ty nhận vốn góp tại Bộ phận tiếp nhận, xử lý hồ sơ đăng ký đầu tư thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Bộ phận tiếp nhận, xử lý hồ sơ đăng ký đầu tư thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư kiểm tra điều kiện tiếp nhận của hồ sơ đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp theo quy định tại Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn thi hành; điều kiện tiếp nhận hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp quy định tại Nghị định số 78/2015/NĐ-CP. Trong trường hợp này, hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp chưa bao gồm Văn bản của Sở Kế hoạch và Đầu tư chấp thuận về việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài.

Trường hợp hồ sơ đủ điều kiện tiếp nhận, Bộ phận tiếp nhận, xử lý hồ sơ đăng ký đầu tư thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư trao Giấy biên nhận về việc nhận hồ sơ cho người nộp hồ sơ.

2. Bộ phận tiếp nhận, xử lý hồ sơ đăng ký đầu tư thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư bàn giao hồ sơ đăng ký doanh nghiệp cho Cơ quan đăng ký kinh doanh

Trong cùng ngày làm việc với ngày tiếp nhận hồ sơ, Bộ phận tiếp nhận, xử lý hồ sơ đăng ký đầu tư thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư bàn giao hồ sơ đăng ký doanh nghiệp cho Cơ quan đăng ký kinh doanh.

3. Xem xét tính hợp lệ của hồ sơ

a) Đối với Bộ phận tiếp nhận, xử lý hồ sơ đăng ký đầu tư thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư:

Bộ phận tiếp nhận, xử lý hồ sơ đăng ký đầu tư thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư tiến hành xử lý hồ sơ đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư theo quy trình đã được quy định tại Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn.

b) Đối với Cơ quan đăng ký kinh doanh:

Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận bàn giao hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, Cơ quan đăng ký kinh doanh xử lý hồ sơ đăng ký doanh nghiệp trên Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và gửi phản hồi đến Bộ phận tiếp nhận, xử lý hồ sơ đăng ký đầu tư thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư về tính hợp lệ của hồ sơ.

– Trường hợp hồ sơ hợp lệ:

Cơ quan đăng ký kinh doanh gửi phản hồi đến Bộ phận tiếp nhận, xử lý hồ sơ đăng ký đầu tư thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư về tính hợp lệ của hồ sơ, chờ Sở Kế hoạch và Đầu tư có Văn bản chấp thuận về việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài để thực hiện cấp đăng ký doanh nghiệp.

– Trường hợp hồ sơ không hợp lệ:

Cơ quan đăng ký kinh doanh ra thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ và gửi cho Bộ phận tiếp nhận, xử lý hồ sơ đăng ký đầu tư thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, hướng dẫn doanh nghiệp hoàn thiện. Khi nhà đầu tư, doanh nghiệp sửa đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, Bộ phận tiếp nhận, xử lý hồ sơ đăng ký đầu tư thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp nhận và gửi cho Cơ quan đăng ký kinh doanh để tiếp tục xử lý hồ sơ đăng ký doanh nghiệp.

4. Ban hành Văn bản chấp thuận về việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài

Trường hợp việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đáp ứng điều kiện quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản 1 Điều 22 Luật Đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư ban hành Văn bản chấp thuận về việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài.

Trường hợp việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài không đáp ứng điều kiện quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản 1 Điều 22 Luật Đầu tư, Bộ phận tiếp nhận, xử lý hồ sơ đăng ký đầu tư thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư thông báo cho Cơ quan đăng ký kinh doanh để thực hiện hủy hồ sơ đăng ký doanh nghiệp trên Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Trong cùng ngày làm việc với ngày Văn bản chấp thuận về việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài được ban hành, Bộ phận tiếp nhận, xử lý hồ sơ đăng ký đầu tư thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư gửi Văn bản này cho Cơ quan đăng ký kinh doanh.

5. Cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy xác nhận về việc thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp

Trong cùng ngày làm việc với ngày nhận được Văn bản của Sở Kế hoạch và Đầu tư chấp thuận về việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài, Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy xác nhận về việc thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp; đồng thời chuyển Giấy chứng nhận, Giấy xác nhận tới Bộ phận tiếp nhận, xử lý hồ sơ đăng ký đầu tư thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư.

6. Trả kết quả cho nhà đầu tư

Trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy xác nhận về việc thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, Bộ phận tiếp nhận, xử lý hồ sơ đăng ký đầu tư thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư trả Văn bản chấp thuận về việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài và Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy xác nhận về việc thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp cho doanh nghiệp. Trường hợp có nhu cầu, doanh nghiệp có thể nhận trước Văn bản chấp thuận về việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài.

=>Xem thêm: Dịch vụ thành lập công ty trọn gói uy tín nhất

5/5 - (1 bình chọn)
Đánh giá chất lượng bài viết, bạn nhé!
5/5 - (1 bình chọn)
chọn đánh giá của bạn
Đánh giá chất lượng bài viết, bạn nhé!
5.0

Hãy để lại câu hỏi của bạn bên dưới, chúng tôi sẽ trả lời TRONG 15 PHÚT

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Shopping Cart
Gọi Ngay
Scroll to Top
error: Thông báo: Nội dung có bản quyền !!