Tổ chức lại doanh nghiệp là tái cấu trúc lại doanh nghiệp (chia, tách, hợp nhất, sáp nhập hoặc chuyển đổi doanh nghiệp) sao cho phù hợp hơn với mục tiêu doanh nghiệp hướng tới.Trong hoạt động của doanh nghiệp đôi khi phải cải tiến thay thế, mua lại sát nhập hay thậm chí chuyển đổi loại hình doanh nghiệp âu cũng là cái nhu cầu thường thấy của các doanh nghiệp. Các hình thức tổ chức lại doanh nghiệp cũng là 1 trong những biện pháp quan trọng để doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả hơn hoặc phát triển hơn, nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường phù hợp với xu thế phát triển chung của xã hội.
Hỏi: Công ty chúng tôi là Công ty CP X đã thực hiện nhận sáp nhập Công ty CP Y và dự kiến sẽ tăng vốn điều lệ. Xin cho biết hồ sơ đăng ký tăng vốn điều lệ và chấm dứt tồn tại Công ty CP Y trong trường hợp này thực hiện như thế nào?
Trả lời:
Điểm c Khoản 2 Điều 195 Luật Doanh nghiệp quy định: “Sau khi đăng ký doanh nghiệp, công ty bị sáp nhập chấm dứt tồn tại; công ty nhận sáp nhập được hưởng các quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và nghĩa vụ tài sản khác của công ty bị sáp nhập”.
Như vậy, sau khi tiến hành nhận sáp nhập, công ty nhận sáp nhập thực hiện thủ tục đăng ký tăng vốn điều lệ và chấm dứt tồn tại công bị sáp nhập.
Về hồ sơ đăng ký tăng vốn điều lệ của công ty nhận sáp nhập, Khoản 4 Điều 24 Nghị định số 78/2015/NĐ-CP ngày 14/9/2015 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp quy định: “Trường hợp sáp nhập một hoặc một số công ty vào một công ty khác, ngoài giấy tờ quy định tại Chương VI Nghị định này, hồ sơ đăng ký doanh nghiệp của công ty nhận sáp nhập phải có thêm các giấy tờ quy định tại Điều 195 Luật Doanh nghiệp và bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ tương đương khác của công ty nhận sáp nhập và các công ty bị sáp nhập”.
Đồng thời, theo quy định tại Khoản 4 Điều 195 Luật Doanh nghiệp thì hồ sơ, trình tự đăng ký doanh nghiệp công ty nhận sáp nhập thực hiện theo các quy định tương ứng của Luật này và phải kèm theo bản sao các giấy tờ sau đây:
- a) Hợp đồng sáp nhập;
- b) Nghị quyết và biên bản họp thông qua hợp đồng sáp nhập của các công ty nhận sáp nhập;
- c) Nghị quyết và biên bản họp thông qua hợp đồng sáp nhập của các công ty bị sáp nhập, trừ trường hợp công ty nhận sáp nhập là thành viên, cổ đông sở hữu trên 65% vốn điều lệ hoặc cổ phần có quyền biểu quyết của công ty bị sáp nhập”.
Như vậy, trong trường hợp này, hồ sơ đăng ký tăng vốn điều lệ của công ty nhận sáp nhập bao gồm các giấy tờ quy định Điều 44 Nghị định số 78/2015/NĐ-CP và Khoản 4 Điều 195 Luật Doanh nghiệp nêu trên.
Về việc chấm dứt tồn tại của công ty bị sáp nhập, Khoản 1 Điều 61 Nghị định số 78/2015/NĐ-CP đã có quy định. Theo đó, trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày các công ty được chia, công ty hợp nhất, công ty nhận sáp nhập được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Phòng Đăng ký kinh doanh nơi công ty bị chia, công ty bị hợp nhất, công ty bị sáp nhập đặt trụ sở chính thực hiện chấm dứt tồn tại đối với các công ty này trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Hỏi: Công ty chúng tôi là Công ty CP X đã thực hiện nhận sáp nhập Công ty CP Y, tuy nhiên công ty chúng tôi không thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp. Xin cho biết việc thực hiện chấm dứt tồn tại Công ty CP Y trong trường hợp này thực hiện như thế nào?
