Hỏi đáp về ngành nghề kinh doanh có điều kiện

hỏi đáp về ngành nghề kinh doanh có điều kiện

Hỏi: Ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện là gì?

Trả lời: Khoản 1, Điều 7 Luật Đầu tư quy định: “Ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện là ngành, nghề mà việc thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong ngành, nghề đó phải đáp ứng điều kiện vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng”.

Hỏi: Hiện nay có bao nhiêu ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện? Tôi có thể tra cứu các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện ở đâu?

Trả lời:

Ngày 22/11/2016 Quốc hội đã thông qua Luật số 03/2016/QH14 Sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ Lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư, có hiệu lực từ ngày 1/1/2017 (trừ 2 ngành kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị; sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ôtô).Theo Phụ lục 4 ban hành kèm theo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư, danh mục này bao gồm 243 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thuộc 15 Lĩnh vực quản lý của nhà nước. Người dùng có thể tham khảo danh mục và các điều kiện của từng ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện tại Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia.

Hỏi: Điều kiện đầu tư kinh doanh là gì? Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật có phải điều kiện đầu tư kinh doanh hay không?

Trả lời:

– Theo quy định tại Khoản 7 Điều 2 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật đầu tư thì điều kiện đầu tư kinh doanh là điều kiện mà cá nhân, tổ chức phải đáp ứng theo quy định của luật, pháp lệnh, nghị định và điều ước quốc tế về đầu tư khi thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

– Theo quy định tại Khoản 2 Điều 9 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP thì các điều kiện đầu tư kinh doanh được áp dụng theo các hình thức sau:

  1. Giấy phép;
  2. Giấy chứng nhận đủ điều kiện;
  3. Chứng chỉ hành nghề;
  4. Chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp;
  5. Văn bản xác nhận;
  6. Các hình thức văn bản khác theo quy định của pháp luật ngoài các hình thức điều kiện trên
  7. Các điều kiện mà cá nhân, tổ chức kinh tế phải đáp ứng để thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh mà không cần phải có xác nhận, chấp thuận dưới các hình thức văn bản.

– Theo quy định tại Điều 3 Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật thì tiêu chuẩn là quy định về đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý dùng làm chuẩn để phân loại, đánh giá sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quy chuẩn kỹ thuật là quy định về mức giới hạn của đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý mà sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quá trình, môi trường và các đối tượng khác trong hoạt động kinh tế – xã hội phải tuân thủ.

Như vậy, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật là quy định về đặc tính kỹ thuật, mức giới hạn của đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ khác với điều kiện đầu tư kinh doanh là yêu cầu đối với cá nhân, tổ chức có hoạt động đầu tư kinh doanh.

quy chuẩn kỹ thuật có phải điều kiện đầu tư kinh doanh
quy chuẩn kỹ thuật có phải điều kiện đầu tư kinh doanh

Hỏi: Quy định về việc doanh nghiệp có quyền tự do kinh doanh những ngành, nghề mà luật không cấm được hiểu như thế nào? Trường hợp doanh nghiệp đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy xác nhận về việc thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, trong đó có ghi ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thì doanh nghiệp có được kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh đó hay không?

Trả lời:

– Theo quy định của Điều 7 Luật Doanh nghiệp thì doanh nghiệp được tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà luật không cấm. Đối với các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thìdoanh nghiệp được quyền kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện kể từ khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật và phải bảo đảm đáp ứng các điều kiện đó trong suốt quá trình hoạt động. (Quy định tại Khoản 8 Điều 7 Nghị định số 78/2015/NĐ-CP ngày 14/9/2015 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp). Điều này có nghĩa là mặc dù doanh nghiệp đã được Phòng Đăng ký kinh doanh cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mà doanh nghiệp chưa đáp ứng được các điều kiện đầu tư kinh doanh thì doanh nghiệp chưa được kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Hỏi: Khi đăng ký doanh nghiệp tôi có phải nộp giấy phép, chứng chỉ hành nghề, văn bản xác nhận … cho cơ quan đăng ký kinh doanh hay không?

Trả lời:

– Hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp và thông báo bổ sung, thay đổi ngành, nghề kinh doanh được quy định tại các Điều 21, 22, 23, 24, 25, 26 và 49 Nghị định số 78/2015/NĐ-CP. Theo các quy định trên, trường hợp doanh nghiệp kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, khi đăng ký kinh doanh không phải nộp kèm theo các loại giấy phép, chứng chỉ hành nghề hay các loại văn bản chấp thuận khác của cơ quan nhà nước.

Hỏi: Những cơ quan nào được quy định về các điều kiện đầu tư kinh doanh?

Trả lời:

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 7 của Luật Đầu tư 2014 thì điều kiện đầu tư kinh doanh đối với ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện phải được quy định tại các luật, pháp lệnh, nghị định và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.Do vậy, chỉ có Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ mới được ban hành quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh.

quy định về các điều kiện đầu tư ngành nghề kinh doanh có điều kiện
quy định về các điều kiện đầu tư ngành nghề kinh doanh có điều kiện

– Như vậy, điều kiện đầu tư kinh doanh có được quy định tại các Thông tư của Bộ trưởng hay các Quyết định của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố hay không?

Trả lời: Theo quy định tại Khoản 3 Điều 7 Luật đầu tư thì Bộ, cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác không được ban hành quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh.

Thông tư của Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ hoặc các Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố quy định điều kiện đầu tư kinh doanh là trái với quy định tại Luật Đầu tư.

Đồng thời, điều kiện đầu tư kinh doanh quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật ban hành trước ngày Luật Đầu tư năm 2014 có hiệu lực, trái với quy định tại khoản 3 Điều 7 nêu trên sẽ hết hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2016. (Khoản 3 Điều 74 Luật Đầu tư).

Hỏi: Tôi đã thành lập công ty, hiện nay công ty tôi dự định mở rộng và kinh doanh thêm ngành, nghề “Kinh doanh dịch vụ karaoke” thì chúng tôi cần phải thực hiện những thủ tục gì?

Trả lời:

1. Trường hợp doanh nghiệp cần bổ sung ngành, nghề kinh doanh, doanh nghiệp thực hiện thủ tục thông báo bổ sung, thay đổi ngành, nghề kinh doanh theo quy định tại Điều 49 Nghị định số 78/2015/NĐ-CP.

2. Theo quy định tại Luật Đầu tư thì ngành, nghề “Kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường” là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực văn hóa. Do vậy, doanh nghiệp được kinh doanh “Kinh doanh dịch vụ karaoke” khi đáp ứng đủ các điều kiện về kinh doanh dịch vụ Karaoke và phải đảm bảo đáp ứng các điều kiện kinh doanh đó trong suốt quá trình hoạt động.

3. Hiện nay, các điều kiện đầu tư kinh doanh đối với các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ rà soát, tập hợp để công bố trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp (Khoản 1 Điều 12 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP).

Ví dụ: Đối với kinh doanh dịch vụ karaoke người kinh doanh phải đáp ứng điều kiện như sau:

– Phải có Giấy phép kinh doanh karaoke (điều kiện và hồ sơ, trình tự, thủ tục thực hiện theo quy định tại Điều 30, 31 Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng ban hành kèm theo Nghị định số 103/2009/NĐ-CP ngày 6/11/2009 của Chính phủ).

– Phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự (điều kiện và hồ sơ, trình tự, thủ tục thực hiện theo quy định tại Điều 7, 19 Nghị định số 96/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện).

Hỏi: Công ty tôi muốn xin cấp giấy phép để kinh doanh dịch vụ karaoke thì Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của công ty tôi có phải ghi ngành, nghề kinh doanh dịch vụ karaoke hay không?

Trả lời:

– Điều 29 Luật Doanh nghiệp không quy định việc ghi nội dung ngành, nghề kinh doanh trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

– Theo quy định tại Khoản 4 Điều 9 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP thì trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính để được cấp giấy phép, chứng chỉ hành nghề hoặc các điều kiện đầu tư kinh doanh khác, doanh nghiệp không phải ghi ngành, nghề kinh doanh có điều kiện tại Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Hỏi: Nếu không ghi ngành, nghề kinh doanh trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, vậy muốn xem doanh nghiệp kinh doanh ngành, nghề gì thì xem ở đâu?

Trả lời:

– Theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 78/2015/NĐ-CP thì thông tin trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và tình trạng pháp lý của doanh nghiệp lưu giữ tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp có giá trị pháp lý là thông tin gốc về doanh nghiệp.

Vì vậy, trường hợp doanh nghiệp muốn tra cứu thông tin (ngành, nghề kinh doanh, ngày thành lập, địa chỉ trụ sở … ) về doanh nghiệp khác, doanh nghiệp có thể tra cứu thông tin tại Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia (địa chỉ: dangkykinhdoanh.gov.vn)

=>Xem thêm: Dịch vụ thành lập công ty trọn gói uy tín nhất

Đánh giá chất lượng bài viết, bạn nhé!
[kkstarratings]
chọn đánh giá của bạn
Đánh giá chất lượng bài viết, bạn nhé!
5.0

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Giỏ hàng
All in one
Gọi Ngay
Lên đầu trang