Trả lời:
Trường hợp sau khi sáp nhập doanh nghiệp mà nội dung đăng ký doanh nghiệp của công ty nhận sáp nhập không thay đổi thì hồ sơ, trình tự, thủ tục chấm dứt tồn tại công ty bị sáp nhập thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 7 Thông tư số 20/2015/TT-BKHĐT ngày 01/12/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp đã có quy định. Theo đó, trường hợp sau khi sáp nhập doanh nghiệp mà nội dung đăng ký doanh nghiệp của công ty nhận sáp nhập không thay đổi, trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành việc sáp nhập doanh nghiệp, công ty nhận sáp nhập gửi thông báo theo mẫu quy định tại Phụ lục II-5 ban hành kèm theo Thông tư này đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi công ty nhận sáp nhập đặt trụ sở chính để thực hiện chấm dứt tồn tại của công ty bị sáp nhập. Kèm theo thông báo phải có các giấy tờ quy định tại Khoản 4 Điều 195 Luật Doanh nghiệp.
Như vậy, trong trường hợp này, công ty nhận sáp nhập nộp hồ sơ đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi công ty nhận sáp nhập đặt trụ sở chính để thực hiện chấm dứt tồn tại của công ty bị sáp nhập. Hồ sơ bao gồm các giấy tờ như sau:
- a) Thông báo theo mẫu quy định tại Phụ lục II-5 ban hành kèm theo Thông tư 20/2015/TT-BKHĐT;
- b) Hợp đồng sáp nhập;
- c) Nghị quyết và biên bản họp thông qua hợp đồng sáp nhập của công ty nhận sáp nhập;
- d) Nghị quyết và biên bản họp thông qua hợp đồng sáp nhập của công ty bị sáp nhập, trừ trường hợp công ty nhận sáp nhập là thành viên, cổ đông sở hữu trên 65% vốn điều lệ hoặc cổ phần có quyền biểu quyết của công ty bị sáp nhập
Hỏi: Công ty chúng tôi là Công ty CP X đã thực hiện nhận sáp nhập Công ty CP Y, tuy nhiên công ty chúng tôi và Công ty CP Y ở hai tỉnh khác nhau. Xin cho biết việc công ty chúng tôi sẽ thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp tại nơi nào?
Trả lời:
Việc chấm dứt tồn tại công ty bị sáp nhập trong trường hợp công ty nhận sáp nhập và công ty bị sáp nhập ở hai tỉnh khác nhau đã được quy định tại Khoản 3 Điều 61 Nghị định số 78/2015/NĐ-CP ngày 14/9/2015 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp. Theo đó, trường hợp công ty bị sáp nhập có địa chỉ trụ sở chính ngoài tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đặt trụ sở chính công ty nhận sáp nhập, Phòng Đăng ký kinh doanh nơi công ty nhận sáp nhập gửi thông tin cho Phòng Đăng ký kinh doanh nơi đặt trụ sở chính công ty bị sáp nhập để thực hiện chấm dứt tồn tại đối với công ty bị sáp nhập trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Như vậy, trong trường hợp này, công ty nhận sáp nhập thực hiện thủ tục tại Phòng Đăng ký kinh doanh nơi công ty nhận sáp nhập đặt trụ sở chính. Phòng Đăng ký kinh doanh nơi công ty nhận sáp nhập đặt trụ sở chính sẽ gửi thông tin cho Phòng Đăng ký kinh doanh nơi đặt trụ sở chính công ty bị sáp nhập để thực hiện chấm dứt tồn tại đối với công ty bị sáp nhập trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp theo quy định tại Khoản 3 Điều 61 Nghị định số 78/2015/NĐ-CP.
Hỏi: Xin cho biết điểm khác nhau cơ bản giữa chia doanh nghiệp và tách doanh nghiệp?
Trả lời:
Chia doanh nghiệp và tách doanh nghiệp đều là thủ tục tổ chức lại doanh nghiệp và các công ty sau khi chia và tách vẫn liên đới chịu trách nhiệm của công ty trước khi chia và tách. Tuy nhiên, giữa chia doanh nghiệp và tách doanh nghiệp có sự khác nhau cơ bản như sau:
– Về chia doanh nghiệp
Theo quy định tại Điều 192 Luật Doanh nghiệp thì công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần có thể chia các cổ đông, thành viên và tài sản công ty để thành lập hai hoặc nhiều công ty mới trong một trong các trương hợp sau đây:
- a) Một phần phần vốn góp, cổ phần của các thành viên, cổ đông cùng với tài sản tương ứng với giá trị phần vốn góp, cổ phần được chia sang cho các công ty mới theo tỷ lệ sở hữu trong công ty bị chia và tương ứng giá trị tài sản được chuyển cho công ty mới;
- b) Toàn bộ phần vốn góp, cổ phần của một hoặc một số thành viên, cổ đông cùng với tài sản tương ứng với giá trị cổ phần, phần vốn góp họ được chuyển sang cho các công ty mới;
- c) Kết hợp cả hai trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản này.
Công ty bị chia chấm dứt tồn tại sau khi các công ty mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Các công ty mới phải cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và nghĩa vụ tài sản khác của công ty bị chia hoặc thỏa thuận với chủ nợ, khách hàng và người lao động để một trong số các công ty đó thực hiện các nghĩa vụ này.
Như vậy, có thể tóm gọn lại rằng, chia doanh nghiệp là hình thức chia các cổ đông, thành viên và tài sản công ty để thành lập hai hoặc nhiều công ty mới. Ví dụ: A -> B + C (Trong đó: A là Công ty bị chia; B, C là công ty mới). Sau khi chia, công ty A chấm dứt hoạt động.
– Về tách doanh nghiệp
Theo quy định tại Điều 193 Luật Doanh nghiệp thì công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần có thể tách bằng cách chuyển một phần tài sản, quyền và nghĩa vụ của công ty hiện có (sau đây gọi là công ty bị tách) để thành lập một hoặc một số công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần mới (sau đây gọi là công ty được tách) mà không chấm dứt tồn tại của công ty bị tách.
Tách công ty có thể thực hiện theo một trong các phương thức sau đây:
a) Một phần phần vốn góp, cổ phần của các thành viên, cổ đông cùng với tài sản tương ứng với giá trị phần vốn góp, cổ phần được chuyển sang cho các công ty mới theo tỷ lệ sở hữu trong công ty bị tách và tương ứng giá trị tài sản được chuyển cho công ty mới;
b) Toàn bộ phần vốn góp, cổ phần của một hoặc một số thành viên, cổ đông cùng với tài sản tương ứng với giá trị cổ phần, phần vốn góp của họ được chuyển sang cho các công ty mới;
c) Kết hợp cả hai trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản này
Hỏi: Công ty cổ phần có thể nhận sáp nhập công ty trách nhiệm hữu hạn được không (Tổ chức lại doanh nghiệp)?
Trả lời:
Theo quy định Luật Doanh nghiệp 2005, việc hợp nhất, chia, tách, sáp nhập chỉ áp dụng đối với các công ty cùng loại. Nói cách khác, công ty cổ phần không thể nhận sáp nhập công ty trách nhiệm hữu hạn.
Quy định này đã không còn phù hợp với thực tế và cản trở việc tổ chức lại hay mở rộng kinh doanh theo cách thức hợp nhất, chia, tách, sáp nhập công ty, làm giảm cơ hội đầu tư của doanh nghiệp. Do vậy, Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã bãi bỏ quy định nêu trên. Theo đó, công ty cổ phần có thể nhận sáp nhập công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc ngược lại.
Đây là điểm đổi mới hết sức quan trọng, điều nàyđã góp phần thúc đẩy thị trường mua bán doanh nghiệp (M&A) trong thời gian qua tại nước ta.
Hỏi: Xin cho biết điểm khác nhau cơ bản giữa hợp nhất doanh nghiệp và sáp nhập doanh nghiệp (Tổ chức lại doanh nghiệp)?
Trả lời:
Mặc dù hợp nhất doanh nghiệp và sáp nhập doanh nghiệp đều là một trong các hình thức của tổ chức lại doanh nghiệp, tuy nhiên, hai hình thức này hoàn toàn khác nhau về bản chất pháp lý. Cụ thể như sau:
· Về sáp nhập doanh nghiệp
Theo quy định tại Điều 195 Luật Doanh nghiệp thì sáp nhập doanh nghiệp là trường hợp một hoặc một số công ty (sau đây gọi là công ty bị sáp nhập) có thể sáp nhập vào một công ty khác (sau đây gọi là công ty nhận sáp nhập) bằng cách chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp sang công ty nhận sáp nhập, đồng thời chấm dứt sự tồn tại của công ty bị sáp nhập.
Ví dụ: Doanh nghiệp A và B sáp nhập vào doanh nghiệp C, sau khi sáp nhập doanh nghiệp A và B chấm dứt sự tồn tại
· Về hợp nhất doanh nghiệp
Theo quy định tại Điều 194 Luật Doanh nghiệp thì hợp nhất doanh nghiệp là trường hợp hai hoặc một số công ty (sau đây gọi là công ty bị hợp nhất) có thể hợp nhất thành một công ty mới (sau đây gọi là công ty hợp nhất), đồng thời chấm dứt tồn tại của các công ty bị hợp nhất.
=>Xem thêm: Dịch vụ thành lập công ty trọn gói uy tín nhất